Tập huấn SGK mới ngay trong năm học, nhà trường loay hoay bố trí giáo viên
Tổ chức học thay sách vào lúc năm học chưa kết thúc khiến thầy cô giáo phải bỏ lớp đi học, nhà trường không đủ giáo viên để bố trí đứng lớp sẽ gây nhiều hệ lụy.
Năm học 2021-2022, khác với nhiều tỉnh thành đã kết thúc năm học thì học sinh tiểu học ở một số địa phương của tỉnh Bình Thuận mới bước vào tuần học thứ 31. Nghĩa là, phải còn 4 tuần nữa mới hết chương trình.
Thời điểm này, nhiều thầy cô giáo gọi là giai đoạn nước rút nên ai cũng gắng công tập trung kèm cặp, hỗ trợ học sinh nắm kiến thức chuẩn bị cho đợt kiểm tra cuối học kỳ.
Nhà trường, giáo viên bối rối khi có lịch đi tập huấn thay sách
Thực hiện công văn số 1295/SGDĐT-MN&TH ngày 06/6/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận về việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 3 năm học 2022-2023; có phòng Giáo dục và Đào tạo đã ra công văn đề nghị các đơn vị trường học trong địa bàn phối hợp, chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung có liên quan đến công tác bồi dưỡng thay sách giáo khoa lớp 3 cho năm học mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức.
Thời gian học tập được thông báo, từ ngày 14/6/2022 (tập huấn cho giáo viên Anh văn); Từ ngày 20/6 đến ngày 30/6/2022 tập huấn cho giáo viên dạy khối lớp 3 năm học 2022-2023. Nghĩa là giáo viên khối lớp 3 phải tập trung học thay sách đúng 1 tuần.
Nghe thông báo, lịch tập huấn thay sách giáo khoa 1 tuần. Giáo viên ai cũng bất ngờ vì ở địa phương thời điểm này năm học vẫn chưa kết thúc.
Nhiều trường đau đầu vì không biết phải sắp xếp ai dạy thay cho các thầy cô giáo đi tập huấn trong khi nhiều trường học nơi đây đều đang giáo viên đứng lớp.
Để giáo viên đi học thay sách thì lớp học bỏ trống, không cho giáo viên đi thì không được vì theo quy định, ai không đi tập huấn sẽ không bố trí giảng dạy khối lớp thay sách.
Phần lớn các thầy cô cũng không muốn có ai vào dạy thay mình trong giai đoạn này. Bởi vì, dạy bình thường thì không vấn đề gì nhưng dạy ôn tập cho các em chuẩn bị kỳ kiểm tra cuối năm, phải nắm rõ lực học của từng em như yếu môn gì, yếu phần nào hay em nào cần kiến thức nâng cao… mới thật sự hiệu quả.
Giáo viên đi học sách giáo khoa mới trong giai đoạn cuối năm học sẽ khó khăn cho việc học tập của học sinh
Tổ chức học thay sách vào lúc năm học chưa kết thúc, khiến nhiều trường học phải đau đầu khi sắp xếp lại chuyên môn.
Giải pháp tình thế được áp dụng là phân công giáo viên nào trống tiết vào dạy thay. Trường hợp không có giáo viên đúng chuyên môn sẽ phân công giáo viên dạy các môn chuyên vào giữ lớp.
Tuy nhiên, giáo viên được bố trí dạy thay không thể kết hợp ôn tập cho các em như giáo viên chủ nhiệm giảng dạy. Bởi, thời gian 35 phút cũng chỉ cố gắng hoàn thành tiết dạy trong chương trình. Việc ôn tập, phụ đạo cho học sinh khó có thể thực hiện.
Điều này gây thiệt thòi lớn cho học sinh. Bởi, trong khi giai đoạn này gần kiểm tra định kỳ lần 4, học sinh cần hơn hết là được thầy cô chủ nhiệm củng cố kiến thức, được thầy cô ôn tập, được kèm cặp, giúp đỡ để hoàn thành chương trình năm học.
Vậy mà, suốt cả tuần hết giáo viên này vào lớp dạy 1 tiết lại đến giáo viên kia, chắc chắn việc học của các em sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Không riêng tại thị xã La Gi đang học tuần 31, học sinh tại huyện Hàm Tân, Phan Thiết cũng mới bước sang tuần học thứ 32, 33. Thời điểm mà các nhà giáo chúng tôi luôn gọi là "thời điểm nước rút" vì nó rất quan trọng với cả thầy và trò.
Không thể tổ chức học thay sách trong năm học và trong thời gian nghỉ hè
Không nên tổ chức học thay sách trong năm học, cũng không thể tổ chức học thay sách vào tháng nghỉ hè của giáo viên. Một năm, nhà giáo có tiêu chuẩn nghỉ hè 8 tuần. Đây là chế độ, là quy định được Chính phủ ban hành trong Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.
Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Tuy thế, từ khi áp dụng chương trình mới, các địa phương thường tổ chức học tập thay sách vào 2 thời điểm hoặc là trong năm học, hoặc là trong thời gian giáo viên nghỉ hè.
Với giáo viên miền xuôi, nhà gần cơ sở giáo dục nếu phải đi học thay sách vào dịp hè cũng đỡ bất lợi hơn những thầy cô giáo nhà ở miền xuôi nhưng dạy trên miền núi. Không ít thầy cô cho biết một năm mình chỉ về nhà có 2 lần đó là vào dịp Tết và dịp hè.
Trông mãi đến hè để nghỉ dạy về thăm con cái, cha mẹ nhưng kẹt lịch tập huấn thay sách phải ở lại trường hàng tuần, trong khi hè là thời gian nghỉ ngơi, là chế độ hợp pháp của nhà giáo.
Bởi thế, tổ chức học thay sách trong năm học hay học thay sách vào thời gian nghỉ hè của nhà giáo đều vi phạm về Luật Lao động.
Vậy, tổ chức học thay sách vào thời gian nào là phù hợp nhất?
Thường thì năm học kết thúc vào cuối tháng 5, giáo viên sẽ có 8 tuần nghỉ hè vào tháng 6 và tháng 7. Tuần cuối cùng của tháng 7 và tháng 8 là thời gian nhà giáo có thể tham gia các lớp học chính trị hè, học bồi dưỡng, lên trường ôn tập cho học sinh kiểm tra lại, tham gia các buổi hội họp để chuẩn bị cho năm học mới.
Bởi thế, theo người viết đây chính là thời điểm tổ chức cho tập huấn chương trình và sách giáo khoa phù hợp nhất.