Tập huấn xây dựng, vận hành mô hình làng thông minh

Ngày 8 và 15/12, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức 2 lớp tập huấn xây dựng, vận hành mô hình làng thông minh để các địa phương, đơn vị đầu tư và vận hành làng thông minh một cách phù hợp, hiệu quả, góp phần xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ứng dụng hệ thống tưới thông minh trong làng thông minh, được thiết lập tưới tự động, giúp nông dân tiết kiệm thời gian, năng lượng, lượng nước

Ứng dụng hệ thống tưới thông minh trong làng thông minh, được thiết lập tưới tự động, giúp nông dân tiết kiệm thời gian, năng lượng, lượng nước

Đại diện lãnh đạo nhiều sở, ngành tỉnh; UBND huyện, thành phố, UBND xã được chuyên gia, cán bộ chuyên môn chia sẻ thông tin về bộ tiêu chí làng thông minh tỉnh Đồng Tháp, mô hình làng thông minh, giải pháp xây dựng làng thông minh, vận hành làng thông minh; tham quan, tìm hiểu kết quả thực hiện đề Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân tại Đồng Tháp” (đề tài cấp Quốc gia) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ quản, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì, triển khai tại Thuận Tân Hội quán và Tâm Quê Hội quán của xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với các mô hình ứng dụng như: cổng thông tin, hệ thống camera giám sát an ninh xã hội, hệ thống chiếu sáng thông minh, hệ thống đo lường điện thông minh, hệ thống đo lường nước thông minh, môi trường thông minh, tưới tiêu thông minh, sổ tay canh tác điện tử, kho dữ liệu lớn…

Theo Khung cấu trúc mô hình và Bộ tiêu chí làng thông minh áp dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025, làng thông minh - Đồng Tháp là mô hình kết nối cộng đồng ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phát triển nông thôn bền vững, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống người dân dựa trên thế mạnh và cơ hội của địa phương.

Khung cấu trúc mô hình làng thông minh gồm: quy mô làng thông minh dựa trên ít nhất một ấp; làng thông minh là mô hình kết nối cộng đồng mang tính tự nguyện; làng thông minh được xác định tại một khu vực địa lý, địa bàn cụ thể; làng thông minh cần gắn liền với ít nhất một hội quán nông dân hoặc một hợp tác xã hay tổ hợp tác sản xuất; làng thông minh phải có sản phẩm đặc thù của địa phương (sản phẩm này đạt chuẩn từ 4 sao trở lên thuộc Chương trình OCOP); làng thông minh có quy định, quy chế về quản trị và vận hành phù hợp với việc đầu tư, khai thác và phát triển các hạng mục công trình liên quan.

TN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/tap-huan-xay-dung-van-hanh-mo-hinh-lang-thong-minh-118697.aspx