Tạo việc làm cho lực lượng dân quân tự vệ - cách làm từ Đồng Tháp

Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) trong LLVT tỉnh Đồng Tháp thời gian qua có sự phát triển khá toàn diện trên nhiều mặt, giúp cho các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ phong trào này có nhiều mô hình hay mang lại hiệu quả thiết thực, như: 'Bộ đội về làng', 'Nghĩa tình quân dân vùng biên', 'Ngân hàng máu sống trong lực lượng dân quân'…

Nếu như trước đây, phần lớn lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) và dự bị động viên (DBĐV) thường đi làm ăn xa nên việc tập trung huấn luyện hay thực hiện nhiệm vụ đột xuất gặp nhiều khó khăn, thì nay với việc làm và mức thu nhập ổn định đã giúp các lực lượng này yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Mô hình “Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp” được Ban chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Lai Vung tham mưu huyện ủy, UBND huyện thí điểm tại xã Hòa Thành với gần 40 thành viên, phần đông là lực lượng DQTV, DBĐV ở các xã, thị trấn.

Sau khi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây cảnh, tổ nhận hợp đồng sửa cây tại các cơ sở cây cảnh tại địa phương. Đồng chí Nguyễn Tấn Hữu, dân quân xã Hòa Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) tâm sự: “Chăm sóc cây cảnh không vất vả, thu nhập lại ổn định. Ngoài ra, mình còn có thể tận dụng đất vườn nhà để làm thêm tăng thu nhập”.

 "Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp" của xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

"Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp" của xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Từ hiệu quả mang lại, đầu năm 2023, huyện ủy Lai Vung chỉ đạo Đảng ủy, Ban CHQS huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện và Đảng ủy, UBND 12 xã, thị trấn khảo sát, nắm chắc từng hoàn cảnh của lực lượng DQTV, DBĐV tại địa phương và tiến hành thành lập “Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp”. Mỗi tổ có từ 35 - 40 thành viên, đa dạng các ngành nghề, như sửa cây cảnh, thu hoạch nấm rơm, phun xịt thuốc lúa và cây ăn quả, làm vườn, thu hoạch, vận chuyển hàng hóa và nông sản…

Đồng chí Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện ủy Lai Vung chia sẻ: “Lực lượng DQTV, DBĐV tham gia mô hình đảm bảo các mục tiêu như tạo điều kiện việc làm có thu nhập; giải quyết nhu cầu lao động; thuận lợi trong việc tập trung huấn luyện. Đến nay, mỗi xã có 1 tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp, nhìn chung tổ dịch vụ hoạt động rất ổn định, góp phần giải quyết được việc làm cho một bộ phận lực lượng DQTV, DBĐV ở địa phương”.

Với nhu cầu công việc hiện nay, “Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp” các xã, thị trấn của huyện Lai Vung không chỉ nhận việc làm thường xuyên tại địa phương mà còn ở các huyện lân cận. Công việc ổn định với mức thu nhập bình quân hằng tháng hơn 8 triệu đồng/người, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo yêu cầu của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.

Đồng chí Võ Văn Đoàn, DBĐV xã Tân Thành, huyện Lai Vung phấn khởi nói: “Từ khi tôi tham gia “Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp”, thì thấy vừa thuận tiện cho công việc của cá nhân, lại vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ ở địa phương. Thu nhập mỗi tháng hơn 8 triệu đồng, nhờ vậy cuộc sống gia đình đã tạm ổn”.

Anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh, chủ nhà vườn ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung tâm sự: “Những thành viên trong tổ dịch vụ đa phần đều là nông dân nên khi làm nông nghiệp họ rất nhiệt tình và thuần thục. Khi được hướng dẫn thêm một số kỹ thuật thì anh em làm rất tốt công việc”.

Có thể khẳng định, mô hình “Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp” của Ban CHQS huyện Lai Vung không chỉ giúp lực lượng DQTV và DBĐV có mức thu nhập ổn định; đồng thời đây cũng là một cách làm hiệu quả để địa phương làm tốt công tác quản lý, sẵn sàng động viên, huấn luyện và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có lệnh.

Bài, ảnh: NGỌC HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tao-viec-lam-cho-luc-luong-dan-quan-tu-ve-cach-lam-tu-dong-thap-795584