Tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông

Với quan điểm giao thông đi trước một bước tạo đà cho phát triển KT-XH, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện một số dự án công trình giao thông trọng điểm, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch. Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh ta đã tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối vùng và các dự án giao thông trọng điểm tạo đột phá phát triển KT-XH của tỉnh.

Thực hiện Đề án cứng hóa giao thông nông thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều tuyến đường giao thông tại xã An Bình (Lạc Thủy) đã được đầu tư nâng cấp, tạo đà thúc đẩy KT-XH của xã phát triển.

Thực hiện Đề án cứng hóa giao thông nông thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều tuyến đường giao thông tại xã An Bình (Lạc Thủy) đã được đầu tư nâng cấp, tạo đà thúc đẩy KT-XH của xã phát triển.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 5 dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công và 8 dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư ngoài NSNN. Trong đó, 5 dự án trọng điểm sử dụng nguồn vốn NSNN đều là các dự án giao thông, bao gồm: Dự án mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn NSNN, quy mô xây dựng tuyến đường dài 23,04 km quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 8.168 tỷ đồng; Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) quy mô xây dựng tuyến đường dài 32,5 km, tổng mức đầu tư 9.777 tỷ đồng; dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) quy mô xây dựng tuyến đường dài 50,6 km, tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 4.120 tỷ đồng; Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1) quy mô xây dựng tuyến đường dài 8 km, tổng mức đầu tư 999 tỷ đồng; Dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với quốc lộ 6 quy mô xây dựng tuyến đường dài 4,4 km, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng.

Là 1 trong 5 dự án giao thông trọng điểm được chính thức khởi công từ tháng 2/2023, Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) có ý nghĩa quan trọng hình thành trục giao thông liên thông kết nối các vùng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển theo hướng Hà Nội - TP Hòa Bình - Kim Bôi, tăng cường khả năng kết nối, giao thương các tỉnh Hà Nam - Hòa Bình - Phú Thọ - Sơn La với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia thông qua các tuyến đường hiện trạng và dự kiến đầu tư xây dựng.

Xác định tuyến đường có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các dự án giao thông tỉnh đã phối hợp UBND các huyện, thành phố thực hiện đồng thời các thủ tục đầu tư với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương châm sớm nhất bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Hiện nay, huyện Kim Bôi đã ứng mặt bằng để đơn vị thi công thực hiện tại 5 vị trí cầu trên tuyến. Khối lượng công việc đạt khoảng 24% các hạng mục cầu. Huyện cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng.

Cũng với phương châm đó, tại huyện Lương Sơn và TP Hòa Bình, các ngành chức năng khẩn trương phối hợp tổ chức kiểm đếm tài sản và các loại đất để làm cơ sở lập phương án bồi thường cho các hộ bị ảnh hưởng, tuyên truyền để tạm ứng mặt bằng thi công và thực hiện công tác kiểm tra, rà soát các vị trí để tạm ứng mặt bằng thi công các cầu.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai là những dự án có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ. Phân công trách nhiệm cụ thể giải quyết từng việc cho từng dự án. Chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến độ GPMB, xây dựng tái định cư; tiến độ chuyển đổi đất rừng, đất lúa, thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.

Cùng với việc đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường của địa phương cũng được nâng cấp cải tạo, góp phần hoàn thiện mạng lưới GTVT. Hiện nay, các tuyến đường tỉnh như: 433, 450... đã được đầu tư nâng cấp. Tỉnh cũng tranh thủ các nguồn ngân sách và hỗ trợ từ T.Ư, phát huy nội lực của địa phương đầu tư các công trình trọng điểm và một số tuyến đường tỉnh tạo sự lan tỏa phát triển KT-XH, cơ bản đạt cấp III, cấp IV trở lên, giao thông đô thị phát triển theo hướng hiện đại. Hiện, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông xi măng; 90% thôn, xóm có đường giao thông từ xã đến thôn, xóm được cứng hóa. Phát huy mạnh mẽ phong trào làm đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn giao thông vùng cao, vùng xa.

Với mục tiêu hướng tới phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, kết nối hợp lý hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH bền vững, UBND tỉnh tiếp tục xác định ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư các tuyến đường trọng điểm có giá trị kết nối vùng. Theo đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư các tuyến đường kết nối như tuyến đường từ Ba Sao đi Bái Đính; cầu Hòa Bình 5, 6; đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai; dự án kết nối hạ tầng giao thông, thủy lợi với hệ thống giao thông quốc gia. Cải tạo các tuyến đường kết nối như: Quốc lộ 21; quốc lộ 12B với đường tỉnh 433, đường vành đai 5 kết nối khu vực vùng thủ đô; các tuyến đường trục ngang kết nối đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh trên 23.889.941 triệu đồng thực hiện Đề án "Hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025".

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/181099/tap-trung-nguon-luc-hoan-thien-ket-cau-ha-tang-giao-thong.htm