Tập trung phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi

Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 ổ dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Để ngăn chặn bệnh DTHCP tiếp tục bùng phát và lây lan diện rộng, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo người chăn nuôi tập trung áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh và không nên tái đàn ồ ạt.

Người chăn nuôi bị thiệt hại

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, mới đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 ổ DTHCP ở huyện Tân Trụ và Tân Hưng với 48 con heo bị nhiễm bệnh. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra bệnh DTHCP tại 16 hộ thuộc 12 xã của 7 huyện (Tân Hưng, Thạnh Hóa, Bến Lức, Tân Trụ, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Mộc Hóa) với tổng số lượng tiêu hủy 509 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 24.982,6kg.

Ông Trương Công Tài (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) có 2 khu vực chuồng nuôi với tổng đàn 57 con heo. Trong đó, khu vực chuồng nuôi 1 có 46 con heo có sức khỏe bình thường và khu vực chuồng nuôi 2 có 11 con heo bị bệnh.

“Sau khi phát hiện đàn heo ở khu vực chuồng nuôi thứ 2 bị bệnh, tôi đã báo cáo với chính quyền địa phương để tiêu hủy và khoanh vùng dập dịch, bảo vệ đàn heo ở khu vực chuồng nuôi 1. Đến nay, 46 con heo ở khu vực chuồng nuôi 1 vẫn khỏe mạnh và được theo dõi, kiểm tra sức khỏe hàng ngày” - ông Tài cho biết.

Người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại để phòng bệnh cho đàn heo

Người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại để phòng bệnh cho đàn heo

Còn bà Nguyễn Thị Năm (xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng) nuôi tổng đàn 37 con heo, trong đó có 4 con heo nái trọng lượng khoảng 250kg/con và 22 con heo thịt có trọng lượng khoảng 110kg/con. Sau khi phát hiện đàn heo có triệu chứng bỏ ăn, sốt và có 8 con chết, bà báo với cán bộ thú y địa phương để lấy mẫu xét nghiệm.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ, sau khi tiếp nhận thông tin từ bà Năm, Đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh huyện đã kiểm tra và tổ chức lấy mẫu gửi thú y Vùng VI xét nghiệm. Sau khi có kết quả dương tính với bệnh DTHCP, đội tiêu hủy đàn heo; đồng thời, khoanh vùng, dập dịch, không để mầm bệnh phát tán, lây lan ra các vùng lân cận.

Bên cạnh tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh, đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh huyện còn hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng vệ sinh chuồng trại và môi trường chăn nuôi hàng ngày; định kỳ tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng 1 tuần/lần.

Đồng thời, triển khai cho người nuôi heo ký cam kết phòng, chống bệnh DTHCP, thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không giết mổ, bán heo bệnh, chết; không buôn bán, sử dụng heo, sản phẩm thịt heo mắc bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không vứt xác heo ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý, chế biến làm thức ăn cho heo), thực hiện chăn nuôi an toàn, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định, nhất là vắc-xin phòng bệnh DTHCP, lở mồm long móng, tai xanh.

“Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn huyện Tân Hưng xảy ra 5 ổ DTHCP tại các xã: Thạnh Hưng, Hưng Điền, Vĩnh Thạnh và 3 ổ nghi DTHCP tại xã Hưng Thạnh và Hưng Điền B. Theo đó, Đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh huyện đã tiêu hủy 149 con heo” - ông Phan Văn Nỉ thông tin.

Cẩn trọng khi tái đàn, tăng đàn

Thời gian gần đây, giá heo hơi liên tục tăng và đang ở mức từ 7,8-8 triệu đồng/tạ. Do đó, nhiều người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn. Tuy nhiên, phần lớn người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn chăn nuôi với quy mô nhỏ, lẻ, hộ gia đình nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan rất cao. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi cẩn trọng khi tái đàn, tăng đàn. Đặc biệt, khi phát hiện đàn heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh cần thông báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Phun xịt khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi

Phun xịt khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi

Ông Nguyễn Văn Hải (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Giá heo hơi đang ở mức cao nên tôi quyết định tái đàn sau gần 5 tháng “treo chuồng”. Theo dõi thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết DTHCP đang xuất hiện trở lại. Do đó, tôi mua thuốc khử trùng về tổng vệ sinh khu vực chuồng trại chăn nuôi, bổ sung vitamin vào thức ăn cho đàn heo,... Chi phí tuy có tăng nhưng tôi cảm thấy an tâm hơn”.

Ngành Chăn nuôi tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh. Bên cạnh đó, cần thường xuyên khử trùng, quét dọn, vệ sinh chuồng trại. Đặc biệt, khi tái đàn, tăng đàn, cần chọn mua heo giống tại các trại giống uy tín; khi đưa heo giống về phải nuôi tách biệt từ 15-20 ngày trước khi cho vào chuồng nuôi chính thức.

Ngoài ra, người chăn nuôi thường xuyên phun thuốc sát trùng, vệ sinh chuồng trại và che chắn, ngăn không cho chuột, dơi,... xâm nhập vào bên trong khu nuôi để tránh làm lây lan dịch bệnh./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tap-trung-phong-chong-benh-dich-ta-heo-chau-phi-a192704.html