Tập đoàn Masan bác bỏ thông tin SK Group thoái vốn
Lộ trình thoái vốn hiện đang được xây dựng để bảo vệ và giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai bên, đại diện Tập đoàn Masan cho biết.
Vừa qua, trang báo Maeil Business Newspaper (Hàn Quốc) đã đưa tin về việc SK Group đang xem xét thoái vốn cổ phần tại các "gã khổng lồ" ở Việt Nam để thu hồi lại 1.000 tỷ won (khoảng 720 triệu USD) tiền đầu tư ban đầu.
Số tiền bán cổ phần có thể được ghi nhận vào cuối năm nay. Đây là một phần trong quá trình tái cấu trúc của SK Group.
Nguồn tin này cũng cho biết SK Group kế hoạch thực hiện quyền chọn bán (quyền bán cổ phiếu) để bán 9% cổ phần sở hữu tại Tập đoàn Masan.
Tuy nhiên, đại diện Tập đoàn Masan khẳng định, thông tin này là không chính xác và tính đến thời điểm hiện tại, SK Group chưa thực hiện quyền chọn bán.
Cả hai bên hiện đang trong giai đoạn cuối cùng về một lộ trình cụ thể, theo điều kiện thuận lợi của thị trường để SK Group giảm cổ phần sở hữu tại Tập đoàn Masan.
SK Group cũng đã xác định được các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có quy mô tầm vóc quốc tế và am hiểu hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Masan để chuyển nhượng cổ phần sở hữu.
Lộ trình này được xây dựng để bảo vệ và giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai bên, đại diện Tập đoàn Masan nói.
Trong cuộc gặp nhà đầu tư hồi tháng 5 vừa qua, ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho biết SK Group sẽ không bán cổ phiếu MSN một cách dồn dập trong quá trình thoái vốn.
Lãnh đạo Tập đoàn Masan cũng nhấn mạnh Tập đoàn Masan sẽ phối hợp với SK Group trong việc tái cân bằng danh mục đầu tư hoặc thoái vốn hoàn toàn để bảo vệ giá cổ phiếu MSN và các cổ đông của Tập đoàn Masan đều được hưởng lợi.
Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức hồi tháng 5/2024, trả lời câu hỏi Tập đoàn Masan đã chuẩn bị như thế nào cho việc SK Group thoái vốn, ông Danny Le - Tổng giám đốc Masan Group cho rằng, SK Group sẽ không bán ra ồ ạt đối với cổ phiếu MSN của Masan Group.
Tập đoàn Masan vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với SK Group như một đối tác vì họ cũng sở hữu riêng cổ phần tại hai công ty con khác là The CrownX và WinCommerce. Theo ông Danny Le, cả hai sẽ hoàn tất thương vụ thoái vốn này trong lộ trình 24 tháng.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng Masan Group sẽ phối hợp với SK trong việc tái cân bằng danh mục đầu tư hoặc thoái vốn hoàn toàn để bảo vệ giá cổ phiếu của tập đoàn và các cổ đông của Masan đều được hưởng lợi.
SK Group trở thành cổ đông lớn của Masan từ năm 2018. Chaebol này đã chi ra khoảng 530 tỷ Won (khoảng gần 11.000 tỷ đồng) để mua 9,5% vốn của Tập đoàn Masan.
Đến giữa tháng 11/2021, SK Group thông qua công ty con là SK South East Asia Investment tiếp tục mua lại 16,3% cổ phần của WinCommerce với giá 460 tỷ Won (khoảng 9.700 tỷ đồng) như một phần của quan hệ đối tác chiến lược với Masan.
Sau đó, SK Group tiếp tục đầu tư mạnh để sở hữu 4,9% cổ phần của The CrownX - nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp nắm giữ lợi ích của Tập đoàn Masan tại MasanConsumerHoldings và WinCommerce.
Từ năm ngoái, giới đầu tư đã bắt đầu đồn đoán SK Group có thể rút khỏi Việt Nam, bắt đầu từ việc thoái cổ phần tại Masan, phần nào ảnh hưởng tiêu cực tới giá cổ phiếu MSN giảm mạnh giai đoạn cuối năm 2023. Sau đó, chính SK Group bác tin đồn và thông tin rằng đang thảo luận về hợp tác kinh doanh lâu dài với chính phủ Việt Nam cùng các công ty lớn trong nước.
Kể từ năm 2018, SK Group đã thiết lập quan hệ đối tác với các công ty hàng đầu Việt Nam như Vingroup và Masan, đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD vào nhiều lĩnh vực như phân phối, hàng tiêu dùng, phát triển bất động sản và chăm sóc sức khỏe với các doanh nghiệp như Pharmacity, Imexpharm, PV Oil...