Đo lường mức độ 'xanh' của Huế

Ngày 9/5/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ 37 cả nước, với tổng điểm của 4 chỉ số thành phần là 21,27 điểm.

 Huế là một trong những địa phương có sự đa dạng về cây xanh đô thị bậc nhất Việt Nam. Ảnh: Bảo Phước

Huế là một trong những địa phương có sự đa dạng về cây xanh đô thị bậc nhất Việt Nam. Ảnh: Bảo Phước

PGI là bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường. Chỉ số này được đánh giá theo các tiêu chí như mức độ quan tâm, đầu tư về bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương và những vấn đề môi trường khác; mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của các doanh nghiệp (DN) tại địa phương... Chỉ số PGI cũng đã cho thấy rằng, địa phương cải thiện được chỉ số PGI thì môi trường cũng được cải thiện tốt hơn, mức độ an toàn và sức khỏe người dân được nâng lên.

PGI được triển khai hai năm là 2022 và 2023. Mặc dù tỉnh Thừa Thiên Huế có sự cải thiện về môi trường dưới góc nhìn của doanh nghiệp, nhưng vị trí thứ 37 đã cho thấy rằng tỉnh còn rất nhiều việc phải làm để xứng với mục tiêu thành phố xanh, sạch của cả nước.

Theo quan điểm cá nhân, mỗi con người Huế chúng ta đang cảm thấy may mắn được sống tại Huế, một thành phố thực sự xanh sạch của Việt Nam. Ở đây, người dân được thụ hưởng không gian xanh của hàng trăm ngàn cây xanh được trồng khắp công viên, ven đường, trong cơ quan, trường học…; được thoải mái tận hưởng tài nguyên nước sạch được lấy từ dòng sông Hương trong xanh quanh năm. Nhưng đối với doanh nghiệp, thiên nhiên ở Huế không phải lúc nào cũng hiền hòa như vậy. Doanh nghiệp và cả người Huế vẫn canh cánh nỗi lo hằng năm về những cơn bão, lũ bất chợt gây thiệt hại lớn cho của cải và sinh mạng con người. Mỗi đợt lũ lớn, vì không kịp trở tay trước cơn lũ ùa về, doanh nghiệp phải chịu cảnh hư hỏng máy móc, sản xuất đình trệ; người dân mất mùa màng, đồ đạc hư hỏng. Trong cuộc sống hiện nay, chúng ta đều cảm nhận thấy mức độ khói bụi trong không khí cũng ngày một nghiêm trọng hơn. Tôi nhớ cách đây vài năm, chúng tôi vẫn còn đạp xe đạp đi học không cần mang khẩu trang, áo chống nắng vì lúc đó môi trường của Huế vẫn còn trong sạch với sức khỏe con người. Vậy mà giờ đây, chúng ta cứ ra đường là phải trang bị đầy đủ trang phục để chống lại cái nắng cháy da, khói bụi, là hệ quả tất yếu của xu hướng đô thị hóa, công trình xây dựng dày đặc, xe ô tô chạy kín các con đường. Đều đó đặt ra thách thức cho Huế trên con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương – sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn đang là vấn đề đáng băn khoăn.

Chỉ số PGI 2023 đã gợi mở rất nhiều vấn đề hữu ích để Huế cải thiện môi trường xanh, tạo quyết tâm và động lực cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay kiến tạo nên một địa phương có môi trường sống an toàn, giàu sức khỏe. Thách thức lớn nhất Việt Nam nói chung và Huế nói riêng phải đối mặt gồm hai yếu tố: Thứ nhất là nguồn lực và năng lực kiến thức có hạn; thứ hai là nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường. Có thể nhận thấy, Huế vẫn là một địa phương trung bình của cả nước, khó có nguồn lực tài chính mạnh để thực hiện các dự án môi trường lớn, mang tính tổng thể; cộng đồng doanh nghiệp địa phương vẫn còn nhỏ chưa có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ tiên phong phát triển xanh. Huế còn là địa phương phải gánh chịu nhiều thiên tai, ảnh hưởng đến môi trường theo cách bất khả kháng.

Trong đánh giá PGI, ý kiến của doanh nghiệp cũng đã gợi mở cho Huế 4 vấn đề. Thứ nhất, biến đổi khí hậu đang gây ra thiên tai và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ hai, cần nâng cao tỷ lệ phân loại chất thải rắn sản xuất, chất thải sinh hoạt trong cộng đồng. Thứ ba, thúc đẩy mua sắm xanh từ cơ quan nhà nước và dần lan tỏa sang doanh nghiệp, người dân. Thứ tư, tăng cường tập huấn, hướng dẫn, truyền thông về kiến thức bảo vệ môi trường trong sản xuất, tiêu dùng cho doanh nghiệp và người dân.

Chỉ số PGI được nhiều địa phương nghiên cứu, đưa vào chương trình, kế hoạch hành động trong định hướng phát triển kinh tế xanh của địa phương và góp phần vào chiến lược lớn của Việt Nam. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang rất quyết tâm xây dựng mối liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân để được nguồn lực đủ sức vượt qua trở ngại về tài chính, kiến thức và kinh nghiệm để đạt được mục tiêu là thành phố xanh của Việt Nam.

NGUYỄN ĐOÀN QUỐC ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/do-luong-muc-do-xanh-cua-hue-142852.html