Tập trung chính sách, ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ sở
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng đã trở thành 'mắt xích then chốt', là lực lượng chính trong kiểm soát tình hình, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Song, cũng chính thời gian này, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng lại bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cả về mô hình tổ chức bộ máy, quản lý và chất lượng hoạt động. Để hoàn thành được mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, nhiều đại biểu đề xuất, cần tập trung chính sách và ngân sách của Nhà nước cho lực lượng giữ vai trò 'gác cổng' trong hệ thống y tế của nước ta.
ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình):
Bảo đảm vai trò “gác cổng” của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế
Đầu tư cho y tế cơ sở gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng là chiến lược trước mắt cũng như lâu dài. Đây là một trong những chiến lược chăm sóc sức khỏe đỡ tốn kém, hiệu quả lâu dài và bền vững nhất. Để hoàn thành được mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đề nghị cần nghiên cứu đánh giá cụ thể hơn về các cơ chế, chính sách và sự đáp ứng về nguồn lực tác động lên hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng ở các mô hình đã thay đổi trong thời gian qua. Đặc biệt, cần tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư Khóa IX về việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
Đề nghị hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, quản lý, nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm vai trò “người gác cổng” của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế. Thực hiện chủ trương trạm y tế xã phân bố theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính và cần đổi mới phương thức hoạt động của y tế cấp xã theo hướng thực hiện chăm sóc sức khỏe phòng bệnh, nâng cao sức khỏe sàng lọc, phát hiện bệnh, quản lý ca bệnh và chú trọng quản lý các bệnh không lây nhiễm.
Đề nghị cần tập trung chính sách, ngân sách của Nhà nước cho y tế dự phòng và y tế cơ sở. Tăng định mức phân bổ kinh phí và tăng tỷ trọng chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu từ nguồn ngân sách nhà nước cho y tế tuyến huyện, xã và đầu tư cho y tế dự phòng. Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở theo hướng dựa trên kết quả đầu ra. Đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế cho y tế cơ sở theo hướng phối hợp các phương thức chi trả để khuyến khích cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, có cơ chế, giá dịch vụ y tế và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở y tế cơ sở. Mở rộng hình thức, lượng nhà nước đặt hàng và kết hợp công tư trong cung cấp dịch vụ y tế công lập.
Đề nghị có chính sách mạnh mẽ, đồng bộ, đãi ngộ với cán bộ y tế, khuyến khích nhân lực có trình độ chuyên môn làm việc, gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, các chức danh bác sĩ, y bác sĩ học dự phòng dược sĩ sau khi tuyển dụng cần được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Có trạm y tế mà người dân không đến thì có cũng như không
Thời gian qua, y tế cơ sở trong cả nước luôn giữ vai trò, vị trí là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe trong mọi trường hợp có thể với những chi phí hợp lý, nhất là khám bảo hiểm y tế, tạo niềm tin của người dân đối với các thầy thuốc. Vai trò, vị trí của y tế cơ sở trong quản lý, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được nâng lên, với đội ngũ thầy thuốc có trách nhiệm, "lương y như từ mẫu" và càng được khẳng định trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể là việc thành lập các trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến, giúp người dân được chăm sóc, điều trị, tiếp cận y tế nhanh, hiệu quả.
Tuy nhiên, mô hình quản lý y tế cấp huyện, cấp xã chưa thật sự ổn định và thống nhất giữa các địa phương. Năng lực tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, do nhân lực thiếu và yếu về trình độ chuyên môn cũng như trang thiết bị y tế và cơ sở vật chất. Trạm y tế chỉ có một bác sĩ, có nơi chỉ có y sĩ, thậm chí nơi có bác sĩ lại là bác sĩ y học cổ truyền; được trang bị máy siêu âm nhưng lại “đắp chiếu, trùm mền” do không có đội ngũ y tế chuyên môn để siêu âm. Điều đó dẫn đến nhiều người dân vượt tuyến khám chịu chi phí cao. Chính sách về tiền lương, phụ cấp chưa tương xứng với khối lượng, môi trường, điều kiện làm việc, bác sĩ mới ra trường đa số không ai về tuyến cơ sở để làm việc. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì ổn định nguồn nhân lực tại chỗ hoạt động cho hệ thống này.
Để bảo đảm cho nhu cầu phục vụ Nhân dân về chăm sóc sức khỏe, nhất là dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, thì việc nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở về trang thiết bị, cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ cho thầy thuốc để thu hút bác sĩ mới ra trường về tuyến cơ sở, giảm tải khám, chữa bệnh cho các tuyến trên, tạo lòng tin với người bệnh. Đồng thời, xem xét điều chỉnh số lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn theo hướng tăng thêm chức danh nhân sự y tế hưởng phụ cấp hàng tháng. Nghiên cứu mô hình không có trạm y tế ở phường, thị trấn nơi có trung tâm y tế trên địa bàn, nhất là ở quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ít dân, địa bàn hẹp, thuận lợi giao thông. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế sẽ do trung tâm y tế đảm nhiệm. Vì nếu có trạm y tế mà người dân không đến thì có cũng như không. Nguồn lực chúng ta nên đầu tư cho các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa là phù hợp. Tôi đồng tình với việc chuyển giao trung tâm y tế về cho huyện quản lý, sở y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn.
Có lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm y tế, mở rộng danh mục dịch vụ khám, chữa bệnh, danh mục thuốc, vật tư y tế ở tuyến cơ sở do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả nhằm phát huy vai trò của trạm y tế trong công tác truyền thông và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (TP. Hà Nội):
Cần cơ chế tài chính theo hướng ngân sách cấp đủ kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên cho y tế cơ sở
Báo cáo của Đoàn giám sát xác định một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã giảm từ 19,8% năm 2017 xuống còn 14,6% năm 2022 là do hạn chế về năng lực của trạm y tế xã trong thực hiện các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật. Tôi cho rằng, thực trạng này còn xuất phát từ chính các văn bản quy định. Ví dụ một số văn bản chuyên môn như Thông tư số 39/2017/TT-BYT, Thông tư số 43/2013/TT-BYT của Bộ Y tế, trong đó có quy định về phê duyệt danh mục kỹ thuật theo chuyên khoa phụ thuộc vào chứng chỉ hành nghề của người hành nghề. Vì vậy, phạm vi hoạt động chuyên môn của trạm y tế xã chưa đáp ứng được hết nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của người dân. Do quy định về tổng mức thanh toán Quỹ bảo hiểm y tế tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, nên mức chi trả cho một đơn thuốc điều trị của cùng một loại bệnh tại trạm y tế rất thấp so với các tuyến thành phố và Trung ương, vì vậy người bệnh thường muốn chuyển lên tuyến trên.
Về tự chủ tại tuyến y tế cơ sở, hiện nay, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chung về tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong khi đó y tế là lĩnh vực rất đặc thù. Vì vậy, áp dụng Nghị định 60/2021/NĐ-CP cho ngành y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn nhiều khó khăn, bất cập. Hiện nay, đối với tuyến y tế cơ sở, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ y tế cộng đồng, phòng, chống dịch bệnh, thường chỉ bảo đảm một phần chi thường xuyên, phần kinh phí chưa tự chủ do ngân sách cấp bổ sung, nên thực tế một đơn vị bảo đảm 20% chi thường xuyên hay đơn vị bảo đảm 80% chi thường xuyên, thì đều được ngân sách nhà nước cấp bù với cơ chế giống nhau. Do đó, bảo đảm được 80% chi thường xuyên không có lợi thế gì hơn so với bảo đảm 20%. Điều này dẫn đến chưa thúc đẩy được các đơn vị chủ động nâng mức tự chủ. Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, và hiện đã hết hiệu lực, nên rất cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề tự chủ và cơ chế tài chính cho lĩnh vực y tế. Trong đó, chú trọng phân loại các mức độ tự chủ một phần chi thường xuyên và cơ chế khuyến khích các đơn vị thực hiện tự chủ.
Với trạm y tế, nguồn thu từ hoạt động khám, chữa bệnh rất hạn chế, bên cạnh đó, cơ chế đặt hàng dịch vụ công giao nhiệm vụ gắn với việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế dự phòng vẫn chưa triển khai được. Chúng tôi cho rằng, mấu chốt vấn đề để giải quyết triệt để bài toán của y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo hướng ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí bảo đảm duy trì hoạt động thường xuyên cho các đơn vị, chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ cho đơn vị được phép giữ lại để sử dụng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng đề án riêng cho trạm y tế xã với mục tiêu đến năm 2030, các trạm y tế xã có đủ cơ sở vật chất, nhân lực theo tiêu chí của từng địa bàn, khu vực, theo bán kính phục vụ, bảo đảm tính căn cơ và lâu dài.
ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu):
Phân cấp trung tâm y tế huyện cho UBND huyện quản lý sẽ thuận lợi hơn
Theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương, những nơi có cơ sở y tế trên địa bàn xã thì có thể không thành lập trạm y tế. Thời gian qua, có một số địa phương đã thực hiện. Tuy nhiên, qua cuộc giám sát này, đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc việc không tiếp tục duy trì trạm y tế ở thị trấn và xã, phường ở những nơi có trung tâm y tế đặt địa điểm. Qua giám sát ở cơ sở cho thấy, những nơi này hoạt động không hiệu quả, có nơi chỉ bố trí 3 biên chế để làm công tác dự phòng, còn người dân khi có vấn đề về sức khỏe thì thường đến trung tâm y tế của huyện, của thành phố để kiểm tra. Đề nghị nội dung này đưa vào phần kiến nghị trong dự thảo Nghị quyết giám sát.
Trong thời gian tới, việc quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hệ thống y tế xã, phường, thị trấn phù hợp với quy mô dân số, điều kiện về kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân khu vực thành thị, nông thôn là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.
Tôi thống nhất với dự thảo Nghị quyết giám sát là phân cấp trung tâm y tế huyện cho UBND huyện quản lý sẽ thuận lợi hơn, gắn trách nhiệm lãnh đạo quản lý của cấp ủy, chính quyền với lực lượng y tế. Từ đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý sẽ được quan tâm hơn và việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế sẽ kịp thời gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tránh tình trạng có nơi phó mặc cho ngành y tế. Sở Y tế vẫn có trách nhiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ từ tỉnh xuống cơ sở. Như thế là rất phù hợp. Hiện nay, đối với nội dung các đơn vị sự nghiệp, thì sự nghiệp giáo dục cũng do huyện quản lý và trên thực tế chưa thấy có gì bất cập.