Tập trung khắc phục hậu thiên tai
Do ảnh hưởng của bão số 6, đã có mưa lớn kéo dài khiến nhiều ngôi nhà, trường học, công xưởng..., trên địa bàn huyện Quảng Ninh chìm trong biển nước. Ngay sau khi nước rút, người dân cùng lực lượng chức năng nhanh chóng bắt tay vào dọn dẹp, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
“Trở lại hoạt động bình thường”...
Với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Ninh cùng sự chung sức đồng lòng, tinh thần cảnh giác cao độ của nhân dân, ngay từ khi nắm bắt được thông tin diễn biến mưa bão, người dân sinh sống ở các khu vực trọng điểm hay xảy ra ngập lụt của huyện đã chủ động, khẩn trương thực hiện các phương án phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai.
Ông Nguyễn Tư Linh ở thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) chia sẻ: “Rút kinh nghiệm từ những đợt lụt trước, khi nghe tin nước sông dâng cao, gia đình tôi tập trung di chuyển các vật dụng thiết yếu lên những vị trí cao hơn, các thành viên cũng nhanh nhóng sơ tán đến nơi an toàn. Hiện, gia đình tôi đang tập trung dọn dẹp nhà cửa, nhanh chóng ổn định lại cuộc sống. Tuy nhiên, do nhà bị ngập sâu hơn 2m nên nhiều vật dụng, đồ đạc trong gia đình đã hư hỏng không thể sử dụng được...”.
Chủ tịch UBND xã Tân Ninh Nguyễn Văn Hoan cho hay, ngay sau khi nước rút, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng cùng nhân dân thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường ở các trục đường chính, các trường học; xử lý nước sinh hoạt cho người dân và có phương án kiểm soát tốt các dịch bệnh có thể xảy ra. Hiện nay, đời sống của người dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn do đồ dùng, nhu yếu phẩm trong gia đình đã bị hư hỏng vì ngập nước. Chính quyền địa phương đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhận và phân phối hàng cứu trợ của nhà hảo tâm đến tận tay người dân.
“Trở lại hoạt động bình thường” là trạng thái chung của người dân trên địa bàn huyện Quảng Ninh đến thời điểm hiện nay. Triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, huyện Quảng Ninh khẩn trương phối hợp và huy động các lực lượng hỗ trợ bà con dọn dẹp nhà cửa, trường học, các công trình công cộng...
Đến nay, các trường học, trạm y tế, cơ sở sản xuất... ở các địa phương cơ bản phục hồi sau ngập lụt. Toàn huyện có 27/33 trường học đã đón học sinh trở lại, còn 6 trường học tại 3 xã: Hàm Ninh, An Ninh, Tân Ninh do ngập sâu nên cần thêm thời gian dọn dẹp, tu sửa, dự kiến đầu tuần sau học sinh sẽ đến trường.
Khẩn trương ổn định đời sống
Cùng với công tác cứu hộ, huyện Quảng Ninh đã thành lập các đoàn trực tiếp đưa lương thực, thực phẩm đến các điểm ngập lụt sâu để hỗ trợ cho người dân; đồng thời, lập các điểm tập kết, đón các đoàn cứu trợ vận chuyển nhu yếu phẩm tiếp tế cho người dân ở khu vực trũng thấp, hộ yếu thế...
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh Phạm Thị Bích Huệ cho biết, nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, Ủy ban MTTQVN huyện đã kiện toàn ban vận động và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ; tăng cường công tác phối hợp với các cấp, ngành tích cực huy động các nguồn lực, phát động phong trào “tương thân, tương ái” trong toàn dân, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng do bão số 6.
Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Ninh tổ chức hỗ trợ áo phao cho bà con ở các vùng trũng; phối hợp với các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đưa lương thực, thực phẩm cho người dân. Hiện tại, hội huyện tiếp tục kêu gọi, vận động các nguồn lực hỗ trợ tiền mặt, các nhu yếu phẩm thiết yếu để người dân ổn định lại đời sống.
Theo Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai ngay biện pháp khắc phục, nhất là điện và nước nhằm ổn định tình hình đời sống của nhân dân và sớm ổn định các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn. Đến thời điểm này, công tác khắc phục đã cơ bản hoàn thành, các địa phương đều đã có điện và nước sạch để sử dụng; hầu hết các trường học, trạm y tế… đã được dọn dẹp sạch sẽ.
Huyện Quảng Ninh cũng chỉ đạo các ngành, đơn vị rà soát, khắc phục kịp thời hệ thống giao thông nhằm bảo đảm cho nhân dân đi lại; ngành y tế, Trung tâm Y tế huyện tập trung phun tiêu độc khử trùng, kiểm soát không để xảy ra dịch bệnh sau ngập lụt; rà soát các công trình thủy lợi bị hư hỏng, như: Kênh mương, đường ống dẫn nước, trạm bơm, cống, đập dâng, công trình cấp nước sinh hoạt... để khắc phục, sớm ổn định cuộc sống, đi lại và bảo đảm phục vụ sản xuất; chuẩn bị các điều kiện để khôi phục sản xuất, khôi phục đàn gia súc, gia cầm, sửa chữa các ao hồ để nuôi trồng thủy sản…
Do ảnh hưởng của mưa lớn, trên địa bàn huyện Quảng Ninh có 12.392 nhà dân bị ngập, 28 điểm trường học, 6 trạm y tế xã, Trung tâm y tế huyện, Bệnh viện đa khoa huyện bị ngập nước. Lũ lụt đã gây thiệt hại lớn về sản xuất, đời sống của bà con nhân dân, làm hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi… với tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 150 tỷ đồng.