Tập trung chuyển đổi số, hướng đến nền hành chính minh bạch, hiện đại
Bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, năm 2023, tỉnh Sơn La chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt chuyển đổi số trên 10 lĩnh vực trọng tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng đến một nền hành chính minh bạch, hiện đại.
Ngày từ đầu năm, các cấp, các ngành tập trung truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, tổ chức hội thảo, hội thi tìm hiểu về chuyển đổi số đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh và nhân dân trong toàn tỉnh. Đến nay, có gần 5.000 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số phục vụ cải cách hành chính do tỉnh, huyện tổ chức; 5.711 thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng được tập huấn kỹ năng số; 70 lãnh đạo quản lý, nhân viên phụ trách của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo “Tư duy chiến lược và hành trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp”.
Điểm nhấn của hoạt động tuyên truyền, năm 2023, tỉnh đã tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2023 với 6 tuần thi dành cho đối tượng là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang đang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Sơn La; đoàn viên, hội viên, sinh viên, học sinh và nhân dân là người Sơn La đang sinh sống, làm việc ở trong và ngoài tỉnh. Cuộc thi, thu hút 203.623 người tham gia với 288.028 lượt, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, giải pháp hữu hiệu, lan tỏa thông tin chuyển đổi số.
Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, từ đầu năm đến nay,có hơn 175.000 văn bản chỉ đạo, điều hành của các cấp chuyển trên môi trường mạng, trong đó, trên 90% văn bản phát hành đã được ký số. Hầu hết văn bản đi, đến trong toàn tỉnh được quản lý hoàn toàn trên môi trường mạng, là nguồn dữ liệu quan trọng xây dựng dữ liệu điện tử của tỉnh. Cùng với đó, hệ thống thông tin báo cáo được cập nhật số liệu thường xuyên và được vận hành tại Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh, giúp việc giám sát, theo dõi tình hình kinh tế, xã hội và kết quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực trong toàn tỉnh sát với thực tế, có 38 cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ báo cáo, cập nhật và khai thác dữ liệu.
Đặc biệt, việc triển khai Đề án 06/CP đạt được kết quả quan trọng đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng đến một nền hành chính minh bạch, hiện đại. Hiện nay, đã hoàn thiện kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sử dụng được 3 dịch vụ, gồm: Xác nhận số định danh cá nhân và chứng minh nhân dân; xác thực thông tin hộ gia đình; tra cứu thông tin công dân, hiển thị đầy đủ 20/20 trường thông tin công dân.
Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh để phục vụ chuyển đổi số, có 11 dịch vụ công ngành Công an được giao chủ trì, hiện đã cung cấp 8/11 dịch vụ công trực tuyến. Với 14 dịch vụ công các bộ, ngành được giao chủ trì, với các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đến nay, Điện lực tỉnh đã cung cấp 2 thủ tục cấp điện mới từ lưới điện hạ áp 220/380V và thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện; Sở Tư pháp cung cấp 4 thủ tục: Cấp phiếu lý lịch tư pháp; đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp 1 thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn 100% học sinh lớp 12 đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống; Bảo hiểm Xã hội tỉnh cung cấp thủ tục tích hợp giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Cục Thuế tỉnh cung cấp 1 thủ tục đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là gia đình, cá nhân; Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thủ tục đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận; Sở Giao thông Vận tải đã cung cấp 1 thủ tục cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe...
Ngoài ra, lực lượng công an và chính quyền các địa phương tích cực triển khai cấp mã định danh điện tử cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNeID trong thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Đến nay, toàn tỉnh kích hoạt 504.484 tài khoản định danh điện tử, đạt 103,87% chỉ tiêu được giao.
Không chỉ thể hiện qua những con số thống kê, giờ đây, mỗi người dân đều cảm nhận được chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại những tiện lợi, sự thay đổi trong cuộc sống, hiện đại và văn minh. Đơn cử, việc sử dụng phần mềm ViSSID - Bảo hiểm xã hội số hoặc sử dụng căn cước công dân gắn chip thay thẻ bảo hiểm y tế giấy đi khám, chữa bệnh mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân. Việc mua bán hàng hóa được thực hiện dễ dàng qua hệ thống thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng áp dụng rộng rãi trong các giao dịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, vướng mắc, như: Một số dịch vụ công trực tuyến vẫn phải thực hiện tiếp nhận, xử lý trực tiếp trên hệ thống của bộ, ngành Kế hoạch và Đầu tư; Y tế; Giao thông vận tải, Tài chính, chứ chưa thể tích hợp đồng bộ lên cổng dịch vụ công của tỉnh. Do vậy, các đơn vị vẫn phải thực hiện nhập thông tin phục vụ quản lý, thống kê, báo cáo trên 2 phần mềm: Thủ tục đăng ký mã số đơn vị có quan hệ ngân sách của Sở Tài chính, thủ tục đăng ký doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư; hồ sơ TTHC do người dân tự thực hiện trực tuyến còn thấp; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác chuyển đổi số hiện nay còn thiếu và yếu; trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng số của người dân, còn hạn chế.
Hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch đề ra, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Sơn La đang tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng số; danh mục cơ sở dữ liệu của tỉnh; đánh giá, phê duyệt kết quả xếp loại mức độ chuyển đổi số năm 2023 của các cơ quan Nhà nước tỉnh Sơn La. Triển khai cổng dữ liệu mở tỉnh Sơn La trên cơ sở kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong toàn tỉnh; tiếp tục rà soát, kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu các bộ, ngành. Triển khai, đưa vào hoạt động các nền tảng số, cổng dữ liệu mở, kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân và nâng cấp, đồng bộ hạ tầng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Sơn La, nhất là triển khai Đề án “Bệnh viện thông minh” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La; xây dựng Đề án triển khai mô hình “Phòng học thông minh” và Hệ sinh thái giáo dục thông minh. Tập trung vào nền tảng số về nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc nông sản; hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất...
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững. Do đó, để chuyển đổi số thành công, cần sự vào cuộc, quyết tâm cao của tất cả các cấp, ngành, doanh nghiệp và mỗi người dân.