Tập huấn, trang bị kiến thức cho sinh viên truyền thông về vấn đề an sinh xã hội

Trong khuôn khổ Chương trình truyền thông 'Những cống hiến thầm lặng' năm 2024, ngày 14/4 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra chương trình tập huấn, định hướng sinh viên nhận định các đề tài về an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề bảo hiểm xã hội cho lao động nữ.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình ký kết hợp tác giữa Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV).

Mở rộng đối tượng tham dự Cuộc thi viết "Những cống hiến thầm lặng"

Theo Ban tổ chức, việc mở lớp tập huấn nghiệp vụ là sân chơi giúp sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền rèn luyện sự tự tin, tăng kỹ năng lựa chọn đề tài và triển khai các vấn đề bằng hình thức dựng tác phẩm Podcast, một thể loại báo chí hiện đại đang được quan tâm hiện nay.

Ngoài ra, hoạt động còn hướng tới mục đích lựa chọn ra những tác phẩm Podcast xuất sắc do sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện với chủ đề hướng đến Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 để gửi dự thi.

Quang cảnh buổi tập huấn.

Quang cảnh buổi tập huấn.

Với quy mô toàn quốc, giải thưởng dành cho nhóm tác giả chuyên và không chuyên, cuộc thi nhằm lan tỏa thông điệp của Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 là bảo vệ người yếu thế, nữ công nhân lao động, vì một xã hội tốt đẹp hơn.

Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết: Báo Kinh tế & Đô thị là cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội có hệ sinh thái truyền thông với 9 ấn phẩm (2 ấn phẩm in, 7 ấn phẩm điện tử) và 6 chuyên trang. Với hệ sinh thái như vậy Báo có nhiều hợp tác với các đối tác khác nhau để thực hiện các chương trình truyền thông, trong đó có sự hợp tác với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng".

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông phát biểu tại buổi tập huấn.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông phát biểu tại buổi tập huấn.

Đây là năm thứ 4 Báo Kinh tế và Đô thị cùng đối tác tổ chức cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng", đến mùa thứ 4 thì cuộc thi được nâng lên thành Chương trình truyền thông. Mục đích của chương trình nằm truyền thông cho người dân hiểu, chia sẻ với những khó khăn nói chung về vấn đề an sinh xã hội, trong đó đặc biệt chú ý nhấn mạnh đến vấn đề an sinh xã hội với lao động nữ, đặc biệt lao động ở khu vực phi chính thức…

PGS.TS giảng viên cao cấp Phạm Thị Thanh Tịnh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền định hướng cho sinh viên.

PGS.TS giảng viên cao cấp Phạm Thị Thanh Tịnh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền định hướng cho sinh viên.

Trong 3 mùa giải Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức đã có nhiều tác phẩm được lựa chọn từ nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên để trao giải. Chương trình đã có ảnh hưởng, tác động, trở thành thương hiệu của Báo Kinh tế và Đô thị.

Mùa giải năm nay, Ban tổ chức có hướng mới, mở rộng đối tượng tham dự Cuộc thi viết "Những cống hiến thầm lặng" bằng cách trực tiếp lựa chọn sinh viên học chuyên ngành báo chí của Học viện Báo chí và tuyên truyền. Vì vậy, Ban tổ chức đã mời chuyên gia có nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề an sinh xã hội cung cấp một số kiến thức nền tảng; đồng thời mời các nhà báo đang công tác tại một số cơ quan báo chí để cung cấp cho sinh viên có thêm kiến thức về an sinh xã hội nói chung. Đặc biệt thông qua đó giúp các bạn có góc nhìn, cách thức tiếp cận vấn đề cũng như tổ chức thực hiện tác phẩm báo chí một cách hiệu quả.

Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị bày tỏ mong muốn sau lớp tập huấn này các bạn sinh viên báo chí có những sản phẩm tốt, tác phẩm hay để đăng tải trên các cơ quan báo chí, cụ thể là trên 9 ấn phẩm của Báo Kinh tế & Đô thị. Đây cũng là những tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những cống hiến thầm lặng".

"Mong rằng thông qua tập huấn Ban tổ chức sẽ nhận được nhiều tác phẩm của các bạn sinh viên Học viện báo chí và Tuyên truyền về chủ đề an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm tới lao động nữ thông qua nhiều hình thức khác nhau: tác phẩm đăng báo, facebook, các diễn đàn..." - ông Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.

Trang bị kiến thức, cách khai thác đề tài an sinh xã hội

Tại buổi tập huấn,Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội Dương Thị Minh Châu đã trình bày chủ đề chính sách pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp.

Giới thiệu đến sinh viên nội dung Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, bà Dương Thị Minh Châu nhấn mạnh: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 28-NQ/TW là cải cách chính sách BHXH phấn đấu thực sự là một trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội; mở rộng diện bao phủ, tiến tới BHXH toàn dân; phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập và trên cơ sở đảm bảo 3 nguyên tắc: đóng - hưởng công bằng, bình đẳng và chia sẻ; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phát triển hệ thống thực hiện chính sách đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, minh bạch.

Trưởng phòng Truyền thông BHXH Hà Nội Dương Thị Minh Châu cung cấp cho sinh viên kiến thức về các lĩnh vực bảo hiểm.

Trưởng phòng Truyền thông BHXH Hà Nội Dương Thị Minh Châu cung cấp cho sinh viên kiến thức về các lĩnh vực bảo hiểm.

Bà Dương Thị Minh Châu cũng phân tích, thực tế lực lượng sinh viên hiện nay tham gia vào thị trường lao động tự do rất nhiều nhưng phần lớn không được đóng BHXH. Vì vậy, bản thân sinh viên cần nâng cao nhận thức về quyền lợi của mình khi tham gia thị trường lao động. Đặc biệt với sinh viên báo chí, ngoài việc bảo vệ quyền lợi của bản thân cũng cần nắm được các phương thức tuyên truyền để thay đổi nhận thức của cộng đồng về quyền và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm giảm thiểu và khắc phục rủi ro, bảo đảm trụ cột an sinh xã hội.

Để sinh viên có thêm kỹ năng viết bài, nhà báo Minh Nguyệt, Ban Văn hóa - Xã hội, Báo Nông thôn ngày nay đã tập huấn về kỹ năng lựa chọn đề tài an sinh xã hội.

Gợi mở cho sinh viên cách lựa chọn đề tài báo chí viết về vấn đề an sinh xã hội, nhà báo Minh Nguyệt cho biết, khi viết về nhóm đề tài này thường phân theo 2 nhóm: nhóm đề tài chính sách và nhóm đề tài từ hơi thở cuộc sống. Trong đó, nhóm đề tài chính sách thì có luật, phản biện chính sách, sửa đổi luật...; nhóm đề tài từ cuộc sống thông qua câu chuyện, con người, sự vật hiện tượng...

Tại buổi tập huấn, các sinh viên đã được trao đổi hiểu về khái niệm an sinh xã hội; các đề tài an sinh xã hội; sự khác biệt của đề tài an sinh xã hội với các đề tài khác; những lưu ý khi viết về đề tài an sinh xã hội; cách nhận diện đề tài an sinh xã hội tốt, được dư luận quan tâm... Đặc biệt, các sinh viên đã được trang bị kiến thức, cách khai thác, xây dựng đề tài Cơ hội tham gia BHXH tự nguyện cho lao động nữ. Đây là chủ đề được đề cập tại cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng".

Tại buổi tập huấn, các sinh viên được giảng viên gợi mở chủ đề “Bảo hiểm xã hội với lao động phi chính thức” để 10 nhóm sinh viên thảo luận, thể hiện bằng việc vẽ biểu đồ và trình bày về quan điểm, cách lựa chọn đề tài chủ đề an sinh xã hội.

Nhà báo Minh Nguyệt tập huấn cho sinh viên về kỹ năng lựa chọn đề tài an sinh xã hội.

Nhà báo Minh Nguyệt tập huấn cho sinh viên về kỹ năng lựa chọn đề tài an sinh xã hội.

Thông qua buổi tập huấn, các bạn sinh viên báo chí đã có thêm kiến thức về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội. Đồng thời, các em cũng được trang bị thêm kỹ năng, thực hành xây dựng đề tài tác nghiệp về chủ đề này.

Dưới đây là một số hình ảnh sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại buổi tập huấn.

Sinh viên sôi nổi trao đổi, thảo luận cùng các chuyên gia và giảng viên của buổi tập huấn.

Sinh viên sôi nổi trao đổi, thảo luận cùng các chuyên gia và giảng viên của buổi tập huấn.

Tham gia tập huấn chủ yếu là các sinh viên năm thứ nhất và thứ 2 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tham gia tập huấn chủ yếu là các sinh viên năm thứ nhất và thứ 2 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

60 sinh viên đã chia làm 10 nhóm để thảo luận về cách lựa chọn đề tài an sinh xã hội.

60 sinh viên đã chia làm 10 nhóm để thảo luận về cách lựa chọn đề tài an sinh xã hội.

Các nhóm sinh viên đôi khi tranh luận khá gay gắt về các triển khai đề tài an sinh thành tác phẩm báo chí.

Các nhóm sinh viên đôi khi tranh luận khá gay gắt về các triển khai đề tài an sinh thành tác phẩm báo chí.

Sinh viên sử dụng các thiết bị thông minh để bàn tính phương pháp áp dụng cho sản phẩm tập huấn.

Sinh viên sử dụng các thiết bị thông minh để bàn tính phương pháp áp dụng cho sản phẩm tập huấn.

Các bạn sinh viên hào hứng tham gia buổi tập huấn và thực hành cách thức khai thác đề tài chủ đề an sinh xã hội.

Các bạn sinh viên hào hứng tham gia buổi tập huấn và thực hành cách thức khai thác đề tài chủ đề an sinh xã hội.

Vân Hà - Duy Khánh - Hoàng Yến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tap-huan-trang-bi-kien-thuc-cho-sinh-vien-truyen-thong-ve-van-de-an-sinh-xa-hoi.html