Tập trung phục hồi và tăng trưởng dư nợ tín dụng
Năm 2021, do tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Sa Pa (Agribank Chi nhánh Sa Pa) phải đối mặt với nhiều khó khăn, có thời điểm tăng trưởng tín dụng bị âm.
Agribank Chi nhánh Sa Pa:
Bà Trần Thị Thanh Phương, Giám đốc Agribank Chi nhánh Sa Pa cho biết: Do Sa Pa là khu du lịch trọng điểm quốc gia, nên nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng) rất cao. Cho vay hộ kinh doanh chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu cho vay của Agribank Chi nhánh Sa Pa. Tuy nhiên, gần 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, lĩnh vực du lịch, dịch vụ của Sa Pa bị ảnh hưởng trực tiếp, không có khách du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đóng cửa kéo dài, người kinh doanh bị thiệt hại nặng nề, thậm chí có những doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải bán tài sản để trả nợ ngân hàng. Khách hàng khó khăn bao nhiêu, Agribank Chi nhánh Sa Pa càng lao đao bấy nhiêu, thậm chí 5 tháng đầu năm 2021, tín dụng của chi nhánh không tăng trưởng. “Không có cách nào khác, cán bộ, nhân viên của Agribank Sa Pa phải xác định rõ trách nhiệm, vừa chia sẻ khó khăn với khách hàng, vừa chủ động khai thác phân khúc khách hàng nhỏ, như khách hàng vay vốn đầu tư sửa chữa nhà ở, mua đất, phương tiện đi lại… để có được tăng trưởng dư nợ”, bà Phương chia sẻ.
Cùng với đó, Agribank Chi nhánh Sa Pa đã mở rộng địa bàn hoạt động tín dụng, tìm kiếm khách hàng ở thành phố Lào Cai và một số địa phương nhưng đang có dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Sa Pa. Cán bộ tín dụng của Agribank Chi nhánh Sa Pa như “con thoi” xuôi ngược từ Sa Pa ra thành phố Lào Cai và ngược lại để tiếp cận, tư vấn cho khách hàng. Những nỗ lực ấy đã đem lại thành quả, khi có nhóm khách hàng ở thành phố Lào Cai vay 40 tỷ đồng đầu tư vào dự án tại Sa Pa, ngoài ra còn có 4 - 5 khách hàng vay vài tỷ đồng/khách hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Đến tháng 7/2021, dư nợ của Agribank Chi nhánh Sa Pa đã tăng trưởng, đến hết tháng 10, chi nhánh đã chính thức hoàn thành chỉ tiêu về nguồn vốn huy động và tăng trưởng dư nợ mà Agribank Chi nhánh Lào Cai II giao. Cụ thể, nguồn vốn huy động tăng 18% so với đầu năm, dư nợ cho vay tăng 7% sau khi đề nghị điều chỉnh tăng. Trong đó, cho vay hộ kinh doanh đạt 490 tỷ đồng, tăng 68 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 155 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020; cho vay hộ sản xuất nông - lâm nghiệp đạt 533 tỷ đồng, tăng 114 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 202 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020; tổng khách hàng có dư nợ là 1.884, tăng 150 khách hàng so với cùng kỳ năm 2020.
Theo bà Trần Thị Thanh Phương, kết quả này vượt sự mong đợi của Agribank Chi nhánh Sa Pa, bởi không chỉ những khó khăn do đại dịch Covid -19, mà thu nhập của cán bộ, nhân viên chi nhánh sụt giảm nghiêm trọng do yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, như cơ cấu nợ, giảm lãi suất đã tác động đến tâm lý của người lao động.
Đánh giá về những kết quả đạt được của Agribank Chi nhánh Sa Pa, ông Nguyễn Ngọc Thuận, Giám đốc Agribank Chi nhánh Lào Cai II cho rằng, so với các chi nhánh khác, thì chi nhánh Sa Pa có dư nợ lớn nhất (1.554/5.890 tỷ đồng), chỉ sau hội sở. Do đó, khi Agribank Chi nhánh Sa Pa gặp khó khăn sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của Agribank Chi nhánh Lào Cai II. Mặc dù trải qua 4 “làn sóng” Covid-19, kéo dài gần 2 năm, là địa bàn chịu tác động lớn nhất của dịch bệnh, nhưng Agribank Chi nhánh Sa Pa vẫn duy trì được tăng trưởng dư nợ, mặc dù có thời điểm bị âm. Điều đó thể hiện sự nỗ lực thích ứng trong kinh doanh của Agribank Chi nhánh Sa Pa trước đại dịch Covid-19.