Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân

Tổng Bí thư khẳng định, phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất lớn, đất nước muốn phát triển thì phải tập trung giải quyết yêu cầu đó để có nguồn lực cho đầu tư phát triển, cùng với yêu cầu phát triển về văn hóa, giáo dục, y tế... Đặc biệt là tiếp tục cải thiện đời sống của nhân dân.

Sáng 5/5, Quốc hội nghe Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đồng thời thảo luận tại Tổ về nội dung này.

Phải hoàn thành chỉ tiêu nhiệm kỳ Đại hội XIII

Phát biểu tại Tổ TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, Quốc hội lần này họp rất nhiều nội dung quan trọng, sắp xếp tổ chức sớm hơn 2 tuần để các đại biểu Quốc hội có điều kiện thảo luận kỹ lưỡng và thời gian cũng không được kéo dài quá tháng 6. Trong đó, có một nội dung rất quan trọng là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, làm sao phải đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, sáng 5/5.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, sáng 5/5.

Tổng Bí thư đánh giá, các cơ quan đã chuẩn bị hết sức chu đáo, chúng ta sẽ sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sẽ xem xét, tính toán bổ sung thêm Cương lĩnh phát triển của đất nước, tầm nhìn dài hơn, bởi tại đại hội sẽ quyết định, định hình phương hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện chúng ta cùng một lúc phải làm rất nhiều việc, đồng thời việc nọ với việc kia, chuẩn bị đại hội đảng các cấp; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhưng vẫn phải đảm bảo các công việc thường xuyên, đảm bảo tăng trưởng kinh tế - xã hội. Chính phủ đã họp đánh giá tình hình 4 tháng và có những chỉ tiêu rất mừng, thu ngân sách, phát triển sản xuất kinh doanh tương đối tốt.

"Chỉ 4 tháng thôi đã gần đạt được 50% kế hoạch cả năm, Hà Nội cũng đóng góp rất tích cực, 271.000 tỷ, hơn 50%, là sự nỗ lực phấn đấu rất lớn trong bối cảnh chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức", Tổng Bí thư biểu dương và khẳng định, phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất lớn, đất nước muốn phát triển thì phải tập trung giải quyết yêu cầu đó để có nguồn lực cho đầu tư phát triển, cùng với yêu cầu phát triển về văn hóa, giáo dục, y tế...

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ TP Hà Nội, sáng 5/5.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ TP Hà Nội, sáng 5/5.

"Tiếp tục cải thiện đời sống của nhân dân. Đất nước phát triển thì người dân phải được thụ hưởng những thành quả đó, tạo tiền đề cho sự phát triển giai đoạn sau rất quan trọng. Nếu năm nay chúng ta không bắt tay vào những việc đó thì sẽ không thể hoàn thành được các chỉ tiêu của nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII này, để sang năm tiến hành đại hội sẽ nhìn nhận lại. Hoàn thành được chỉ tiêu nhiệm kỳ Đại hội XIII là tiền đề rất tốt để chúng ta đặt ra kế hoạch cho Đại hội XIV", Tổng Bí thư lưu ý.

Khẳng định ngày 18/5 (Chủ nhật) tới sẽ triển khai 2 nghị quyết rất quan trọng của Bộ Chính trị là Nghị quyết số 66 về xây dựng thể chế, pháp luật và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư cho rằng, những vấn đề gì được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật của Quốc hội cũng sẽ được xem xét, xử lý ngay.

Sửa quy định liên quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền địa phương 2 cấp

Trước đó, trình bày Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị.

Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương không ngừng đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường sự tham gia của người dân và cộng đồng vào quản trị địa phương; hoạt động của bộ máy hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn và góp phần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày tờ trình tại phiên khai mạc kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày tờ trình tại phiên khai mạc kỳ họp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ, vẫn còn có sự trùng lắp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, trùng lặp về đối tượng vận động tập hợp ở một số tổ chức thành viên của Mặt trận, có lúc, có nơi chưa thực sự sâu sát cơ sở, nắm tình hình nhân dân chưa kịp thời.

"Mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, chưa phát huy được tối đa việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.

Trước bối cảnh nêu trên, Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025 đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào MTTQ Việt Nam.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 2 nhóm nội dung: Các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên đề nghị Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/tap-trung-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cai-thien-doi-song-cua-nhan-dan-i767287/