Tập trung tạo việc làm, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khi trả lời các vấn đề liên quan đến công tác lãnh đạo, quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Tiến độ các dự án điện
Về tiến độ thực hiện các dự án điện, đồng chí Võ Văn Chiêu – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh có dự án điện lớn là nhiệt điện và điện gió.
Đối với Dự án Trung tâm nhiệt điện Long Phú theo quy hoạch có 3 nhà máy với quy mô công suất 4.320MW, tổng vốn đầu tư 157.501 tỉ đồng, theo quy hoạch sẽ đưa vào vận hành nhà máy Long Phú 1 vào năm 2018 - 2019, nhà máy Long Phú 2 và Long Phú 3 vào năm 2021 - 2022.
Hiện tại, Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 chỉ mới triển khai thi công đạt trên 78% khối lượng và gặp phải một số khó khăn, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ tìm giải pháp giải quyết.
Nhà máy Long Phú 2 do tập đoàn của Ấn Độ làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, do không đàm phán được giá điện và chuyển đổi ngoại tệ nên tập đoàn này xin không thực hiện dự án. Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao Bộ Công thương có phương án thu hút các nhà đầu tư, tỉnh cũng có văn bản đề xuất sớm xem xét lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Chủ đầu tư Nhà máy Long Phú 3 cũng gặp khó khăn về vốn nên xin không thực hiện dự án. Thủ tướng Chính phủ đã giao Công ty Banpu Power Pulic Limited làm chủ đầu tư, hiện công ty đang làm thủ tục xin chủ trương đầu tư.
Đối với điện gió, theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 22 vị trí điện gió với quy mô công suất là 1.470MW. Đến nay được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch 20 dự án, với tổng quy mô công suất 1.435MW và được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng công suất 695,2MW. Còn lại 6 dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định hồ sơ xin chủ trương đầu tư.
Định hướng phòng, chống hạn, mặn, sạt lở
Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Quyết định số 957 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, ven biển, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục điều tra, đánh giá, cập nhật dữ liệu về sạt lở, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo để giảm thiểu tác động. Phấn đấu đến năm 2023 dân cư khu vực ven sông, ven biển ở các vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở. Chủ động sắp xếp lại dân cư và đến năm 2025 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Đối với phòng chống hạn, mặn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND tỉnh về phương án vận hành các công trình thủy lợi, tăng cường nạo vét các tuyến kênh nội đồng, khai thông dòng chảy trước mùa khô hạn. Tận dụng và mở rộng hệ thống kênh, rạch hiện có để tích trữ nguồn nước ngọt khi có điều kiện thuận lợi đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để có biện pháp duy tu, sửa chữa công trình bị hư hỏng, xuống cấp; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng chống hạn, mặn đang xây dựng để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt. Cơ cấu mùa vụ, thời gian xuống giống thích hợp ở từng vùng, từng loại giống.
Nâng cao đời sống nhân dân là mục tiêu quan trọng
Đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết, đồng chí Trần Văn Lâu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong năm 2020 nền kinh tế chịu tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn gay gắt, thiệt hại sau dịch tả heo châu Phi và ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh kiên quyết hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; tổ chức quản lý, điều hành thực hiện mục tiêu "Vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội". Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên việc thực hiện các chỉ tiêu tiếp tục đạt những kết quả tích cực, với 4 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt và 1 chỉ tiêu cơ bản đạt theo nghị quyết.
Trong năm 2021, UBND sẽ tập trung thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch, vừa tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Chủ động phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Tập trung thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm. Tăng cường các hoạt động kích cầu, xúc tiến thương mại, công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thu ngân sách; thực hành tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ, tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, gói hỗ trợ, ưu đãi về tín dụng. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: “Mục tiêu xuyên suốt của UBND tỉnh là tập trung phát triển tỉnh theo hướng công nghiệp để tạo việc làm, hạn chế người dân bỏ đi làm ăn xa, nâng cao đời sống, ổn định xã hội, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho mọi người. Để thực hiện được điều này, các cấp, các ngành, mỗi người hãy là “họa sĩ” để phác họa bức tranh kinh tế của tỉnh ngày càng thành công, tốt đẹp hơn”.