Tập trung thúc đẩy giải ngân vốn Nhà nước xây cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Ngày 15/8, tại Cao Bằng, Ban chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) tổ chức họp đánh giá kết quả thực hiện và bàn giải pháp đẩy mạnh triển khai các công việc trọng tâm trong thời gian tới.

Quang cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Quang cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) do ông Trần Hồng Minh - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì.

Tham dự buổi họp có ông Triệu Đình Lê - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên tổ giúp việc Ban Chỉ đạo và các đơn vị liên quan.

Theo báo cáo của Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Dự án, liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, được sự triển khai tích cực của lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, sự ủng hộ đồng thuận bàn giao mặt bằng của người dân địa phương, trên địa phận tỉnh Cao Bằng hiện đạt 35,36/41,55 km giải phóng mặt bằng tương đương 85%, đáp ứng tiến độ tổ chức thi công.

Đối với phạm vi tại tỉnh Lạng Sơn, khối lượng công địa đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng đạt 11,95/51,8 km tương đương 23%, nhà đầu tư cùng nhà thầu đã ứng trước tiền để người dân bàn giao một phần mặt bằng thi công trong khi chờ hoàn thiện thủ tục.

Hiện nay, nhu cầu vật liệu đất đắp toàn dự án đang thiếu khoảng 1,9 triệu m3. Bên cạnh việc đề xuất bổ sung 4 mỏ đất mới (đã được chất thuận 2/4), doanh nghiệp dự án đề xuất thực hiện phương án hạ cốt san nền các khu vực quanh dự án. doanh nghiệp dự án tiếp tục phối hợp với các bên liên quan thực hiện các thủ tục với tỉnh để hoàn thành việc cấp phép khai thác để khai thác các mỏ đất theo cơ chế đặc thù.

Đối với công tác khảo sát hiện trường và làm phòng thí nghiệm, các nhà thầu thi công đã hoàn thành 100%, công tác khảo sát địa hình, địa chất, thiết kế kỹ thuật phần tuyến (bao gồm cầu) được 90,5 km/93,35 km (đạt 97%). Dự kiến trong tháng 10/2024 hoàn thành 100% phê duyệt thiết kế kỹ thuật.

Đến thời điểm này, trên công trường, các đơn vị thi công đã huy động 623 nhân sự, 248 máy móc thiết bị, triển khai 22 mũi thi công đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công theo các phân đoạn mặt bằng đã bàn giao.

Về công tác thu xếp, giải ngân vốn, hiện nay phần vốn ngân sách Nhà nước mới chỉ được giải ngân 64,3/2.449 tỷ đồng, đạt 2,6% vốn bố trí năm 2024. Công tác hoàn thiện thủ tục giải ngân vốn của Kho bạc nhà nước tỉnh Cao Bằng còn chậm trễ.

Về vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã giải ngân 63 tỷ đồng cho dự án, bao gồm 34 tỷ đồng ứng cho giải phóng mặt bằng và 26,1 tỷ đồng ứng cho tư vấn thi công, đáp ứng tiến độ theo kế hoạch. Đối với phần vốn huy động từ ngân hàng, VP Bank thông báo cấp tín dụng với hạn mức 2.300 tỷ đồng, doanh nghiệp dự án đang tiếp tục thương thảo hợp đồng và điều kiện giải ngân.

Đại diện doanh nghiệp dự án đề xuất UBND tỉnh Cao Bằng báo cáo Chính phủ điều chuyển 150ha chỉ tiêu đất giao thông cho tỉnh Lạng Sơn để đảm bảo đủ chỉ tiêu sử dụng đất cho dự án trong quý IV/2024.

Đồng thời, doanh nghiệp dự án kiến nghị tỉnh Cao Bằng hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 9/2024, tỉnh Lạng Sơn đạt 70% trong tháng 9 và hoàn thành 100% trong năm 2024. Ngoài ra, doanh nghiệp dự án đề xuất UBND tỉnh Cao Bằng cấp phép mỏ vật liệu cho dự án và thống nhất cải tạo, tận dụng đất dôi dư dành riêng cho dự án trong tháng 8/2024.

Về bãi thải, doanh nghiệp dự án kiến nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trưởng bổ sung các bãi thải phát sinh trong quá trình thi công, đồng thời, giao các địa phương chủ trì công tác giải phóng mặt bằng bãi thải bàn giao cho dự án trong quý IV/2024.

Về nguồn vốn thực hiện, kiến nghị Ban chỉ đạo chỉ đạo Ban quản lý dự án tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh Cao Bằng đẩy nhanh thanh toán khối lượng hoàn thành theo hợp đồng BOT để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng tiến độ thực hiện và kế hoạch ngân sách dự án.

Với tư cách là nhà đầu tư Dự án, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất Ban chỉ đạo tổ chức đánh giá hoạt động của các thành viên Ban chỉ đạo, công tác phối hợp giữa doanh nghiệp dự án và Công an tỉnh, qua đó đúc kết kinh nghiệm từ các vụ việc vi phạm liên quan đến các dự án đầu tư công đã xảy ra trong thời gian qua tại các tỉnh để hướng dẫn, có biện pháp phòng ngừa.

Theo ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là công trình được người dân và các cấp chính quyền địa phương mong mỏi nhiều năm nhưng quá trình triển khai chắc chắn gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng một lần nữa quán triệt tất cả các sở, ngành, các đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt triển khai công việc đem lại những kết quả cụ thể, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, tích cực khảo sát thực tế hiện trường dự án để kịp thời nắm bắt các vấn đề, đặc biệt phải đề cao trách nhiệm, nói không với đùn đẩy, né tránh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Kho bạc Nhà nước tỉnh Cao Bằng nâng cao tinh thần phối hợp, chủ động với với Ban Quản lý dự án và nhà đầu tư, đồng thời, chỉ đạo Kho bạc tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thủ tục để giải ngân vốn cho nhà đầu tư theo hợp đồng dự án.

“Mô hình huy động vốn PPP++ là sản phẩm sáng tạo của Tập đoàn Đèo Cả, trong đó vốn huy động có sự tham gia của nguồn lợi nhuận thi công và đa dạng các nguồn… rất thực tế và phù hợp với dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh”, ông Hoàng Xuân Ánh đánh giá, đồng thời biểu dương nhà đầu tư đứng đầu liên danh luôn bám sát, phối hợp kịp thời với các bên liên quan để giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy thực hiện dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh giao đầu mối Tổ giúp việc phối hợp các Bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Người đứng đầu UBND 2 huyện Thạch An và Quảng Hòa phải khẩn trương phê duyệt phương án dự toán đền bù giải phóng mặt bằng để tổ chức chi trả cho người dân, phấn đấu bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp dự án thi công như doanh nghiệp dự án đã đề xuất để thi công.

Đối với đề xuất của doanh nghiệp dự án về phương án hạ cốt san nền để có nguồn đất đắp, từ đó giảm cự ly vận chuyển và tiết giảm tổng mức đầu tư dự án, Bí thư Trần Hồng Minh thống nhất chủ trương và giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn doanh nghiệp dự án, nhà thầu thực hiện trong tháng 8/2024, trường hợp vướng mắc báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến trước ngày 23/8.

Bên cạnh đó, Bí thư Trần Hồng Minh yêu cầu các cơ quan phối hợp với đơn vị thiết kế trong hoàn thiện các thủ tục tư vấn, kịp tiến độ phê duyệt thiết kế kỹ thuật trong tháng 10/2024.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát lại diện tích rừng đối với các đoạn điều chỉnh hướng tuyến, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện tái định cư tập trung, tái định cư phân tán trên cơ sở đảm bảo nguyện vọng, quyền lợi của người dân.

Về vấn đề giải ngân vốn, Bí thư chỉ đạo Kho bạc Nhà nước phối hợp với Ban quản lý dự án tỉnh tập trung hoàn thiện các thủ tục để giải ngân vốn cho dự án theo hợp đồng.

“doanh nghiệp dự án cần sớm tập trung thi công đối với diện tích đã được bàn giao mặt bằng; khẩn trương hoàn thiện và ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự với công an tỉnh Lạng Sơn, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cấp ủy, địa phương và người dân, chủ động xử lý các tồn đọng, báo cáo cơ quan cấp trên khi có vướng mắc, bất cập để kịp thời xử lý”, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ đạo.

Minh Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tap-trung-thuc-day-giai-ngan-von-nha-nuoc-xay-cao-toc-dong-dang---tra-linh-d222594.html