Tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoàn thiện chính sách về đất đai
Sáng 18-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 đã diễn ra hai phiên hội thảo chuyên đề 'Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội' và 'Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững'.
Tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh
Hội thảo chuyên đề 2 về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững” có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự.
Mở đầu phiên thảo luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) Nguyễn Trúc Lê đã trình bày tham luận “Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội - Thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới”. Hội thảo cũng nghe tham luận về chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới” của Chủ tịch Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh và bài trình bày về “Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, thúc đẩy việc làm bền vững trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan.
Thảo luận tại hội thảo, làm rõ vấn đề có hay không việc “chậm”, một số chính sách triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, công tác chỉ đạo của Chính phủ với các bộ, ngành triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 khá kịp thời. Tuy nhiên, các nhóm nhiệm vụ khác nhau có tiến độ khác nhau, có nhóm triển khai được ngay song có một số nhóm cần khá nhiều thời gian để làm công tác chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có 3 nhóm nhiệm vụ. Nhóm 1 là các nhiệm vụ có kinh nghiệm triển khai trong năm 2020-2021 và bước vào 2022 có thể làm ngay, như miễn giảm thuế với cách thực thực hiện mang tính hạch toán nên giải ngân tức thì theo từng tháng. Nhóm 2 là các nhiệm vụ liên quan việc chuẩn bị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý để triển khai, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, trong đó cần thời gian nhất định để ban hành. Nhóm 3 là các nhiệm vụ có tiến độ chậm hơn vì đòi hỏi công tác và thời gian chuẩn bị tương đối dài, khá khó, nguyên nhân một phần là do bối cảnh khách quan về tình hình dịch bệnh.
Thứ trưởng cho biết thêm, qua 8 tháng, giải ngân đạt 56.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 300.000 tỷ đồng. “Nhìn chung, chỉ đạo của Chính phủ để triển khai Chương trình là khá kịp thời, mặc dù còn một số khó khăn, vướng mắc”, ông Phương khẳng định.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, sau 3 tháng triển khai hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ đạt chỉ 1 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 3.966 tỷ đồng.
Cũng theo ông Phạm Thanh Hà, cho vay theo chương trình này không phụ thuộc vào “room tín dụng” nhưng việc triển khai chưa được như kỳ vọng. Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ triển khai tổ công tác liên ngành khảo sát thực tế địa phương để giải đáp thắc mắc; tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp - ngân hàng; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành để chỉnh sửa chính sách, thủ tục cần tháo gỡ khó khăn để khách hàng vay được vốn và gói hỗ trợ này được triển khai nhanh hơn.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam Jonathan Pincus nhận định, tiêu dùng nội địa đóng góp 60% vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), vì vậy, nếu không kích thích được tiêu dùng nội địa sẽ dẫn đến sụt giảm GDP. Thực tế, năm 2021 chi tiêu giảm 21%, dẫn tới suy giảm GDP quý III.
Theo đó, để phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, cùng với những biện pháp về tài khóa, tiền tệ, cần quan tâm đến chi tiêu của người dân. Khi người dân được hưởng lợi sẽ kích thích chi tiêu; từ đó các doanh nghiệp hưởng lợi từ vòng quay mua sắm và tiếp tục tăng cường sản xuất kinh doanh.
“Gói tài khóa đầu tiên Việt Nam cần ưu tiên thực hiện là kích thích chi tiêu; gia tăng chi tiêu thị trường nội địa”, ông Jonathan Pincus nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, từ bài học 2021, ông Jonathan Pincus khuyến cáo Việt Nam cần có cơ chế phòng vệ cho khủng hoảng trong tương lai. Việt Nam có thể xem xét tăng cường các biện pháp hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội cho trẻ em, hỗ trợ đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách xã hội…
Hoàn thiện thể chế về đất đai
Hội thảo chuyên đề 1 về “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” diễn ra với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Hội thảo đã nghe tham luận chủ đề “Nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật - giải pháp quan trọng trong cải cách thể chế” của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; tham luận với chủ đề “Tác động của chính sách đất đai đến thị trường bất động sản và giải quyết bất cập trong đấu giá đất” của Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường (Đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội) và tham luận “Hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với ngữ cảnh mới” của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ.
Thảo luận tại hội thảo, về các nội dung cải cách đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai lần này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, 11 nhóm chính sách lớn của Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đều là các vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng sâu rộng đến nền tảng của nền kinh tế, đời sống của người dân.
Theo Bộ trưởng, có 3 vấn đề ưu tiên trong sửa đổi Luật Đất đai. Trong đó, ưu tiên thứ nhất là công tác quy hoạch. Cụ thể, công tác quy hoạch phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức và xác định lại vị thế để quy hoạch mang được quyền hạn, trách nhiệm của nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực tài nguyên hết sức quý giá, đặc biệt và quan trọng là đất đai. Ưu tiên thứ hai là giải quyết được vấn đề định giá đất đai một cách công khai, minh bạch, bình đẳng. Nội dung thứ ba là chuyển đổi số ở lĩnh vực đất đai càng sớm càng tốt thì sẽ thực hiện được quyền của nhà nước thay mặt nhân dân để giám sát nguồn lực này một cách tốt nhất.
Phát biểu thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ là “kim chỉ nam” định hướng ban hành các văn bản pháp luật trong thời gian tới. Trong đó, có 3 vấn đề về tài chính đất đai liên quan cần quan tâm. Về chênh lệch địa tô, việc quản lý mục đích sử dụng đất phải chặt chẽ, nếu không sử dụng với mục đích sản xuất kinh doanh, không còn nhu cầu sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi lại để bán đấu giá một cách hiệu quả hơn, tạo động, nguồn lực để phát triển.
“Ví dụ, ở một số doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa, có tình trạng doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang thương mại hoặc đất ở, làm thất thoát ngân sách nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn, vì chỉ cần một quyết định hành chính có thể làm mất đi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Do vậy, cần có cơ chế bịt lỗ hổng này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Bộ trưởng cũng cho rằng, sắp tới chúng ta phải rà soát lại các phương pháp xác định giá đất để tìm ra phương pháp xác định một cách phù hợp nhất, chính xác, nhất quán. Bên cạnh đó, phải xác định giá đất trước thời điểm xác định giá đất không quá 6 tháng mới bảo đảm độ chính xác và khi nộp tiền vào ngân sách mới tiến hành giao đất.
Thảo luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chính sách về đất đai rất quan trọng, có tác động to lớn tới Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang được Bộ chủ trì xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thực hiện trên diện rộng, trong khi đó, nếu chỉ dành 20% quỹ đất đô thị loại III thì sẽ hạn chế nguồn đất để phát triển nhà ở xã hội, nhất là những khu vực không phải đô thị loại III, đặc biệt là những khu vực khu công nghiệp, có nhiều lực lượng lao động. Cho nên trong dự thảo Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đề xuất việc dành quỹ đất giao cho UBND các tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch xây dựng phải dành lượng đất phù hợp để đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới.
Liên quan đến chính sách đất đai, Giám đốc quốc gia Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries nhận định việc quản lý tài chính đất đai được triển khai hiệu quả. Tuy nhiên đây là vấn đề phức tạp trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đang phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Cùng với đó, giá trị của đất khó có thể xác định trong môi trường triển năng động, việc thu hồi đất hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tái định cư là những vấn đề quan trọng đòi hỏi cần có giải pháp cụ thể. Theo Giám đốc ADB, Chính phủ cần xem xét bỏ những hạn chế liên quan đến đất nông nghiệp, đất trồng lúa; tính toán thuế đối với đất; thất thoát nguồn thu từ đất; hệ thống thông tin về đất đai, tiếp cận thông tin minh bạch.