Tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc
Năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đảm bảo kịp thời và đúng quy định, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt, có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc; chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất phương án thực hiện các nhiệm vụ được giao; công tác dân tộc được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Triển khai thực hiện kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Trong đó, trọng tâm là tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành và UBND các huyện, Thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) nguồn vốn kế hoạch năm 2022, năm 2023 chuyển sang thực hiện năm 2024 và kế hoạch năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh; đồng thời, sự quan tâm phối hợp thực hiện của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, Thành phố. Kịp thời ban hành các văn bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Đến ngày 15/11/2024, thực hiện giải ngân 829 tỷ 514 triệu đồng/2.240 tỷ 116 triệu đồng, đạt 37% kế hoạch.
Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Tiểu dự án 4 Dự án 5, Ban Dân tộc tỉnh mở 7 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về công tác dân tộc cho nhóm đối tượng 3, 4 với 436 đại biểu tham dự là lãnh đạo các phòng, ban, ngành cấp huyện, cán bộ, công chức cấp xã, bí thư, trưởng xóm. Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các cấp triển khai thực hiện chương trình 144 lớp/8.318 lượt người tham gia với nhiều nội dung phù hợp với khung đào tạo và nhu cầu thực tế của đối tượng. Tổ chức 4 đoàn công tác (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo huyện, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ Ban quản lý cấp xã) đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ngoài tỉnh.
Thực hiện Tiểu dự án 2 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN, tổ chức 10 hội thi “Rung chuông vàng” tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các trường phổ thông dân tộc bán trú THCS và các trường THCS tại các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm; phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức 2 phiên tòa giả định tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Nguyên Bình; triển khai các nội dung chuẩn bị lắp đặt 25 baner tại các trường học, 26 panô tuyên truyền pháp luật về hôn nhân, dân số và gia đình tại các huyện. In 2.100 tờ rơi tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng thực hiện sản xuất, biên tập, đăng tải phát sóng thông điệp truyền thông về hôn nhân, gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên Đài Phát thành và Truyền hình Cao Bằng. Qua đó, đồng bào DTTS được nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS. Từ đầu năm đến nay, phát sinh 72 trường hợp tảo hôn xảy ra tại các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hạ Lang, Hòa An, giảm 56 cặp so với cùng kỳ năm 2023.
Tổ chức triển khai 16 hội nghị tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh với 1.316 lượt đại biểu tham gia. Phối hợp với Báo Cao Bằng phát hành 1 chuyên trang về công tác dân tộc; tuyên truyền 20 chuyên mục trên báo in thường kỳ và 5 chuyên mục trên Tờ tin ảnh vùng cao; tuyên truyền trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng 50 chuyên mục phát thanh, 50 chuyên mục truyền hình. Phối hợp với Báo Dân tộc và Phát triển (cả báo in và báo điện tử) xây dựng và đăng tải 50 bài, 74 tin, 164 ảnh tuyên truyền, 4 bản tin truyền hình tổng hợp; phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện tuyên truyền 12 bài/phóng sự trên sóng phát thanh VOV1, VOV2, VOV4, tuyên truyền 6 bài/phóng sự trên báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV năm 2024. Nhân dịp này, 8 tập thể, 24 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 1 tập thể, 5 cá nhân được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc đang còn hiệu lực như: chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định 12/2018/QĐ-TTg; Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển KT - XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025”; Quyết định số 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025”.
Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho đồng bào DTTS&MN được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, có trọng tâm, không bị thất thoát... các dự án, chương trình khác được lồng ghép hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội như: nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các chính sách dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo.
Công tác dân tộc năm 2024 có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành; được quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia triển khai thực hiện ở cơ sở; hệ thống các chính sách về công tác dân tộc được Trung ương, tỉnh và các địa phương ban hành khá đầy đủ và được triển khai thực hiện khá toàn diện; các văn bản, thông tư hướng dẫn được ban hành tương đối kịp thời; thực hiện lồng ghép hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn… giúp người dân từng bước thay đổi, cải thiện đời sống, giảm nghèo, góp phần phát triển KT - XH, ổn định an ninh, chính trị ở địa phương.
Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giai đoạn I của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, năm 2025 (năm kết thúc giai đoạn I), Ban Dân tộc tỉnh đề ra một số giải pháp, nhiệm vụ cần thực hiện như: tham mưu thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các dự án, tiểu dự án đúng theo tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình mang tính đột phá của địa phương nhằm giải quyết cơ bản những khó khăn tại các huyện nghèo; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nghiên cứu xây dựng các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề nghiệp gắn với phát triển KT - XH của tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đào tạo nghề, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách về dân tộc.