Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng đồng bộ
Khép lại năm 2021, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều công trình giao thông; thủy lợi, đô thị, thương mại, các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông được xây dựng góp phần thêm diện mạo mới của tỉnh, thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm đời sống của nhân dân.
Ảnh: Trần Đức Cường
Với mục tiêu, phấn đấu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh, xanh, bền vững, vấn đề đặt ra trong lộ trình và bước đi là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông “đi trước một bước” theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đối với các dự án trọng điểm, chuẩn bị tốt các bước đầu tư đối với dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; cảng hàng không Nà Sản; phối hợp với Ban QLDA 3 - Tổng cục đường bộ Việt Nam giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công theo chức năng nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác tuyến tránh thành phố Sơn La trong năm 2022.
Đối với đường đến trung tâm xã, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường nối QL.37, huyện Bắc Yên - QL.279D, huyện Mường La (dự án đi qua trung tâm 05 xã còn lại chưa được cứng hóa) để hoàn thành mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Đối với đường GTNT: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng đường GTNT gắn với các mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thu hút đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy hoạch; chú trọng đầu tư kết nối liên thông giữa đường thủy - đường bộ.
Về kết cấu hạ tầng thủy lợi, tiếp tục phát triển hệ thống các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu để phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho dân sinh và sản xuất công nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Cải tạo nâng cấp các hồ, đập đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ và bảo đảm nhu cầu tích nước vào mùa khô hạn; xây dựng các khu tái định cư cho nhân dân tại các vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai đồng bộ, hiện đại, đảm bảo đủ khả năng chống chịu trước thiên tai và giảm thiểu thiệt hại về người và sản xuất do thiên tai gây ra; trong đó, ưu tiên củng cố, nâng cấp hệ thống phòng chống sạt lở bờ sông.
Ảnh: Duy Tùng
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ xây dựng các đô thị văn minh, hiện đại. Tập trung hoàn thành lập quy hoạch tỉnh; lập quy hoạch các khu chức năng trọng điểm mang tính chất quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác làm cơ sở quản lý quy hoạch, thu hút đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Tiếp tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch và Chương trình phát triển nhà ở, Kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án cấp nước để nâng cao năng lực cấp nước đô thị; Tiếp tục quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống cây xanh, chiếu sáng, nghĩa trang nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thúc đẩy việc phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại. Tập trung nguồn lực đầu tư các điểm họp chợ tại các xã vùng sâu thành các chợ phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương; nâng cấp, cải tạo các chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Mở rộng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm. Phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại: Khuyến khích phát triển các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại khu vực nông thôn. Thu hút đầu tư phát triển trung tâm thương mại tại các đô thị lớn của tỉnh. Nghiên cứu thu hút đầu tư các trung tâm Logistic tại 02 cửa khẩu Chiềng Khương và Lóng Sập; Khu Công nghiệp huyện Mai Sơn và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh để giới thiệu quảng bá và kết nối giao dịch các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trong đó trọng tâm là các mặt hàng nông sản và các sản phẩm chế biến.
Tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng số trong lĩnh vực bưu chính; khai thác và ứng dụng nền tảng Mã địa chỉ gắn với bản đồ số (Vposcotcode) nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động vận chuyển và giao nhận hàng hóa. Đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Về phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hoàn thiện hạ tầng giai đoạn I, chuẩn bị đầu tư xây dựng giai đoạn II của khu công nghiệp Mai Sơn; Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hàm lượng giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Lập Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Vân Hồ, đồng thời kêu gọi, thu hút Nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vân Hồ đảm bảo có năng lực về tài chính, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật. Huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp hiện có; chuẩn bị các điều kiện triển khai các cụm công nghiệp tại Thuận Châu, Quỳnh Nhai, thành phố Sơn La để thu hút đầu tư; Quy hoạch các cụm công nghiệp tại các huyện chưa có cụm, khu công nghiệp.
Quan tâm phát triển hạ tầng văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Kiên cố hóa trường lớp học, đầu tư xây dựng số phòng học còn lại thay thế các phòng học tạm, phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp. Bổ sung đủ thiết bị dạy học tối tiểu cho giáo dục mầm non, phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Huy động nguồn lực để triển khai chương trình khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ; tăng nguồn lực đầu tư về khoa học công nghệ; phát triển mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu, phát triển nguồn nhân lực y tế. Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng lưới điện truyền tải để đa dạng các nguồn cấp điện và đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình cấp điện nông thôn; phát triển nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện cho các vùng khó khăn.
Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch; trong đó chú trọng các vùng, khu du lịch trọng điểm (Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, du lịch lòng hồ thủy điện, các điểm du lịch tâm linh, danh lam thắng cảnh, du lịch văn hóa, dân tộc trên địa bàn). Phát triển các sản phẩm du lịch phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch hội nghị, tổ chức các sự kiện, du lịch mạo hiểm. Phát triển hạ tầng giao thông kết nối từ đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện vào các khu du lịch, điểm du lịch, bản du lịch đảm bảo an toàn, thuận tiện cho khách du lịch.
Triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 gắn với hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn.