Tập đoàn Đèo Cả: Tiếp đà tăng trưởng để bứt phá trong 'kỷ nguyên mới'

Năm 2024, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã: HHV) ghi nhận doanh thu đạt 3.308 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 473 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và động viên công nhân thi công của Tập đoàn Đèo Cả

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và động viên công nhân thi công của Tập đoàn Đèo Cả

Tăng trưởng ấn tượng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu HHV tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực. Doanh thu thu phí chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.914 tỷ đồng (58% tổng doanh thu), tăng khoảng 22% so với năm 2023. Trong đó, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đưa vào khai thác từ quý 2/2024 có lưu lượng trung bình hơn 8.000 lượt xe/ngày, đóng góp đáng kể vào doanh thu cho HHV.

Hoạt động thi công xây lắp mang về 1.152 tỷ đồng, chiếm 34% tổng doanh thu, tăng 10% so với năm 2023 nhờ tiến độ thi công được đẩy nhanh tại các dự án trọng điểm như Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đường nối cảng Liên Chiểu, đường ven biển Bình Định...

Đáng chú ý, hoạt động quản lý vận hành ghi nhận mức tăng trưởng 125% so với năm trước nhờ HHV trúng thầu và tiếp nhận thêm các dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hầm Tam Điệp, Thung Thi, Trường Vinh...

HHV hiện quản lý vận hành 6 tuyến cao tốc, tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua Khánh Hòa, cầu Mỹ Thuận 2 và 11 hầm xuyên núi, trong đó có 4 hầm lớn nhất Việt Nam là Hải Vân, Đèo Cả, Núi Vung, Cù Mông.

Kết quả năm 2024, HHV ghi nhận doanh thu đạt 3.308 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 473 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2023.

Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đang dần về đích

Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đang dần về đích

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, HHV tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng tập trung, phát huy thế mạnh trong đầu tư, thi công xây lắp và quản lý vận hành hạ tầng giao thông.

Bên cạnh các dự án đầu tư, ở hoạt đông thi công, năm 2025, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, liên danh HHV cũng đang nỗ lực đẩy tiến độ thi công dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đặt mục tiêu đào thông hầm số 3 - hầm lớn nhất được xây dựng mới trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, chào mừng ngày Giải phóng miền Nam (30/4/2025), hướng tới thông toàn tuyến Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vào cuối năm 2025.

Đối với hoạt động quản lý vận hành, dựa trên thế mạnh nền tảng, HHV đặt mục tiêu tham gia đấu thầu quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sau khi hoàn thành, tập trung vào các đoạn tuyến có hầm đường bộ, cầu lớn.

Cơ hội từ những chuyển động thượng tầng

Bên cạnh nội lực doanh nghiệp, cộng hưởng thêm từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền trong việc tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án BOT giao thông sẽ là cú hích cho kết quả kinh doanh của HHV trong thời gian tới.

Trong những ngày đầu năm mới Ất Tỵ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra tiến độ, đôn đốc tình hình thi công dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng, là hai dự án thực hiện theo phương thức PPP do liên danh HHV đầu tư. Đối với dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cuối năm 2024 HHV đã gia tăng tỷ lệ sở hữu lên 40%.

Trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 3.000 km đường cao tốc đến năm 2025, cùng với chủ trương đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, vai trò của các dự án PPP trong phát triển hạ tầng giao thông ngày càng trở nên cấp thiết.

Tuy nhiên, sau hơn ba năm thi hành Luật PPP, nhiều dự án vẫn gặp phải hàng loạt vướng mắc tài chính, trong đó có 11 dự án BOT đang cần bổ sung hơn 15.000 tỷ đồng.

Một ví dụ điển hình là dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, công trình do HHV đầu tư và quản lý vận hành, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án liên quan như cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, do chưa thể huy động vốn tín dụng.

Trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Lạng Sơn ngày 2/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh đã báo cáo và khẳng định các vướng mắc tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn không xuất phát từ phía nhà đầu tư và cần sớm được tháo gỡ.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, một trong những công trình cao tốc của Tập đoàn Đèo Cả được đánh giá cao

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, một trong những công trình cao tốc của Tập đoàn Đèo Cả được đánh giá cao

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất giải pháp xử lý các vướng mắc tại các dự án BOT, trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội vào tháng 5/2025.

Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đồng thời triển khai các tuyến để kết nối cao tốc trọng điểm này với thành phố Cao Bằng và cửa khẩu Tà Lùng; đồng ý kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn về xây dựng đoạn tuyến kết nối tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng tới cửa khẩu Tân Thanh. Đây là những điều kiện thuận lợi để HHV có thể tiếp tục tham gia đầu tư giai đoạn tiếp theo của các dự án trên.

Với sự hỗ trợ chính sách từ thượng tầng, cùng với tiềm lực sẵn có, HHV đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá trong năm 2025 và giai đoạn tới.

THU THẢO

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tap-doan-deo-ca-tiep-da-tang-truong-de-but-pha-trong-ky-nguyen-moi-38027.html