Tạo việc làm cho lao động nông thôn từ các cơ sở may gia công
Thời gian qua, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng đã làm tốt công tác chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình 'ly nông bất ly hương', trong đó có việc hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở may gia công ở địa phương đẩy mạnh hoạt động sản xuất, góp phần giúp nhiều người dân nông thôn có việc làm ổn định mà không phải xa quê.
Là một trong những người tiên phong phát triển nghề may gia công tại xã Hải Sơn, anh Nguyễn Hữu Hòa, chủ 4 cơ sở may gia công Hòa Hợp ở các thôn Lương Điền, Hà Lộc, thuộc xã Hải Sơn cho biết: “Cuối năm 2019, tôi mạnh dạn mở cơ sở may gia công đầu tiên tại gia đình. Khi ấy, tôi đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất tận tình về thông tin, nguồn vốn, các cơ chế chính sách từ phía chính quyền địa phương.
Ngoài mục đích phát triển kinh tế gia đình, tôi còn mong muốn giúp lao động nông thôn có tay nghề, tạo thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Sau một thời gian hoạt động, đến nay, tôi đã phát triển được 4 cơ sở may gia công trên địa bàn xã Hải Sơn, các cơ sở hoạt động khá ổn định và ngày càng cho thu nhập tốt, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động trên địa bàn. Những lúc cao điểm như lễ, Tết, đơn hàng nhiều, tôi phải huy động thêm thợ may tại các địa phương lân cận”.
Chị Trương Thị Chi, ở thôn Lương Điền, xã Hải Sơn trước đây chỉ làm nông nghiệp, cuộc sống rất bấp bênh do chồng đột ngột qua đời để lại 3 đứa con nhỏ. Sau khi hoàn thành lớp học nghề may công nghiệp tại địa phương, chị Chi được nhận vào làm việc tại Cơ sở may gia công Hòa Hợp. Từ ngày có công việc ổn định, chị rất phấn khởi vì vừa có việc làm, vừa chủ động được thời gian chăm sóc các con với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
“Làm việc gần nhà, thu nhập ổn định giúp tôi có thêm điều kiện để nuôi dạy các con. Tôi cảm thấy rất vui và mong muốn cơ sở có thêm nhiều đơn hàng để người lao động có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”, chị Chi chia sẻ.
Cũng là một trong những cơ sở may gia công hoạt động hiệu quả trên địa bàn xã Hải Sơn, cơ sở may gia công của anh Nguyễn Văn Tuấn, ở thôn Trầm Sơn hiện có gần 11 công nhân làm việc với mức thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/ tháng. Xuất thân là công nhân may, nhiều năm làm việc ở các xưởng may trong và ngoài tỉnh, năm 2018, anh Tuấn đã mạnh dạn đầu tư máy móc, mở cơ sở may gia công để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo việc làm cho chị em trong xã và các địa bàn lân cận.
Anh Tuấn cho biết: “Để hoàn thành sản phẩm may mặc phải trải qua nhiều công đoạn, như: cắt vải, ráp, vắt sổ, may... nên cần rất nhiều lao động. Người làm nhiều thì hưởng nhiều nên các chị em rất chịu khó học hỏi và hăng hái làm việc”. Mỗi tháng, cơ sở may gia công của anh Tuấn nhận trung bình 1 - 2 đơn hàng với số lượng lớn quần áo thời trang. Vào những đợt cao điểm như lễ, Tết, đơn hàng đặt nhiều thì anh Tuấn cho tăng ca hoặc huy động thêm thợ may tại địa phương. Nhờ vậy, thu nhập của người lao động tăng lên đáng kể qua từng năm.
Qua tìm hiểu thực tế về thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và xây dựng nông thôn mới (NTM) tại xã Hải Sơn nói riêng và các xã trên địa bàn huyện Hải Lăng nói chung cho thấy, với nhiều ưu điểm như dễ đào tạo tay nghề, yêu cầu công việc phù hợp với lao động ở nhiều độ tuổi khác nhau, những năm qua, nghề may gia công phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương. Trung bình, mỗi xưởng may tạo việc làm tại chỗ cho khoảng 10-20 lao động.
Trong quá trình hoạt động, nhiều xưởng may quy mô hộ gia đình đã sản xuất hiệu quả và phát triển lên mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã hay thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn. Các cơ sở tích cực tìm kiếm đối tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để ký kết đơn hàng, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động với thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Nghề may gia công cũng được các xã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Chủ tịch UBND xã Hải Sơn Lê Văn Huân cho biết: “Cùng với thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao theo lộ trình, xã Hải Sơn đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hằng năm, địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng, đề xuất kế hoạch hỗ trợ đào tạo các ngành nghề phù hợp cũng như đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong đó, nghề may đang được chính quyền địa phương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở mở rộng sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội địa phương”.
Thời gian tới, xã Hải Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đầu tư phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh, trong đó có các cơ sở may gia công tại địa phương. Cùng với đó, đề xuất các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.