Tập trung giúp địa phương khắc phục hạn chế, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ

Những ngày qua nắng nóng kéo dài đã làm tăng nguy cơ cháy rừng ở nhiều địa phương trên cả nước. Thực tế, trên địa bàn các tỉnh bắc miền Trung, chỉ tính riêng trong hai tuần qua (từ ngày 1 đến 15-7) đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, có nhiều vụ xảy ra trên diện rộng, thời gian kéo dài như ở Nam Đàn (Nghệ An), Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh), Quảng Ninh (Quảng Bình)… các vụ cháy này đã thiêu rụi gần 100ha rừng thông, keo lá tràm... Các đơn vị thuộc Quân khu 4 đã phải huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia dập lửa cứu rừng.

Ngược với hiện tượng nắng nóng, cháy rừng ở miền Trung, các tỉnh phía Bắc, nhất là phía Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu... bà con nhân dân lại phải hứng chịu ảnh hưởng của mưa lũ gây sạt lở đường sá, nhà cửa bị cuốn trôi, thiệt hại không nhỏ về tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của nhân dân. Các tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dông lốc, sạt lở khiến nhà cửa bị sập đổ, cuốn trôi… Tất cả các vụ thiên tai xảy ra đều có nguyên nhân cơ bản từ sự biến đổi thất thường của thời tiết, khí hậu và con người là một trong những tác nhân quan trọng.

Theo thống kê của Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM), tính từ đầu năm đến nay, toàn quốc xảy ra 771 vụ thiên tai, sự cố. Hậu quả là làm chết 152 người, mất tích 58 người, bị thương 175 người. Các sự cố đã làm chìm, cháy hỏng 157 phương tiện, cháy 412 nhà xưởng, hơn 723ha rừng, hư hỏng 35.149 nhà, hư hại 13.988ha lúa, hoa màu và làm chết hơn 4.700 con gia súc, gia cầm. Thiệt hại về tài sản ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Việc phòng, chống, giảm nhẹ hậu quả của thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định là một nhiệm vụ quan trọng của quân đội trong thời bình. Trong đánh giá của Bộ Quốc phòng tại Hội nghị Quân chính toàn quân 6 tháng đầu năm 2020 nêu rõ: Quân đội đã xung kích đi đầu trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), TKCN. Lực lượng thường trực và dân quân tự vệ các địa phương đã được huy động kịp thời, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, TKCN.

Qua theo dõi của chúng tôi cho thấy, nhiệm vụ này được triển khai rốt ráo, quán triệt nghiêm túc tới từng cán bộ, chiến sĩ ở khắp các đơn vị. Chính vì vậy, khi có thiên tai, sự cố xảy ra, các đơn vị quân đội bao giờ cũng là lực lượng có mặt đầu tiên để hỗ trợ cấp ủy, chính quyền, giúp đỡ nhân dân các địa phương phòng, chống và khắc phục hậu quả. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 7-2020, toàn quân đã điều động hơn 42.000 lượt người với hơn 1.630 lượt phương tiện, tiến hành khắc phục hậu quả 658 vụ thiên tai, sự cố. Các đơn vị toàn quân đã cứu được 1.264 người và 59 phương tiện (trong đó có 8 vụ cứu được 38 người, 3 phương tiện có yếu tố nước ngoài). Riêng LLVT đã điều động hơn 29.450 lượt người tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn (trong đó có hơn 17.220 lượt bộ đội thường trực và hơn 12.220 lượt DQTV) với 720 lượt phương tiện. Các đơn vị cũng đã thực hiện cứu nạn 540 vụ, cứu được 638 người và 24 phương tiện. Trong quá trình giúp nhân dân miền Tây Nam Bộ khắc phục hạn hán, mặn xâm nhập, các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân, Quân khu 9… đã tổ chức vận chuyển gần 13.000m3 nước sạch hỗ trợ nhân dân vùng hạn nặng. Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị chuyên ngành, như: Hóa học, quân y… đã tiến hành phun thuốc khử trùng tại nhiều cơ quan, khu vực dân cư điển hình là phường Trúc Bạch, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc)… Việc làm của các đơn vị toàn quân trong công tác phòng, chống thiên tai, sự cố, cứu hộ, cứu nạn đã đã góp phần làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, BTTM-Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN cho rằng: Đạt được kết quả đó là do có sự chỉ đạo sát sao của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, BTTM, Tổng cục Chính trị về nhiệm vụ này. Bên cạnh đó có sự tham mưu đúng, trúng của cơ quan chức năng thuộc các đơn vị và sự nhận thức đúng đắn, sự nỗ lực của từng cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Một điểm nhấn nữa là các cơ quan, đơn vị đã có sự chuẩn bị khá kỹ về phương án, phương tiện, cơ sở vật chất, nên khi có vụ việc xảy ra là lực lượng, phương tiện có thể cơ động, ứng phó được ngay.

Chúng tôi được biết, là cơ quan đầu ngành tham mưu, chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), TKCN, từ đầu năm đến nay, Cục Cứu hộ-Cứu nạn đã tập trung xây dựng và hoàn chỉnh Kế hoạch công tác của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; “Chương trình, hành động thực hiện Kết luận số 1330-KL/QUTW ngày 16-12-2019 của Quân ủy Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 689-NQ/QUTW ngày 10-10-2014 về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị định thư hợp tác cứu hộ, cứu nạn giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Đề án nâng cao năng lực ứng phó sự cố thiên tai và TKCN; tờ trình sửa đổi Quy chế 02 ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu… Những văn bản đó đã góp phần bảo đảm cho công tác PCTT, TKCN ngày càng đúng hướng, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa tạo ra cơ chế giúp các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thuận lợi, hiệu quả hơn.

Nhìn lại công tác PCTT, TKCN trong suốt 6 tháng qua cũng thấy nổi lên những bất cập cần phải tháo gỡ, đó là tính chủ động của người dân một số địa phương chưa cao, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng. Ý thức của nhân dân trong việc phòng, chống các sự cố còn giản đơn, có nhiều hạn chế, đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều sự số đáng tiếc, chẳng hạn như hiện tượng người dùng lửa bừa bãi gây ra hàng loạt vụ cháy rừng ở miền Trung thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình. Trên biển, các phương tiện khi ra khơi đánh bắt còn chưa coi trọng công tác bảo đảm an toàn, cứu hộ, cứu nạn, vì vậy, tình trạng chìm đắm, hư hỏng tàu, thuyền xảy ra liên tục, gây ra nhiều thiệt hại cả về người và tài sản. Ở khu vực miền núi, nhiều hộ gia đình còn chủ quan trước những nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, mặc dù đã được địa phương và cơ quan chức năng cảnh báo từ trước khi xuất hiện mưa lũ, do đó khi xảy ra mưa lũ bà con không kịp phòng tránh…

Chúng tôi cho rằng tất cả những hạn chế nêu trên cần phải được khẩn trương khắc phục khi cao điểm của mùa mưa lũ năm 2020 đang đến gần. Việc đầu tiên là tiếp tục kiên trì tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân về sự nguy hiểm của thiên tai, sự cố để họ tự nâng cao năng lực phòng tránh cho bản thân và gia đình. Các lực lượng chức năng cần tiếp tục rà soát các khu vực có nguy cơ, kiên quyết di dời nhân dân ra khỏi khu vực khi có dấu hiệu nguy hiểm. Rà soát lại toàn bộ hệ thống phương tiện, trang bị, bổ sung kịp thời, đầy đủ các loại còn thiếu, hoặc đã xuống cấp, sẵn sàng cho một mùa mưa lũ mới. LLVT phải tiếp tục được huấn luyện, rèn luyện nắm chắc địa bàn, nâng cao khả năng cơ động để khi có tình huống xảy ra là ứng phó kịp thời, hiệu quả.

TRẦN VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tap-trung-giup-dia-phuong-khac-phuc-han-che-thuc-hien-hieu-qua-nhiem-vu-627072