Tập trung giảm nghèo, vững bước vào kỷ nguyên mới: Kỳ 1- Những con số 'biết nói'

Giai đoạn 2022 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm mạnh (giảm 18,77%) là minh chứng sống động cho những nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững. Các chương trình, chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ, thực chất đã tạo nguồn lực để người dân miền đá vươn lên, hòa mình vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

Kỳ 1: Những con số “biết nói”

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm; phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh có KT – XH phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc. Nhiệm kỳ qua, tỉnh đã thực hiện nhiều quyết sách để giảm nghèo nhanh, bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, các cơ chế, chính sách đã thực sự đi vào đời sống, khơi dậy nội lực, thay đổi toàn diện đời sống nhân dân.

Bừng sáng những bản làng

Du khách tham quan Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ).

Du khách tham quan Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ).

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh ngày càng đổi thay trong hành trình giảm nghèo. Trong đó nổi bật có xã vùng sâu Sủng Thài (Yên Minh). Nhờ phát huy tối đa nguồn lực đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp giúp bà con vươn lên giảm nghèo, đóng góp vào kết quả phát triển KT – XH chung của huyện. Đồng chí Chảo Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Sủng Thài cho biết: CTMTQG giảm nghèo bền vững được xã triển khai với quyết tâm cao, theo phương châm: “Đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, không thất thoát”. Từ nguồn lực hỗ trợ giai đoạn 2022 – 2024 trên 13,6 tỷ đồng, xã tập trung thực hiện 10 dự án liên quan đến đa dạng hóa sinh kế, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... Cùng với đó, quan tâm giáo dục nghề nghiệp, hàng năm trên địa bàn có khoảng 200 người đi làm việc ngoại tỉnh, đào tạo nghề khoảng 150 người, vượt 400% chỉ tiêu giao.

Từng là địa phương khó khăn nhất của huyện Yên Minh với tỷ lệ người dân tộc Mông chiếm 99,9%, nay xã Sủng Thài ngày càng tươi đẹp và đầy sức sống với nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, đời sống người dân ấm no và đã chủ động, phát huy nội lực thoát nghèo. Tỷ lệ nghèo đa chiều xã giữ nhịp giảm 6%/năm, giai đoạn 2022 – 2024, xã giảm 98 hộ nghèo, cận nghèo (giảm 24%).

Thôn Tịnh, xã Xuân Giang (Quang Bình) là thôn có trên 95% dân tộc Tày sinh sống, với 169 hộ, 794 khẩu. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, phát huy vai trò nêu gương của đảng viên, đời sống đã có những khởi sắc vượt bậc, không còn hộ nghèo, cận nghèo và chuẩn bị “cán đích” thôn Nông thôn mới. Chia sẻ về kinh nghiệm xóa nghèo, Phó Bí thư thôn Tịnh, Hoàng Văn Lắm cho biết: Năm 2024, chúng tôi đã xóa hoàn toàn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Ngoài sâu sát vận động các hộ không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, thôn khuyến khích người dân vươn lên, tự lực phát triển kinh tế từ các dự án hỗ trợ chuyển đổi nghề, sản xuất, đa dạng hóa sinh kế.

Được định hướng xây dựng là “thôn phát triển toàn diện”, người dân thôn Tịnh, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo khai thác lợi thế đất đai, khí hậu, thủy lợi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, thôn duy trì chăn nuôi lợn thương phẩm, dê, trâu, gia cầm theo hướng trang trại, thành lập các tổ, nhóm sở thích để tạo liên kết. Đồng thời, mở rộng gần 85 ha diện tích trồng rừng kinh tế, duy trì canh tác lúa, ngô và lạc. Năm 2025, thôn không còn hộ nghèo, cận nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đạt 61 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 32,5%.

Là thôn có 100% đồng bào Dao sinh sống, năm 2011, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) chuyển mình với mô hình làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới. Đến nay, thôn có 39/68 hộ làm dịch vụ homestay, riêng năm 2024 thôn thu hút trên 2.100 lượt khách, doanh thu trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 150 lao động. Nặm Đăm cũng vinh dự được trao Giải thưởng ASEAN về du lịch cộng đồng và đạt Danh hiệu Làng Văn hóa du lịch cộng đồng OCOP 4 sao. Từ bản làng cằn cỗi, khó khăn, Nặm Đăm nay chỉ còn 5 hộ nghèo, cận nghèo và trở thành địa phương có tiềm năng lớn thu hút đầu tư.

Chủ trương đúng – dân đồng tình

Diện mạo mới xã vùng sâu, biên giới Phú Lũng (Yên Minh).

Diện mạo mới xã vùng sâu, biên giới Phú Lũng (Yên Minh).

Xác định giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tỉnh ta ban hành, thực hiện nhiều quyết sách mang tính chiến lược, “đúng” và “trúng” nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững. Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả CTMTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện xuyên suốt; các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp thực hiện các dự án, tiểu dự án với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận được sự đồng thuận lớn trong nhân dân.

Đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, quyết định, kế hoạch cụ thể thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững và chỉ đạo các địa phương thực hiện phương châm 3 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ kết quả. Ngoài triển khai các chính sách T.Ư, tỉnh ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề nhằm nâng cao sinh kế, cải tạo vườn tạp; phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, triển khai tích cực các chương trình xóa nhà tạm, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân vay vốn tín dụng chính sách vươn lên thoát nghèo.

Giai đoạn 2021 – 2024, tỉnh được bố trí 2.979.343 triệu đồng vốn đầu tư trung hạn và kinh phí sự nghiệp thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT – XH, giao thông, điện, trường học, y tế, nước sinh hoạt. Nổi bật là tiểu dự án hỗ trợ huyện Quản Bạ, Bắc Mê thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn với kinh phí 199.389 triệu đồng vốn đầu tư phát triển, đã khởi công 4 công trình giao thông kết nối vùng; 19.357 triệu đồng vốn sự nghiệp duy tu, bảo dưỡng 2 công trình giao thông. Cùng với đó, tại 7 huyện nghèo triển khai đa dạng hóa sinh kế, phát triển 607 mô hình giảm nghèo do cộng đồng đề xuất với 15.420 hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng.

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh.

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được tỉnh xác định là chiến lược quan trọng để người dân ổn định sinh kế, tự lực thoát nghèo. Giai đoạn 2021–2024, các địa phương đã mở 411 lớp đào tạo nghề sơ cấp với hơn 14.374 học viên tham gia, chủ yếu là lao động nghèo. Tỉnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài với tổng kinh phí trên 4,3 tỷ đồng; đầu tư 5,9 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Trong giai đoạn, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 112.000 lao động; trong đó, 36.282 người làm việc tại địa phương, 75.718 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Tỉnh huy động gần 3.000 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư, địa phương và nguồn xã hội hóa thực hiện các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ nhóm yếu thế, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số. Nổi bật đã triển khai xây mới, sửa chữa trên 33.300 căn nhà cho hộ nghèo, đối tượng chính sách; cấp hơn 785.000 thẻ BHYT/năm; tăng cường cải thiện, cung cấp các dịch vụ tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng góp phần không nhỏ cho công tác giảm nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Hà Giang duy trì cho vay 19 chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ chính sách; trong giai đoạn có 94.079 lượt khách hàng vay vốn, tổng dư nợ đạt 5.449 tỷ đồng.

Với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, Hà Giang được các bộ, ngành T.Ư đánh giá cao trong công tác giảm nghèo. Giai đoạn 2022 – 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm từ 55,12% xuống còn 36,35%, giảm 18,77%, giảm 33.876 hộ nghèo đa chiều. Trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số từ 63,31% giảm xuống còn 40,70%, tương đương giảm 32.846 hộ nghèo đa chiều. Ước tính năm 2025, tỉnh tiếp tục giảm thêm 4,7% tỷ lệ nghèo đa chiều, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao cho tỉnh và Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh là giảm bình quân 4%/ năm. Cùng với đó, các chỉ tiêu chủ yếu của chương trình giảm nghèo cũng chuyển biến rõ nét như: Tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP đạt 6,0%; cơ cấu kinh tế, lao động chuyển dịch tích cực; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,2%...

Những con số ấn tượng trong công tác giảm nghèo đã phản ánh nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và quyết tâm thoát nghèo của người dân vùng “lõi nghèo” của cả nước. Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh vùng cao biên giới, địa hình hiểm trở, giao thông chia cắt, hành trình giảm nghèo bền vững, bao trùm ở Hà Giang còn đối diện với nhiều thách thức và rào cản.

-----------------

Kỳ 2: Giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững

Bài, ảnh: NHÓM PV

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202504/tap-trung-giam-ngheo-vung-buoc-vao-ky-nguyen-moi-ky-1-nhung-con-so-biet-noi-b4909e9/