Tạo việc làm, khởi nghiệp cho người già trong thời kỳ già hóa dân số

Ngày 17/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức họp Ban Chỉ đạo, Ban soạn thảo đề án 'Người cao tuổi tham gia khởi nghiệp, việc làm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh' nhằm mục đích nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin để xây dựng đề án, bảo đảm phù hợp chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người cao tuổi.

Họp Ban soạn thảo đề án "Người cao tuổi tham gia khởi nghiệp, việc làm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh".

Họp Ban soạn thảo đề án "Người cao tuổi tham gia khởi nghiệp, việc làm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh".

Theo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, số liệu tổng hợp từ các địa phương, đến năm 2023, Việt Nam có hơn 7 triệu người cao tuổi đang trực tiếp lao động, sản xuất kinh doanh, trong đó có hơn 50% người cao tuổi trong độ tuổi từ 60-69; hơn 19% người từ 70-79 tuổi vẫn đang lao động, tạo ra thu nhập...

Cả nước hiện có 221.000 người cao tuổi đang làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ra những sản phẩm có giá trị, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Nhiều người cao tuổi đã và đang khởi nghiệp thành công, khẳng định vị trí, vai trò của mình.

Phát biểu ý kiến tại buổi họp, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định, chính sách về khởi nghiệp, dạy nghề, việc làm cho người cao tuổi. Tuy nhiên, hầu hết mới đang ở chủ trương, chưa có văn bản cụ thể hóa, đưa vào cuộc sống.

Các chương trình, đề án mới chỉ tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe, phát huy kinh nghiệm của người cao tuổi. Chính sách khuyến khích người cao tuổi có khả năng, có nhu cầu tiếp tục làm việc mới được thực hiện ở một số đối tượng.

Các chính sách lao động việc làm chưa bao quát, thiếu chính sách cho nhóm lao động cao tuổi tham gia vào thị trường lao động; chưa có chính sách đào tạo, đào tạo lại cho lao động trung niên, lao động cao tuổi để chuyển đổi nghề nghiệp hay đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động.

Cả nước hiện có khoảng trên 16 triệu người cao tuổi, trong đó có khoảng 7 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất. Thực tế cho thấy, kỹ năng, kinh nghiệm của lao động cao tuổi rất quý, vì vậy, nhu cầu chuyển đổi sinh kế, khởi nghiệp cho người cao tuổi, là nhiệm vụ tất yếu, cấp bách. Việc xây dựng đề án “Người cao tuổi tham gia khởi nghiệp, việc làm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh” là cần thiết trong giai đoạn già hóa dân số đang diễn ra mạnh mẽ.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại cuộc họp.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại cuộc họp.

“Đây một đề án vừa mới vừa khó, vừa chưa có trong tiền lệ. Xây dựng đề án này để tham gia đóng góp vào sự phát triển và đặc biệt người cao tuổi phải xác định việc phát huy được khả năng trách nhiệm của người cao tuổi, người cao tuổi cả nước phải vào cuộc, chung tay tổ chức vận động các thế hệ cùng thực hiện các chủ trương, chính sách đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đã làm rồi thì mình phải rõ ràng là phải bằng mọi cái tư duy, bằng mọi giá để làm sao khi xây dựng xong đề án có tính thuyết phục cao và đi vào cuộc sống” - Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Dự báo của Tổng cục Thống kê cho biết, đến năm 2036, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số già, với hơn 21 triệu người cao tuổi, chiếm 19,48% tổng dân số. Theo các chuyên gia, trong vòng 10 năm tới, sẽ có hàng chục triệu người cao tuổi có nhu cầu khởi nghiệp, dạy nghề và tìm việc làm mới. Điều đó đặt ra vấn đề rất lớn cho xã hội, nếu phát huy tốt, đây sẽ người cao tuổi sẽ là lực lượng lao động quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Thảo luận tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng, kỹ năng, kinh nghiệm của lao động cao tuổi rất quý, vì vậy, nhu cầu chuyển đổi sinh kế, khởi nghiệp cho người cao tuổi, là nhiệm vụ tất yếu, cấp bách. Việc này vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội, vừa tận dụng được kinh nghiệm, chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Ngọc Toản, về lâu dài cần thiết kế các hệ thống đào tạo nghề, việc làm, học tập suốt đời mang tính mở, linh hoạt để hỗ trợ các đối tượng yếu thế, trong đó có người cao tuổi:

“Người cao tuổi tham gia thị trường lao động thì hiện nay có 2 hệ thống pháp luật đang bảo vệ. Bộ luật Lao động có một chương liên quan việc làm của người cao tuổi, thứ hai là việc làm bảo hiểm an sinh xã hội cũng đều có. Vậy thì người cao tuổi vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm y tế hay có tiếp tục tham gia hệ thống bảo hiểm thất nghiệp hay không?

Bởi vì nếu chúng ta bàn đến thì sau này đề án sẽ xuất hiện việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách và nhiệm vụ chúng ta là phải nâng cao năng lực cho các cơ quan chuyên môn, nâng cao năng lực đánh giá cung cấp các bằng chứng cho các nhà hoạch định chính sách làm sao mà nếu làm tốt được việc này thì đề án sẽ có phạm vi rộng hơn và không chỉ giới hạn ở việc chúng ta làm mô hình” - Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Toản cho biết.

Hiện nay, để hỗ trợ người cao tuổi trong việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người cao tuổi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2156 ngày 21/12/2021 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, giai đoạn 2021-2030.

Chương trình đưa ra mục tiêu cụ thể là: Giai đoạn 2022-2025, ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, ít nhất 20.000 người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp.

Giai đoạn 2026-2030: Ít nhất 70% người cao tuổi có nhu cầu, khả năng lao động có việc làm, ít nhất 30.000 người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp...

Bộ cũng đề xuất bổ sung quy định chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, gồm: hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động lớn tuổi; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho lao động cao tuổi; các chính sách ưu tiên khi sử dụng lao động cao tuổi (vay vốn, tham gia chính sách việc làm công…).

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-viec-lam-khoi-nghiep-cho-nguoi-gia-trong-thoi-ky-gia-hoa-dan-so-post819545.html