Tập trung các giải pháp về chuyển đổi số

Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung đã và đang nỗ lực triển khai các chương trình, giải pháp thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số (CĐS), xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến…

Đoàn công tác của Đồng Nai tham quan, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm vi mạch bán dẫn ESC (Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Hải Quân)

Đoàn công tác của Đồng Nai tham quan, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm vi mạch bán dẫn ESC (Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Hải Quân)

Hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển; các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; các sản phẩm, ứng dụng số được phát triển, mở rộng để phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Chú trọng hình thành các cơ sở dữ liệu ngành

Theo Bộ Thông tin và truyền thông - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS, tính đến cuối tháng 4-2024, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh.

Tại Đồng Nai, theo Sở Thông tin và truyền thông, tỉnh đã triển khai, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu ngành quan trọng như: dữ liệu ngành giáo dục, công thương, xây dựng, nội vụ, y tế… trong đó đặc biệt đã vận hành, khai thác, sử dụng có hiệu quả dữ liệu đất đai tại địa phương, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” - việc có ý nghĩa rất lớn đối với công tác quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ LẠI THẾ THÔNG chia sẻ, khi triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, CĐS, đổi mới sáng tạo, việc xác định các mục tiêu trọng tâm về thúc đẩy CĐS sẽ góp phần xây dựng kế hoạch triển khai các dự án, đề tài về khoa học và công nghệ, CĐS một cách phù hợp, hiệu quả, thiết thực.

Vào giữa tháng 5 vừa qua, đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai do lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, cùng lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, Công an tỉnh đã có chuyến công tác, làm việc tại Hà Nội và Hà Nam để học tập kinh nghiệm quản lý dữ liệu đất đai theo Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030). Đoàn đã kiến nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công an hướng dẫn phương án làm sạch, xác nhận thông tin; phương án xử lý các lỗi trong quá trình làm sạch, các yêu cầu về hạ tầng, phương án kết nối; quy trình triển khai đảm bảo tính khả thi, hiệu quả...

Chủ tịch Hội Tin học Đồng Nai Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ, Đồng Nai cần lưu ý vấn đề nâng cấp trung tâm dữ liệu của tỉnh, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu. Bởi đây là vấn đề mang tính nền tảng, góp phần quan trọng vào tiến trình CĐS của địa phương.

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch CĐS tỉnh Đồng Nai năm 2024. Kế hoạch này đề ra các mục tiêu cụ thể về phát triển dữ liệu số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và an toàn thông tin. Trong đó, phấn đấu trong năm 2024, hình thành kho dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở của tỉnh. Ngoài ra, kế hoạch còn tiếp tục triển khai ứng dụng có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

“3 tăng cường, 5 đẩy mạnh” trong CĐS

Tại Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về CĐS vào cuối tháng 4-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS nhấn mạnh, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ CĐS quốc gia, chú trọng “3 tăng cường” và “5 đẩy mạnh”.

Trong đó, “3 tăng cường” gồm: thứ nhất, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CĐS tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu. Thứ hai, tăng cường tiềm lực cho CĐS, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực. Thứ ba, tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội.

“5 đẩy mạnh” gồm: thứ nhất, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số. Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số. Thứ ba, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong CĐS. Thứ tư, đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thứ năm, đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa.

Tại Đồng Nai, kế hoạch CĐS của tỉnh trong năm 2024 đề ra 5 giải pháp chính được đề ra để nâng cao hiệu quả CĐS trên địa bàn gồm: đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp về hoạt động CĐS; các giải pháp về nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; thu hút nguồn lực công nghệ thông tin; tăng cường hợp tác quốc tế…

Tại cuộc họp các thành viên Hội đồng Tư vấn CĐS tỉnh vào đầu tháng 5-2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn CĐS tỉnh Nguyễn Sơn Hùng yêu cầu, Sở Thông tin và truyền thông, các địa phương cần rà soát những nội dung, yêu cầu trong Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để đánh giá những điều làm được và chưa làm được, đang làm tới đâu, còn “nghẽn” chỗ nào để đề xuất, vào cuộc ngay để giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện CĐS. Trong thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần xây dựng phương án, kế hoạch phát triển các đề tài khoa học về CĐS phù hợp, hiệu quả…

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/tap-trung-cac-giai-phap-ve-chuyen-doi-so-e9f3aaa/