Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Trùng Khánh tập trung các giải pháp thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, góp phần phát triển toàn diện vùng nông thôn.

Huyện đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, các dự án, tiểu dự án được thực hiện đồng bộ, phù hợp với từng đối tượng, thành phần, từng cấp, ngành; lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong 2 năm 2023 - 2024, với nguồn vốn được phân bổ gần 400 tỷ đồng, huyện đầu tư thực hiện các dự án, tiểu dự án nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với nguồn vốn được đầu tư, huyện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 430 hộ, đầu tư 12 công trình nước sinh hoạt tập trung. Triển khai 4 chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò sinh sản và tiêu thụ bò thương phẩm tại các xã: Quang Trung, Lăng Hiếu, Ngọc Côn, Phong Nặm, Phong Châu, Đàm Thủy với tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách 5,5 tỷ đồng.

Theo đánh giá của huyện, việc đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị bằng những mô hình kinh tế phù hợp là một trong những yếu tố góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Năm 2023, toàn huyện giảm 1.029 hộ nghèo (giảm 5,92%), 123 hộ cận nghèo (giảm 0,73%).

Việc nâng cấp hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được huyện quan tâm đầu tư, theo đó, đầu tư 102 công trình trong tiểu dự án (48 công trình chuyển tiếp, 26 công trình khởi công mới, 28 công trình chuẩn bị đầu tư), trong đó, 1 công trình nước sinh hoạt, 87 công trình đường, 7 công trình mương thủy lợi, 1 công trình chợ xã, 4 công trình trạm y tế xã, 2 nhà văn hóa xóm, sân thể thao. Qua đó, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều đổi mới.

Ngoài ra, huyện dành nguồn vốn tập trung thực hiện phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triến du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức thực hiện đề án tổng thể và chương trình mục tiêu quốc gia...

Hạ tầng cơ sở huyện Trùng Khánh được đầu tư từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.

Hạ tầng cơ sở huyện Trùng Khánh được đầu tư từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.

Đến nay, 100% xã có đủ hệ thống trường học các cấp từ mẫu giáo, tiểu học đến THCS. Hiện tại, 100% xã, thị trấn được đầu tư và duy trì hoạt động hệ thống truyền thanh cơ sở, điểm bưu điện văn hóa xã, tủ sách pháp luật. Đồng bào tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh; duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Tuy đạt kết quả được đáng khích lệ, song nhìn chung vẫn còn những khó khăn, hạn chế mà huyện cần có giải pháp tháo gỡ, như: trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án, một số văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện còn chậm, chung chung, chưa cụ thể dẫn đến việc triển khai tại cơ sở còn nhiều lúng túng nên khó khăn cho việc tổ chức thực hiện. Năng lực chủ đầu tư của một số xã còn hạn chế; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa, nội dung của chương trình; thiếu chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Khoảng cách về KT - XH giữa khu vực đồng bằng và vùng cao còn cao. Tình trạng thiếu đất sản xuất, tạo sinh kế và việc làm ổn định vẫn còn nhiều bất cập; nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc còn cao. Bên cạnh đó, ở một số nơi, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chưa quyết liệt, sâu sát; ý thức tự vươn lên của một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế…

Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Hoàng Văn Hào cho biết: Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện đề ra một số giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và của cả hệ thống chính trị để thực hiện các chương trình, dự án. Tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và phấn đấu vươn lên làm giàu.

Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tap-trung-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-3169468.html