Tập trung chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị cho vải thiều

Năm 2025, sản lượng vải thiều Việt Nam dự kiến đạt kỷ lục 303.000, tăng 30% so với năm trước. Điều này đặt ra cho ngành nông nghiệp Việt Nam bài toán cấp bách về đảm bảo chất lượng, mở rộng xuất khẩu và xây dựng thương hiệu bền vững.

Sản lượng vải thiều Bắc Giang dẫn đầu cả nước

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), sản lượng vải thiều năm 2025 được dự báo đạt khoảng 303.000 tấn, tăng 30% so với năm 2024. Bắc Giang tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 165.000 tấn, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng cả nước. Tiếp theo là Hải Dương (60.000 tấn), Hưng Yên (22.000 tấn), Lạng Sơn (22.000 tấn) và Đắk Lắk (21.000 tấn).

Vải thiều hiện được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc như Bắc Giang (29.700 ha), Hải Dương (8.800 ha), Hưng Yên (hơn 1.300 ha), Lạng Sơn (1.400 ha), Quảng Ninh (hơn 1.300 ha), Sơn La (315 ha). Tại Tây Nguyên, đặc biệt là Đắk Lắk, cũng có tiềm năng phát triển với sản lượng lên tới 21.000 tấn.

Vải thiều có thời gian thu hoạch ngắn, tập trung vào hai giai đoạn: vải chín sớm (từ ngày 20/5 đến 15/6) và vải chính vụ (từ ngày 10/6 đến 20/7). Lượng quả lớn dồn dập trong khoảng thời gian ngắn tạo ra áp lực không nhỏ lên khâu bảo quản và tiêu thụ, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ và kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy kiểm tra vùng trồng vải thiều ở Bắc Giang.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy kiểm tra vùng trồng vải thiều ở Bắc Giang.

Để nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho quả vải xuất khẩu, Việt Nam đã cấp 469 mã số vùng trồng với diện tích hơn 19.300 ha và 55 mã số cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn cho các thị trường lớn như Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Nhật Bản và Mỹ.

Ngay từ đầu tháng 4/2025, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật các nước để hoàn tất hồ sơ và kiểm tra các cơ sở xử lý vải tươi (gồm 3 cơ sở chiếu xạ và 3 cơ sở xông hơi khử trùng). Đặc biệt, Nhật Bản đã ủy quyền cho Việt Nam tự giám sát quá trình xử lý vải thiều xuất khẩu, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đồng đều giữa các vùng trồng. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang, việc tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng trọt, xử lý dịch bệnh là yếu tố then chốt: Đối với các vùng trồng vải GlobalGAP, tỉnh yêu cầu nông dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tăng cường kiểm tra định kỳ để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Chiều qua (ngày 11/5), tại huyện Tân Yên, Bắc Giang - vùng trồng vải lớn nhất tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã trực tiếp kiểm tra tình hình sản xuất và đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của địa phương.

Hiện Bắc Giang đã xây dựng được vùng nguyên liệu vải thiều rất quý tại xã Phúc Hòa, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất như Mỹ, EU, Nhật Bản... tuy nhiên, diện tích vẫn còn hạn chế.

"Để đạt hiệu quả cao nhất, Bắc Giang cần mở rộng diện tích sản xuất vải đạt chuẩn GlobalGAP, hướng tới 70 - 80%, thậm chí 100% diện tích đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để đầu tư hệ thống kho lạnh, xây dựng các điểm sơ chế lưu động và hỗ trợ thông quan nhanh tại cửa khẩu, đặc biệt với Trung Quốc bởi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của vải thiều Việt Nam.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu

Năm nay, Việt Nam dự kiến tiêu thụ nội địa khoảng 60% sản lượng vải thiều (tương đương 181.800 tấn), tập trung vào các chợ đầu mối tại Hà Nội, TP.HCM và các hệ thống bán lẻ lớn. Trong khi đó, 40% còn lại (khoảng 121.200 tấn) sẽ được xuất khẩu.

Mặc dù quả vải tươi của Việt Nam đã có mặt tại hơn 20 quốc gia, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế với 90% sản lượng xuất khẩu. Đây là thị trường truyền thống và dễ tiếp cận nhờ vị trí địa lý gần, nhưng cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các quy định thay đổi đột ngột từ phía Trung Quốc.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh vai trò của việc đa dạng hóa thị trường, trong đó chú trọng mở rộng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Mỹ. Theo ông, chỉ khi giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, ngành vải thiều Việt Nam mới có thể phát triển bền vững.

Vải thiều chín sớm tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Vải thiều chín sớm tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Một trong những giải pháp để giảm áp lực tiêu thụ và nâng cao giá trị quả vải là phát triển công nghiệp chế biến sâu. Các sản phẩm từ vải thiều như mứt, nước ép, rượu vải, vải sấy dẻo đã bước đầu khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Bà Tạ Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bằng Thủy, huyện Lục Ngạn cho biết: “Vải thiều sấy dẻo hiện đã có mặt tại Nhật Bản và Hàn Quốc, được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô sản xuất, chúng tôi cần sự hỗ trợ về vốn và công nghệ từ các doanh nghiệp”.

Trước áp lực tiêu thụ và yêu cầu khắt khe từ các thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Bộ sẽ chủ động phối hợp với các tỉnh thành để mở rộng "cửa" sang các thị trường tiềm năng, đồng thời kết nối doanh nghiệp với hệ thống kho lạnh hiện đại để bảo quản vải trong giai đoạn thu hoạch cao điểm, đầu tư các điểm sơ chế lưu động ngay tại vùng trồng và tăng cường hỗ trợ thủ tục thông quan nhanh chóng tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu giao thương với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến sâu quả vải, giúp giảm áp lực tiêu thụ vào mùa vụ, qua đó gia tăng giá trị sản phẩm, mở ra hướng phát triển bền vững cho vải thiều Việt Nam.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tap-trung-che-bien-sau-nang-cao-chuoi-gia-tri-cho-vai-thieu-d282911.html