Tập đoàn GELEX (GEX): Lãi quý 1 ước tăng 58%, lên kế hoạch làm KCN Dầu khí Long Sơn
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ban lãnh đạo Tập đoàn GELEX (mã cổ phiếu GEX) cho biết sẽ không tham gia điều hành Ngân hàng Eximbank và chưa có ý định gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Tổng Công ty Viglacera.
Lợi nhuận trước thuế quý 1/2025 ước tăng 58%
Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX (mã cổ phiếu GEX - sàn HoSE) vừa qua đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Tại Đại hội, cổ đông Tập đoàn GELEX đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 37.600 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu cao kỷ lục của tập đoàn này. Trong khi đó, mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến giảm 15%, còn 3.041 tỷ đồng.
Thông tin đến cổ đông, ông Nguyễn Trọng Hiền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn GELEX cho biết lợi nhuận dự kiến thấp hơn là do không còn còn khoản lợi nhuận bất thường từ thoái vốn các dự án năng lượng tái tạo (khoảng gần 1.000 tỷ đồng) như năm 2024.

Ông Nguyễn Trọng Hiền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn GELEX phát biểu tại Đại hội.
Chủ tịch Tập đoàn GELEX cũng cho biết, trong quý 1/2025, doanh thu của tập đoàn ước tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024 và lợi nhuận trước thuế ước tính tăng 58%, đạt khoảng 600 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn đã hoàn thành khoảng 20% mục tiêu lợi nhuận cả năm dù quý 1 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.
Về việc phân phối lợi nhuận HĐQT Tập đoàn GELEX đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 10%, gồm 5% tiền mặt và 5% cổ phiếu, và dự kiến chia cổ tức năm 2025 ở mức 10%.
Chia sẻ thêm về việc thay đổi kế hoạch chia cổ tức năm 2024, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tập đoàn GELEX cho biết, năm 2023 và năm 2024 đã có nhiều biến động và tập đoàn cần phải có đủ lượng tiền để dự phòng cho các tình huống xấu xảy ra.
Kế hoạch của tập đoàn từ 2024 trở đi, mức cổ tức tối thiểu là 10% trong đó duy trì mức 5% bằng tiền, 5% cổ phiếu, ông Nguyễn Văn Tuấn thông tin đến cổ đông.
Về chiến lược phát triển chung của Tập đoàn Gelex, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết trước đây, công ty tập trung vào việc M&A, mở rộng quy mô nhưng từ năm 2024 sẽ tập trung vào việc nâng cao hiệu quả, có kỷ luật đầu tư. Tập đoàn sẽ không tăng trưởng bằng cách mở rộng mà tập trung vào chiều sâu, phát triển các thành viên trong hệ sinh thái.
"Những năm công ty M&A thường chịu chi phí rất cao. Do đó, mục tiêu của ban lãnh đạo là không kéo lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) xuống thấp nữa, thay vào đó sẽ đẩy EPS để giá cổ phiếu tăng", Tổng giám đốc Tập đoàn GELEX cho biết.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tập đoàn GELEX phát biểu tại Đại hội.
Về chiến lược cho từng lĩnh vực, ông Nguyễn Trọng Hiền cho biết, đối với lĩnh vực Thiết bị điện và Vật liệu xây dựng, Tập đoàn GELEX sẽ tập trung mở rộng thị trường trong nước, đồng thời phát triển thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động R&D nhằm mở rộng danh mục sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu.
Đối với lĩnh vực Năng lượng, Tập đoàn GELEX sẽ tiếp tục nghiên cứu và thực hiện đầu tư có chọn lọc các dự án năng lượng tái tạo tiềm năng trong danh mục đang nghiên cứu phát triển. Với lĩnh vực nước sạch, tập đoàn tiếp tục đầu tư và hoàn thành đúng tiến độ Dự án nước sạch Sông Đà giai đoạn 2 (Hà Nội) và nghiên cứu đầu tư các dự án cung cấp nước sạch tại các địa phương, cung cấp nước sạch tại các khu công nghiệp.
Trong lĩnh vực Khu công nghiệp và Bất động sản, Tập đoàn GELEX dự kiến mở rộng quỹ đất tại nhiều địa phương và phát triển các hình thức khu công nghiệp mới như khu công nghiệp thông minh, thành phố công nghiệp tích hợp đô thị sinh thái,…, và mở rộng đầu tư vào kho xưởng xây sẵn hoặc xây theo yêu cầu thông qua liên doanh Titan Corporation.
Không tham gia điều hành Ngân hàng Eximbank, chưa có ý định gia tăng sở hữu tại Tổng Công ty Viglacera
Tại phần thảo luận, một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm nhất là việc Tập đoàn GELEX mở rộng sang lĩnh vực tài chính ngân hàng với việc trở thành cổ đông lớn nhất tại Ngân hàng Eximbank (mã cổ phiếu EIB) với việc chi phối 10% vốn điều lệ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết Tập đoàn GELEX là doanh nghiệp đầu tư đa ngành quy mô lớn, việc nắm giữ lượng lớn cổ phần tại Ngân hàng Eximbank là khoản đầu tư dài hạn, nhằm tìm kiếm lợi nhuận hiệu quả cho tập đoàn trong tương lai, chứ không phải là bổ sung lĩnh vực tài chính ngân hàng vào hệ sinh thái.
Đáng chú ý, Tổng giám đốc Tập đoàn GELEX cho biết tập đoàn sẽ không tham gia vào điều hành Ngân hàng Eximbank do coi đây là khoản đầu tư. Tuy nhiên, nếu HĐQT cần Tập đoàn GELEX tham gia đóng góp để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông thì tập đoàn sẽ tham gia nếu phù hợp với chiến lược.

Ban lãnh đạo Tập đoàn GELEX trả lời các câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.
Đối với việc gia tăng sở hữu tại Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã cổ phiếu VGC) trong bối cảnh doanh nghiệp này đang “rục rịch” triển khai thoái vốn nhà nước, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Tập đoàn GELEX đã đầu tư vào Tổng Công ty Viglacera từ năm 2019 với mức giá khoảng 23.000 đồng một cổ phiếu. Hiện tại giá cổ phiếu VGC đã tăng gấp đôi do đó Tập đoàn GELEX hiện cho rằng không phù hợp để gia tăng sở hữu.
Thay vào đó, Tập đoàn GELEX sẽ tiếp tục tìm đối tác tốt có năng lực về quản trị và tài chính để tham gia mua cổ phần tại Tổng Công ty Viglacera. Nếu không có ai mua thì Tập đoàn GELEX vẫn sẽ tìm cách tiếp tục thúc đẩy kết quả kinh doanh tại doanh nghiệp này, Tổng giám đốc Tập đoàn GELEX nói.
Trong mảng bất động sản công nghiệp, Tổng Công ty Viglacera là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước với 14 khu công nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, sở hữu quỹ đất công nghiệp lên đến 3.700 ha. Tính đến cuối năm 2024, tổng diện tích đất công nghiệp đã được doanh nghiệp này cho thuê là khoảng 1.700 ha.
Đối với khoản đầu tư vào Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP (mã cổ phiếu TBD), Tập đoàn GELEX hiện cũng không có kế hoạch gia tăng thêm sở hữu do định giá hiện đã cao, không phù hợp với chiến lược đầu tư kinh doanh.
Dự kiến khởi công Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn vào năm 2026
Về khoản đầu tư vào Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (mã cổ phiếu PXL) mới được thực hiện, ông Lương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn GELEX cho biết tập đoàn đang nắm 65% vốn điều lệ tại Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn.
Hiện dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư và đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư. Dự án đang trong quá trình triển khai điều chỉnh quy hoạch, lập các quy hoạch phân khu liên quan, đang thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án. Tập đoàn đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công năm 2026, ông Lương Thanh Tùng nói.
Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn được thành lập năm 2007 nhằm triển khai khu công nghiệp cùng tên, có tổng diện tích quy hoạch là 850 ha, tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo quy hoạch ban đầu, tổng mức đầu tư điều chỉnh giai đoạn 1 của khu công nghiệp này là 11.759 tỷ đồng.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Tập đoàn GELEX.
Với dự án tổ hợp khách sạn - văn phòng thương mại tại số “ô đất vàng” số 10 Trần Nguyên Hãn (Hà Nội), ông Nguyễn Trọng Hiền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn GELEX cho biết đây là dự án thuê đất của nhà nước với diện tích khoảng 10.000 m2. Tập đoàn đã đầu tư tổ hợp gồm khách sạn 5 sao với 242 phòng, 9.000 m2 văn phòng, 300 m2 thương mại và 38.000 m2 với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ. Hiện 100% diện tích văn phòng đã có khách hàng thuê và phần diện tích thương mại của dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025.
Cuối cùng, với khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết Tập đoàn GELEX đánh giá không không còn tiềm năng khi doanh thu của đơn vị thành viên này giảm liên tục và không thể tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực mà tập đoàn không có lợi thế.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng đánh giá việc đầu tư vào Chế tạo Điện cơ Hà Nội là một bài học của Tập đoàn GELEX khi chậm ra quyết định thoái vốn khỏi những đơn vị không mang lại hiệu quả. Tổng giám đốc Tập đoàn GELEX chia sẻ, sắp tới tập đoàn sẽ có những công cụ để đánh giá, kỷ luật đầu tư.