Tập trung phục hồi và phát triển kinh tế gắn với kiểm soát dịch

Do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, việc thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa 17 về 'Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025' đã gặp không ít khó khăn, cần những giải pháp kịp thời, hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo.

Sản xuất máy lọc nước tại Công ty CP Tập đoàn Sunhouse.

Sản xuất máy lọc nước tại Công ty CP Tập đoàn Sunhouse.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, từ đầu năm 2021, thành phố đã quyết liệt thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I và quý II tăng khá. Tuy nhiên, do quý III bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội hai tháng, cho nên GRDP giảm sâu, kéo theo GRDP năm 2021 tăng thấp. GRDP chín tháng năm 2021 chỉ tăng 1,28%, quý IV dự kiến tăng từ 5% đến 7,37% và cả năm 2021 tăng khoảng từ 2,35% đến 3%, thấp hơn mục tiêu kế hoạch đã đề ra là 7,5%. Nhiều chỉ tiêu khác cũng đạt thấp như GRDP bình quân đầu người khoảng từ 128 triệu đến 130 triệu đồng (kế hoạch là 135 triệu đồng); vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến giảm 0,52%; kim ngạch xuất khẩu dự kiến giảm 1,2% so với năm 2020.

Trước những khó khăn của dịch Covid-19, thành phố đã tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thành phố đã tổ chức đối thoại, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp và đốc thúc tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố về miễn, giảm, gia hạn nộp các loại thuế, phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ vốn vay ưu đãi… Năm 2021, thành phố dự kiến gia hạn, miễn, giảm khoảng 200 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, người nộp thuế phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 241.896 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán Trung ương giao và đạt 96,2% dự toán HĐND thành phố giao, bằng 84,1% so với thực hiện năm 2020. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 85.600 tỷ đồng, đạt 78,8% dự toán HĐND thành phố giao.

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế của thành phố giảm so với cùng kỳ năm trước, tác động đến tốc độ tăng trưởng so với kịch bản cơ sở đưa ra đầu năm. Vì vậy, trong thời gian còn lại của năm 2021, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU đặt mục tiêu sớm hoàn thiện dự thảo Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; xây dựng, đề xuất ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô để nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU cũng tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19; tăng tốc trong thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách; đẩy mạnh công tác xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chu Ngọc Anh nhận định, việc phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trông đợi vào kết quả thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU. Tầm quan trọng của Chương trình này được phản ánh qua tính chất chương trình, khối lượng công việc lớn ngay từ đầu nhiệm kỳ. Khác với các khóa trước, Chương trình số 02-CTr/TU khóa này có nhiều việc mới, vấn đề khó khăn, phức tạp, kéo dài chưa được tháo gỡ. Điều này đặt ra yêu cầu phải phối hợp, đồng bộ hóa với các chương trình công tác toàn khóa khác của Thành ủy Hà Nội và giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo chương trình chặt chẽ hơn.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu tất cả các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện các công việc được giao theo trách nhiệm được phân công; làm rõ thêm giải pháp thực hiện từ nay đến cuối năm và nhiệm vụ thực hiện chương trình năm 2022 theo từng ngành, lĩnh vực. Trong đó, phải làm rõ thực trạng, mức độ thực hiện 40 nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình. “Cần phân tích, làm rõ những kết quả, tồn tại và hạn chế trong năm đầu tiên thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa 17, nhất là những ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh cũng như những “điểm sáng” về thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân… Đây sẽ là cơ sở để thành phố triển khai thực hiện chương trình tốt hơn, hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo”. Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh ■

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/tap-trung-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-gan-voi-kiem-soat-dich-675037/