Tập trung thu hút, trọng dụng nhân tài và xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc

Tham gia ý kiến trong phiên thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội ngày 1/11 về các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) góp ý nhóm giải pháp để phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Lê Thanh Vân đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại biểu Lê Thanh Vân đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận.

Tâm đắc và tán thành với nhiều giải pháp trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Lê Thanh Vân quan tâm, đóng góp ý kiến đối với 5 nhóm nhân tố có tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng bền vững.

Thứ nhất là về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung thu hút, trọng dụng nhân tài và xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc. Đánh giá cao Chính phủ đang chuẩn bị xây dựng dự thảo về thu hút, trọng dụng nhân tài, mong sớm có đạo luật để có quy tắc chung cho toàn xã hội trong vấn đề này.

Về doanh nhân dân tộc, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết vừa qua Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 41, đề nghị Quốc hội thể hiện tinh thần Nghị quyết này trong Nghị quyết Kỳ họp và đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

“Trong đó, các cơ quan của nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên đối thoại với doanh nhân, hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp, đặc biệt là bảo vệ tài sản hợp pháp của doanh nghiệp, bổ sung các chế tài kinh tế xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu ý kiến.

Thứ hai là về cải cách thể chế, theo đại biểu Lê Thanh Vân, cần coi thể chế thể chế như một nguồn lực, đề nghị cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế, coi đây là một điểm đột phá quan trọng; cần đặc biệt quan tâm 3 nhóm thể chế về kinh tế: xác lập bình đẳng trong phân phối nguồn lực xã hội, không kể công và tư; bảo vệ chế độ hợp đồng, bảo vệ tài sản; giải quyết tốt quan hệ Nhà nước - thị trường.

“Việc các ngành, địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy cái áo thể chế của chúng ta đã quá chật hẹp, nên cần phải rà soát đồng bộ để may cái áo mới cho thích hợp, thay vì vá víu và thay từng cúc áo”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Thứ ba là vấn đề tiếp cận và làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, cần đặc biệt tập trung 3 ngành công nghệ mũi nhọn là: khoa học về dữ liệu (trong đó có công nghệ số, áp dụng trí tuệ nhân tạo cho tất cả các quá trình từ vận hành bộ máy hành chính đến ứng dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh); công nghệ sinh học (tập trung vào sinh học phân tử, tế bào gốc, chế biến thực phẩm); công nghệ môi trường (phục vụ cho xử lý rác thải và kiểm soát môi trường).

Thứ tư là sử dụng đồng vốn có hiệu quả. “Vừa rồi tại Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư có khen Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, với bài học kinh nghiệm là dồn sức tập trung vốn cho các công trình trọng điểm”, dẫn lại điều này, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần phát huy bài học này trong xử lý kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng giảm chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển. Có thể dùng toàn bộ số tăng thu của các năm liên tiếp để tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng; sau khi kết thúc các chương trình mục tiêu quốc gia thì không nên tiếp tục nữa, mà dành toàn bộ nguồn cho đầu tư phát triển.

Thứ năm là về chấn hưng văn hóa và đạo đức dân tộc. Đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm đồng tình với khái niệm văn hóa mà Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đưa ra, văn hóa là những giá trị tinh hoa nhất trong ngôn ngữ, trong nghệ thuật, trong tôn giáo, đặc biệt là ứng xử.

Theo đại biểu, để chấn hưng văn hóa, đạo đức, có 3 nhóm người cần trách nhiệm tiên phong đi đầu, gồm: giới lãnh đạo và quản lý (trách nhiệm dẫn dắt); thầy cô giáo trong nhà trường; cha mẹ trong gia đình. “Nếu 3 nhóm người này dẫn đầu về văn hóa, đạo đức thì tôi tin rằng thế hệ thanh niên của chúng ta sẽ có ứng xử với đạo đức, văn hóa tốt hơn”, đại biểu Lê Thanh Vân tin tưởng./.

T. Bình (lược ghi)

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tap-trung-thu-hut-trong-dung-nhan-tai-va-xay-dung-phat-trien-doi-ngu-doanh-nhan-dan-toc-a29882.html