Tập đoàn Hoành Sơn được nghiên cứu làm đường nối qua Lào tới Thái Lan
Tập đoàn Hoành Sơn là một trong ba công ty thuộc liên danh được tỉnh Quảng Trị cho phép nghiên cứu làm đường nối cảng biển Việt Nam qua Lào tới Thái Lan.
Doanh nghiệp kín tiếng
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị cho phép Liên danh 3 nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn - Công ty TNHH Phonesack Việt Nam - Công ty TNHH Nam Tiến nghiên cứu làm đường nối cảng biển Việt Nam qua Lào tới Thái Lan.
Theo đó, liên danh sẽ thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát và bổ sung nội dung xây dựng đoạn tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1A đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào cùng hồ sơ đề xuất đã được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương hồi tháng 7/2023 để hoàn thiện hồ sơ tổng thể đoạn tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tỉnh Quảng Trị theo phương thức PPP.
Thời gian nộp hồ sơ là 3 tháng kể từ ngày UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản chấp thuận. Sau thời gian trên, nếu Liên danh được giao lập hồ sơ đề xuất dự án không có hồ sơ báo cáo thì văn bản này hết hiệu lực.
Quốc lộ 15D là tuyến đường bộ nối từ cảng biển Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng) đến cửa khẩu Quốc tế La Lay (huyện Đakrông) kết nối khu vực duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Thái Lan. Dự án dài khoảng 92km, gồm 5 đoạn.
Trong đó, đoạn 1 từ cảng Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1, chiều dài khoảng 14 km đã được đầu tư có quy mô đường cấp III, 2 làn xe. Đoạn 4 đi trùng đường Hồ Chí Minh, chiều dài khoảng 24 km, quy mô cấp III, 2 làn xe. Đoạn 5 từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu La Lay, chiều dài khoảng 12 km, đã có đường cũ với quy mô đường cấp IV-VI miền núi.
Với 42 km còn lại xây dựng mới, chưa được đầu tư bao gồm: Đoạn 2 từ Quốc lộ 1A đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 8km và đoạn 3 từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 34km.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, hai đoạn này đã được tỉnh Quảng Trị và Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, tính toán với quy mô đảm bảo nhu cầu khai thác, phù hợp quy hoạch, tổng mức đầu tư 42km là 6.800 tỷ đồng.
Trong số ba nhà đầu tư nằm thuộc liên danh nói trên, Tập đoàn Hoành Sơn là cái tên đang được nhiều người quan tâm.
Theo tìm hiểu, Tập đoàn Hoành Sơn có địa chỉ tại tổ dân phố Thuận Minh, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Người đại diện pháp luật là ông Phạm Hoành Sơn.
Theo thông tin giới thiệu trên website của công ty, Tập đoàn Hoành Sơn được thành lập vào năm 2001. Tập đoàn Hoành Sơn là doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề như: Vận tải, quản lý đội tàu biển, cho thuê tàu và các dịch vụ vận tải biển, giao thương và xây dựng đầu tư.
Ban đầu, Tập đoàn Hoành Sơn hoạt động kinh doanh thương mại các vật liệu xây dựng và các sản phẩm nông nghiệp. Sau đó, công ty đã xây dựng được thương hiệu, tham gia các dự án xây dựng và đầu tư quốc gia cũng như tư nhân, như: Hệ thống cấp nước cho Khu Kinh tế Vũng Áng (năm 2011), Cảng biển quốc tế Hoành Sơn (năm 2015) và dự án Điện Mặt trời ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh (năm 2019)...
Chỉ trong 10 năm, dưới sự lãnh đạo của ông Phạm Hoành Sơn, Tập đoàn Hoành Sơn đã trở thành doanh nghiệp đứng đầu khu vực miền Trung. Tài sản của Tập đoàn lên tới 250 triệu USD, doanh thu hàng năm 180 triệu USD và có hơn 2.000 nhân viên.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, dù tiềm lực và quy mô doanh nghiệp lớn nhưng Hoành Sơn lại rất kín tiếng trên truyền thông. Tập đoàn này chỉ được biết đến nhiều hơn trong những năm gần đây, thông qua những thương vụ "thâu tóm" doanh nghiệp đình đám trên thương trường.
Những thương vụ "thâu tóm" doanh nghiệp đình đám
Thương vụ "thâu tóm" đáng chú ý đầu tiên của Tập đoàn Hoành Sơn diễn ra tại Cảng Phước An.
Được biết, Công ty Cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP) được thành lập để thực hiện việc đầu tư khai thác cảng hợp cảng Phước An. Năm 2016, PAP tiến hành tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng bằng cách chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn. Với tỷ lệ sở hữu trên 51% vốn điều lệ, ông Phạm Hoành Sơn trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của PAP.
Đến năm 2017, PAP tăng vốn điều lệ từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. Công ty TNHH MTV Hoành Sơn là cổ đông duy nhất mua số cổ phiếu trị giá 200 tỷ đồng này. Sau 2 lần tăng vốn, Tập đoàn Hoành Sơn đã “thâu tóm” thành công PAP.
Dưới thời ông Phạm Hoành Sơn, Cảng Phước An liên tục phát hành riêng lẻ để pha loãng cổ phiếu. Đến tháng 2/2019, Tập đoàn Hoành Sơn đã chuyển nhượng cảng này cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc. Đến tháng 11/2021, ông Phạm Hoành Sơn đã rời khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Cảng Phước An.
Tháng 10/2023, Tập đoàn Hoành Sơn được dư luận biết đến nhiều hơn khi đề xuất với tỉnh Hà Tình về việc khảo sát, thực hiện dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại TP. Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), thay cho Công ty Cổ phần Vinhomes (HOSE: VHM) và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh & Phát triển thương mại Việt An vừa xin rút trước đó. Dự án này có quy mô gần 150 ha với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD.
Đặc biệt, năm 2023, Tập đoàn Hoành Sơn gây xôn xao dư luận khi "thâu tóm" một doanh nghiệp "khủng" trên sàn chứng khoán. Cụ thể, Tập đoàn Hoành Sơn mua thêm hơn 7,2 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (mã SRC) để tăng sở hữu từ 24,54%, lên 50,22% vốn điều lệ và chính thức trở Công ty mẹ của Cao su Sao Vàng. Đáng chú ý, ông Phạm Hoàng Sơn đã là Chủ tịch của Cao su Sao Vàng từ ngày 28/12/2019 tới nay.
Mối quan quan hệ giữa Tập đoàn Hoành Sơn và Cao su Sao Vàng cũng có nhiều mối liên quan. Cụ thể, năm 2016, Tập đoàn Hoành Sơn và Cao su Sao Vàng hợp tác thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn. Doanh nghiệp này đã thực hiện Dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn tại khu đất 231 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), diện tích 62.438 m2. Bên cạnh đó, Tập đoàn Hoành Sơn cũng hỗ trợ kinh phí 435 tỷ đồng để Cao su Sao Vàng di dời nhà máy. Tuy nhiên, việc di dời nhà máy sau đó đã bị dừng lại và dự án cũng giậm chân tại chỗ.
Với việc ông Phạm Hoàng Sơn tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng thời Tập đoàn Hoành Sơn đã sở hữu quá bán tại Cao su Sao Vàng, nhóm cổ đông Tập đoàn Hoành Sơn có quyền quyết định và điều hành tại doanh nghiệp này.
Đến bây giờ, Tập đoàn Hoành Sơn đã trở thành cái tên nổi đình nổi đám trên thương trường Việt Nam. Đặc biệt là khi có tên trong Liên danh nghiên cứu xây dựng đường nối cảng biển Việt Nam qua Lào tới Thái Lan.
Được biết, Tập đoàn Hoành Sơn cũng đang nghiên cứu đề xuất làm dự án Cảng tạm hàng rời và khu dịch vụ hậu cần cảng tại Hải Lăng và dự án kho bãi và điểm trung chuyển hàng hóa tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị).