Tập trung đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tăng thu ngân sách
Chiều 28-6, thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, một số đại biểu tập trung góp ý việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Với 19 ý kiến phát biểu và tranh luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Địa chất và khoáng sản để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; hoàn thiện các quy định về đấu giá khai thác khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản phù hợp với thực tiễn và kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, tăng nguồn thu cho ngân sách và bảo vệ quyền, lợi ích quốc gia.
Thống nhất với nhiều nội dung, nhưng các đại biểu cũng tham gia ý kiến vào các điều khoản cụ thể cần nghiên cứu để hoàn thiện dự án Luật, trong đó có đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) nêu, báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản cho thấy, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản mang lại hiệu quả cao, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá là rất thấp.
Liên quan đến việc đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản thấp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong trả lời chất vấn đại biểu tại kỳ họp đã cho biết, thực hiện theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, quy định 7 trường hợp không đấu giá.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản đã lấy lại 3/7 nội dung của Nghị định 158, có quy định rộng hơn và khái quát hơn, đồng thời giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết.
“Nếu không có sự thay đổi căn bản các quy định tại Nghị định 158 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương sẽ khó chuyển mạnh sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc có hình thức thực hiện phù hợp khác nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản quốc gia”, đại biểu Trần Hữu Hậu nêu.
Cũng theo đại biểu, cần phải định giá quyền khai thác khoáng sản khi đưa vào góp vốn để tránh thất thoát tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc định giá tài sản và định giá quyền sử dụng đất để đưa vào góp vốn dù đã có quy định cụ thể nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm và không ít cán bộ các cấp bị kỷ luật. Do đó, việc định giá quyền khai thác khoáng sản là rất cần thiết, nhưng khá phức tạp, cần nghiên cứu quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch. Dự thảo Luật cần bổ sung một điều về định giá quyền khai thác khoáng sản.
Góp ý vào nội dung tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn Quảng Ninh) đánh giá cao đề xuất của Chính phủ trong dự thảo Luật là quy định tiền cấp quyền được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. Quy định này khắc phục hạn chế từ việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng khoáng sản và thời hạn nộp tiền vào nửa đầu thời hạn cấp phép đang thực hiện theo quy định hiện hành.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) phân tích, việc tính tiền theo trữ lượng như quy định hiện hành không đảm bảo tính chính xác, vì các doanh nghiệp thường khai thác vượt mức, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp đấu giá được quyền khai thác khoáng sản nhưng thực tế lại không khai thác được, từ đó không có tiền nộp vào ngân sách.
Phát biểu làm rõ một số nội dung đại biểu nêu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu quan điểm về đấu giá quyền khai thác khoáng sản là sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia, bảo đảm được chiến lược về khoáng sản địa chất và an ninh năng lượng quốc gia. Một vài loại khoáng sản như than, boxit sẽ do các tập đoàn nhà nước khai thác. Nội dung này sẽ do Chính phủ quy định.
Thống nhất với ý kiến các đại biểu nêu, Bộ sẽ rà soát lại 7 nội dung đưa ra tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP để bảo đảm thực hiện các mục tiêu trên; đồng thời tập trung đấu giá để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, mang về nguồn thu cao nhất cho ngân sách nhà nước.
Lý giải nguyên nhân việc cấp phép khai thác được ưu tiên cho các doanh nghiệp thực hiện việc thăm dò trữ lượng khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, nguồn ngân sách nhà nước có hạn để thăm dò trữ lượng, từ đó thực hiện đấu giá quyền khai thác nên cần phải huy động các nguồn xã hội hóa, đặc biệt nguồn lực từ các doanh nghiệp để thực hiện thăm dò trữ lượng.
Bộ trưởng khuyến khích các địa phương dùng ngân sách thực hiện thăm dò trữ lượng và đấu giá quyền khai thác với các loại khoáng sản nhóm 3 để bảo đảm yếu tố minh bạch, công khai.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để hoàn chỉnh dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ tám tới.