Tập trung phát triển chương trình đào tạo các ngành, nghề mới
Mặc dù TPHCM đang đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, dọn đường để 'đại bàng' công nghệ về làm tổ, nhưng thực tế số lượng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế còn hạn chế đang là thách thức lớn.
Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố.
* PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá như thế nào về tình hình lao động trên địa bàn TPHCM hiện nay?
* Ông LÊ VĂN THINH: TPHCM ngày càng phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Nơi đây không chỉ dồi dào về nguồn cung lao động tại chỗ từ việc gia tăng dân số, mà còn là nơi dẫn đầu về thu hút nguồn lao động nhập cư. Theo số liệu thống kê, dân số trong độ tuổi lao động ở TPHCM là 6,44 triệu người (chiếm khoảng 68,2% dân số), lực lượng lao động trên địa bàn thành phố khoảng 4,84 triệu người. Trong đó, số lao động đang làm việc là 4,66 triệu người; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo chiếm 87,27% tổng số lao động.
* Tuy nhiên, theo phản hồi của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động, chất lượng nguồn lực vẫn chưa theo kịp số lượng, thưa ông?
* Lực lượng lao động của TPHCM được đánh giá là lực lượng lao động trẻ, năng động và đa dạng các ngành nghề. Với yêu cầu trình độ, bằng cấp và các kỹ năng liên quan ngày càng cao của các doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế, thì lực lượng lao động của thành phố có lợi thế lớn so với các địa phương khác về mức độ tiếp cận với giáo dục, đào tạo. Điều này thể hiện qua chất lượng lao động được cải thiện qua từng năm, tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo (bao gồm có bằng cấp, chứng chỉ và lao động qua đào tạo nhưng không có bằng) tăng lên đáng kể.
Cần thẳng thắn nhìn nhận, qua đánh giá của doanh nghiệp cho thấy chênh lệch về kỹ năng lao động của người lao động còn cao; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu trước sự thay đổi và phát triển không ngừng của khoa học công nghệ.
* Vậy TPHCM phải đầu tư như thế nào để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập quốc tế?
* Thời gian qua, TPHCM đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có thể đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đã và sẽ đầu tư vào thành phố. Cụ thể, ở trình độ đại học và sau đại học, TPHCM đã ban hành Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035.
Ở trình độ giáo dục nghề nghiệp có chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2025 và kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp và thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy TPHCM đã ban hành Kế hoạch số 267 năm 2023 và UBND TPHCM đã ban hành chương trình hành động kèm theo Quyết định số 82 năm 2024. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong nước, khu vực ASEAN và bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
* Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch đào tạo, đặc biệt là xây dựng chuẩn đầu ra của lao động hiện nay?
* Trên cơ sở kế hoạch của Thành ủy, chương trình hành động của UBND TPHCM, thành phố đã đề ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó, thành phố tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học giáo dục nghề nghiệp theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ với sự tham gia của người học, nhà giáo, chuyên gia, nghệ nhân, người sử dụng lao động.
Gắn hoạt động đào tạo với chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp giáo dục nghề nghiệp.
Thành phố cũng đã xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia Việt Nam có tham chiếu các chuẩn khu vực và quốc tế; tổ chức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo theo các chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN cho ít nhất 10% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đến năm 2025 và ít nhất 30% vào năm 2030.
Đặc biệt, thành phố tập trung phát triển chương trình đào tạo các ngành, nghề mới, lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch bán dẫn; công nghệ thông tin...; cùng các chương trình đào tạo cho người lao động trong các doanh nghiệp theo hình thức vừa làm vừa học.