Tập trung hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình 04- CTr/TU đề ra trong năm 2024

Sáng 27-9, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện chương trình đến quý III năm 2024 và khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra; nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Dự và chỉ đạo tại hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU; Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố; Dương Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 04 - CTr/TU.

Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: 8/8 chỉ tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Hiện thành phố có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức đã được trình hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, huyện Thanh Oai đã hoàn thiện hồ sơ và trình Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia thành phố; các huyện Thường Tín, huyện Đan Phượng đang hoàn thiện báo cáo thẩm tra theo quy định.

Đối với cấp xã, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Hà Nội hiện có 8/8 chỉ tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong 9 tháng qua, thành phố đã huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới 26.640,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố chiếm 35,2%; ngân sách huyện chiếm 57,9%%; ngân sách xã chiếm 1,7% và vốn ngoài ngân sách Nhà nước chiếm 5,2%.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Đặc biệt, vừa qua, bão số 3 và mưa, lũ sau bão đã gây thiệt hại nặng về người, tài sản của nhân dân. Tập trung khắc phục hậu quả, thống kê sơ bộ, Hà Nội đã huy động khoảng 200.000 lượt người và 40.000 lượt phương tiện tham gia. Thành phố đã chỉ đạo triển khai phương án trồng dựng lại tại chỗ 3.418 cây xanh; chuyển về vườn ươm để chăm sóc 580 cây. Hiện, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi cơ bản ổn định, không có các sự cố lớn xảy ra. UBND thành phố quyết định hỗ trợ các quận, huyện, thị xã và các đơn vị 220,87 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Dự kiến dành hơn 2.346 tỷ đồng khôi phục sản xuất, đời sống sau bão

Tại hội nghị, các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Oai... đã báo cáo về công tác hoàn thiện hồ sơ công nhận huyện nông thôn mới nâng cao và khôi phục sản xuất sau mưa bão. Đại diện các sở, ngành báo cáo các nội dung liên quan đến thực hiện Chương trình số 04 và khắc phục hậu quả bão số 3.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền điều hành phần thảo luận. Ảnh: Quang Thái

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền điều hành phần thảo luận. Ảnh: Quang Thái

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định thời gian qua, Hà Nội chỉ đạo tập trung thực hiện các tiêu chí nông thôn mới phù hợp với tiêu chí đô thị đối với các huyện chuẩn bị trở thành quận, huyện ven đô là bước đi đúng hướng. Thời gian tới, thành phố sẽ tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Chương trình 04 để định hình cho giai đoạn 5 năm tới (2026-2030).

Về khắc phục hậu quả bão số 3, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, bão số 3 chính là "phép thử" đối với hệ thống đê điều, thủy lợi trên địa bàn. Từ đó, thành phố sẽ tính toán để xử lý tốt hơn và triệt để hơn vấn đề đê điều, tình trạng ngập úng, lũ rừng ngang…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn chỉ ra một số bất cập và đề xuất nội dung cần quan tâm như: Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tại một số địa phương ngoại thành còn thấp. Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy có nghiên cứu trợ giá nước sạch để 100% người dân được dùng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung. Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm ứng phó bão số 3, thành phố phải tiếp tục đẩy mạnh "4 tại chỗ"; có kiến nghị trong phân cấp xử lý hậu quả thiên tai để tránh tình bị động. Đồng thời, cần thiết lập phương án xử lý lũ lụt cho các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai… Ngoài ra, qua bão số 3, có dấu hiệu một số cầu yếu tại các tuyến giao thông huyết mạch cũng như khu vực nông thôn phải được quan tâm, kiểm tra...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng ban Chỉ đạo chương trình 04 đề nghị từ nay đến hết năm, toàn thành phố quyết tâm để hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình đề ra trong năm 2024, đặc biệt là tập trung cho các chương trình nước sạch nông thôn, phát triển làng nghề, phát triển sản phẩm OCOP...

Hiện một số địa bàn người dân khó khăn trong tiếp cận nước sạch tập trung như Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín… đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị sở, ngành và địa phương phải làm việc với doanh nghiệp cung ứng và báo cáo thành phố tiến độ thực hiện.

Về khắc phục hậu quả bão số 3, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã có chủ trương, đề nghị các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai… Thành phố cũng sẽ thông qua gói hỗ trợ sau cơn bão số 3, dự kiến hơn 2.346 tỷ đồng để phục hồi sản xuất.

Đối với các khu vực đê trọng yếu, cầu yếu, đề nghị thành phố tổng hợp để đưa vào kế hoạch đầu tư công trong các năm 2024-2025 và kế hoạch giai đoạn 2026-2030.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng cùng với các sở, quận sớm xây dựng đề án trồng lại cây xanh, chỉnh trang đô thị. Đối với một số huyện bị ngập sâu và ngập lâu ngày, nước rút đến đâu, tập trung vệ sinh môi trường ngay tới đó. Các địa phương này cũng cần tiến hành đánh giá tác động sau ngập úng đối với các công trình công cộng và nhà dân để đảm bảo an toàn...

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tap-trung-hoan-thanh-cac-chi-tieu-chuong-trinh-04-ctr-tu-de-ra-trong-nam-2024-679486.html