Tập đoàn công nghệ Việt và những thương vụ đầu tư tại các cường quốc
Thế giới trở nên 'phẳng' hơn, kỷ nguyên hội nhập chắp cánh doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn. Những người tiên phong đã gặt hái được những thành quả và không ngừng phát triển khắp các thị trường quốc tế. Loạt thương vụ đầu tư của tập đoàn FPT tại các cường quốc là một minh chứng.
Vươn tầm quốc tế - lời giải khi "chiếc áo" nội địa chật hơn
Những năm gần đây, xu hướng vươn tầm hoạt động quốc tế trở nên phổ biến hơn với những doanh nghiệp Việt Nam. Từ nông sản như quả vải, trái xoài, bao gạo cho đến những chiếc ô tô và ngành công nghệ đều đang hướng đến những khách hàng khắp năm châu.
Tập đoàn FPT là một trong những người tiên phong trong xu hướng ra nước ngoài. Ông lớn làng công nghệ Việt đầu tư ra nước ngoài từ năm 1998. Mới đây, Tập đoàn đã mở hai văn phòng mới tại Mỹ và Đan Mạch, mở rộng quy mô hiện diện tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ với 180 văn phòng, chi nhánh trên toàn cầu, trong đó, có những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp….
Theo dõi hoạt động của FPT, đơn vị mạnh tay hơn cho chiến dịch M&A, đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp nước ngoài từ năm 2014 với thương vụ mua lại 100% vốn của RWE IT Slovakia – công ty công nghệ thuộc Tập đoàn năng lượng hàng đầu Châu Âu RWE. Đây là bước đệm giúp FPT thu được hợp đồng phần mềm trị giá 100 triệu USD với Innogy SE.
Trong 5 năm trở lại, FPT tiếp tục với hàng hoạt thương vụ đầu tư, thực hóa tham vọng đứng trong Top 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổ số toàn diện vào năm 2030, cạnh tranh với các tên tuổi hàng đầu trên thế giới trong cùng lĩnh vực.
Tháng 7/2018, Tập đoàn mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting – công ty tư vấn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ, thị trường xuất khẩu phần mềm đóng góp doanh thu lớn thứ hai của FPT thời điểm đó. Thương vụ M&A sau đó đem lại nhiều hợp đồng triệu USD cho FPT trên đất Mỹ.
Ba năm sau, cuối tháng 7/2021, để mở rộng hoạt động tại khu vực Mỹ La – tinh, FPT đã đầu tư vào Intertec International - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin có hơn 20 năm kinh nghiệm và hơn 300 nhân sự chuyên môn cao.
Mới đây, giữa tháng 10, tập đoàn đầu tư và trở thành cổ đông chiến lược của LTS. Inc., một công ty nằm trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số ở Nhật Bản. Theo chia sẻ từ phía FPT, khoản đầu tư chiến lược sẽ giúp hai bên khai phá cơ hội trong lĩnh vực tư vấn và dịch vụ công nghệ, hướng tới các hợp đồng hàng chục triệu USD thị trường Nhật Bản và quốc tế.
Tập đoàn này cũng kỳ vọng, khoản đầu tư này sẽ giúp FPT và LTS có thể cạnh tranh với các công ty tư vấn chuyển đổi số hàng đầu thế giới, thúc đẩy phát triển công nghệ sáng tạo và cung ứng dịch vụ chuyển đổi số toàn diện, từ tư vấn, triển khai đến bảo trì hệ thống cho các tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực, giúp thúc đẩy chuyển đổi số trên phạm vi toàn cầu.
Những con số biết nói trong chiến lược vươn ra toàn cầu của FPT
Nhìn những thương vụ trên, dường như FPT đã “mát tay” khi đem về các hợp đồng khủng có thể lên tới hàng trăm triệu USD sau khi hợp tác được ký kết. Nhưng công bằng để nói rằng, sự am hiểu thị trường và kinh nghiệm từ các đối tác địa phương cộng hưởng với nền tảng tốt của FPT là mấu chốt.
Giai đoạn 2022 - 2024, FPT tiếp tục theo đuổi chiến lược “săn cá voi” tập trung vào chăm sóc, khai thác khách hàng có quy mô doanh số lớn. FPT hướng trở thành đối tác chiến lược trong hành trình chuyển đổi số của các khách hàng lớn trên quy mô toàn cầu.
Lượng khách hàng lớn không ngừng tăng lên qua các năm chứng minh FPT đã đúng với chiến lược vươn ra quốc tế để giải bài tăng trưởng. Số liệu từ báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 của FPT cho thấy, doanh thu ký mới của mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài tăng 42,6%, đạt 16.799 tỷ đồng (xấp xỉ 700 triệu USD). Trong đó, các khách hàng và dự án có quy mô doanh số triệu USD tăng mạnh và tập trung chủ yếu tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Cụ thể số lượng khách hàng mang về doanh số trên 1 triệu USD cho FPT tăng 21,1%, đạt 115 khách hàng. Số lượng dự án có giá trị từ 1- 5 triệu USD tăng mạnh so với cùng kỳ, 45,2%, đạt 106 dự án. Số dự án có giá trị trên 5 triệu USD cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ, đạt 18 dự án.
Chưa dừng lại ở việc tăng trưởng tập khách hàng, doanh thu và lợi nhuận từ thị trường nước ngoài của FPT liên tục tăng trong những năm qua. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu thị trường nước ngoài đạt bình quân 21,6% trong giai đoạn 2015 - 2021, cao hơn mức tăng trưởng chung của tập đoàn.
Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài đạt 13.479 tỷ đồng, tăng trưởng 29,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.210 tỷ đồng, tăng trưởng 27,6%.
Những con số trên phản ánh hiệu quả trong chiến lược đầu tư vào thị trường lớn của FPT. Nhìn một cách đơn nhất, những gì FPT đạt được không chỉ gửi thông điệp về sự tận dụng nguồn lực cả về tài chính và con người để tìm kiếm dư địa tăng trưởng. Trong một bức tranh tổng quan hơn, thị trường nước ngoài sẽ là “miền đất hứa” cho những doanh nghiệp Việt khi hội tụ đủ năng lực cạnh tranh và một chiến lược hành động bài bản.