Tập trung giải quyết 'điểm nghẽn' trong thực hiện Đề án 06 ở Hà Tĩnh
Mặc dù xác định việc triển khai Đề án 06 là nhiệm vụ chính trị quan trọng để phục vụ chuyển đối số trên địa bàn, giúp người dân và doanh nghiệp thụ hưởng những tiện ích mà cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) mang lại, song, quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Đề án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn những 'điểm nghẽn' nhất định, qua đó đã làm cản trở lộ trình triển khai cũng như hiệu quả của Đề án.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, từ nhận thức đến thói quen của công dân trên môi trường số tại địa bàn Hà Tĩnh đã thay đổi rõ nét. Nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện, đã có ảnh hưởng tích cực trên nhiều lĩnh vực như: ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, VNeID phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đối với các lĩnh vực như ngân hàng, y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục, giao thông vận tải, thuế và giải quyết thủ tục hành chính.
Kết quả triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt (chi trả an sinh xã hội, chi trả chế độ bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp, lương hưu, thanh toán viện phí, học phí, tiền điện, nước, các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt...) tăng gần 54% so với cùng kỳ năm 2022.
Hà Tĩnh là địa phương nằm trong 11 tỉnh hoàn thành kế hoạch giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách được Tổng cục thuế, Bộ Tài chính biểu dương. Đặc biệt, với việc triển khai nhiều giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị tham gia cùng lực lượng Công an trong thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD, hướng dẫn kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử, Hà Tĩnh là đơn vị đứng thứ 2 trên cả nước hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử cho 100% công dân đủ điều kiện, là đơn vị thứ 4 trên toàn quốc hoàn thành chỉ tiêu cấp tài khoản định danh điện tử. Hà Tĩnh cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ rà soát, làm sạch dữ liệu BHXH với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện, địa phương này đang tổ chức triển khai thực hiện 44 mô hình điểm tương ứng với 44 nhóm nhiệm vụ theo Đề án 06 trên địa bàn đúng lộ trình đã đề ra, bước đầu triển khai đã đạt được những kết quả tích cực thúc đẩy việc thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn.
Mặc dù vậy, từ đầu năm đến nay, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn 9 nhiệm vụ chưa hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, qua đó đã làm cản trở lộ trình triển khai cũng như hiệu quả của Đề án.
Về pháp lý, đến nay Hà Tĩnh vẫn còn 2 văn bản gồm Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND ngày 28/4/2016 và Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND ngày 23/7/2018 về Quy chế quản lý và sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nội dung quy định mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Giao dịch điện tử chưa được điều chỉnh, bãi bỏ. Đến nay, mặc dù đã được quan tâm đầu tư triển khai thực hiện song hạ tầng công nghệ phục vụ cho Đề án 06 của tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Trong đó, Trung tâm điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) tiến độ triển khai quá chậm so với lộ trình. Dự án được triển khai thử nghiệm thí điểm tại 6 cơ quan, đơn vị trên địa bàn từ tháng 9/2020, nhưng đến ngày 20/5/2024, UBND tỉnh mới có văn bản thống nhất chủ trương thực hiện cho giai đoạn 2024 – 2025.
Dự án do doanh nghiệp VNPT hỗ trợ, được giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục, hồ sơ, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đúng theo quy trình, quy định hiện hành.
Cùng với đó, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) được triển khai từ năm 2021 nhưng đến nay cũng chỉ đang dừng ở mức triển khai thí điểm. Mạng truyền số liệu chuyên dùng (mạng truy nhập cấp 2) trên địa bàn Hà Tĩnh đến nay vẫn chưa được triển khai; Kho dữ liệu dùng chung và cổng dữ liệu mở cấp tỉnh chưa có.
Trung tâm tích hợp dữ liệu cấp tỉnh chưa được nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện đầu tư trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin phục vụ việc triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số. Theo đánh giá, tính đến thời điểm hiện nay dữ liệu của tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang còn phân tán, thông tin chưa có kho dữ liệu dùng chung.
Tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn còn thấp, theo thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hà Tĩnh chỉ mới đạt 0,29%. Đến nay, một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn vẫn còn tình trạng chưa xác định được hồ sơ cấp độ và xây dựng hồ sơ trình phê duyệt.
Tính đến tháng 6/2024, có 11/13 địa phương trên toàn tỉnh có số học viên chưa hoàn thành tham gia lớp đào tạo nâng cao nhận thức về an toàn thông tin và chỉ duy nhất huyện Can Lộc là địa phương cấp huyện đã bố trí kinh phí phục vụ tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về Đề án 06, các đơn vị khác chưa thực hiện.
Về dịch vụ công, theo quyết định 3433 ngày 25/12/2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành kế hoạch cải cách hành chính tỉnh năm 2024, có 4 đơn vị gồm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Xây dựng; Sở Tư pháp và Sở Y tế có tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến không đạt 70% theo mục tiêu đề ra. Ngoài 4 đơn vị nêu trên, có thêm huyện Lộc Hà và huyện Can Lộc cũng không đạt chỉ tiêu tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt trên 90%. Số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt tỷ lệ tối thiểu cấp tỉnh có 7 đơn vị không đạt tỷ lệ 90%, 4 địa phương cấp huyện không đạt 80% và 5 địa phương cấp xã không đạt 75%.
Đáng chú ý, bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo Quyết định 776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với tỉnh Hà Tĩnh trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ xếp thứ 48 trên toàn quốc, giảm 32 bậc so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với các tiện ích như thanh toán không dùng tiền mặt, khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip, mặc dù tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai quyết liệt, ra quân đồng bộ song tỷ lệ đạt được cũng đang rất khiêm tốn. Trong đó, đối với mục tiêu đặt ra trong việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh đạt tỷ lệ trên 45% trong 6 tháng đầu năm, đến nay, cả 7/7 bệnh viện do Sở Y tế quản lý và 12/12 trung tâm y tế do UBND các huyện quản lý đều chưa hoàn thành chỉ tiêu giá trị thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong đó, có những đơn vị đạt tỷ lệ rất thấp như Bệnh viện Tâm thần chỉ đạt 1,3%; Bệnh viện Y học cổ truyền 1,6%; Trung tâm y tế huyện Lộc Hà 9,8%; Trung tâm y tế huyện Hương Khê 10,6%... Thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục, có 3 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu đạt trên 70%, gồm các huyện Cẩm Xuyên, Vũ Quang và huyện Hương Khê. 11/13 địa phương chưa đạt tỷ lệ khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắp chip, trong đó một số đơn vị có tỷ lệ thấp là huyện Kỳ Anh 71%; huyện Hương Sơn 78%, huyện Đức Thọ 81,1%...
Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp, xử lý "điểm nghẽn", đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm các “điểm nghẽn” liên quan đến dịch vụ công; tăng cường ứng dụng các tiện ích của thẻ CCCD, ứng dụng VNeID. Triển khai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nhất là 53 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong Đề án 06 đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra. Đảm bảo 100% dịch vụ công đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức trực tuyến toàn trình.