Tập trung thực hiện thắng lợi nghị quyết về công tác hậu cần trong tình hình mới

Từ kết quả và kinh nghiệm rút ra qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29-10-2012 của Quân ủy Trung ương (QUTƯ) về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, ngày 20-12-2022, QUTƯ đã ban hành Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW lãnh đạo công tác hậu cần Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch số 1218/KH-BQP để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện nghị quyết. Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (TCHC) trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về một số nội dung liên quan đến kế hoạch thực hiện nghị quyết mới này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Kế hoạch 1218 của Bộ Quốc phòng xác định những nội dung trọng tâm nào?

Trung tướng Trần Duy Giang: Kế hoạch 1218 xác định một số nội dung trọng tâm về công tác hậu cần gồm: Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ với xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu". Tập trung xây dựng lực lượng hậu cần theo hướng tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu từ năm 2030 thực hiện mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác hậu cần và phương thức bảo đảm vật chất hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, thường xuyên và đột xuất; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số, cải cách hành chính; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, xây dựng ngành; mở rộng hợp tác quốc tế về công tác hậu cần, nhất là lĩnh vực quân y, xăng dầu, vận tải và các lĩnh vực phù hợp...

 Trung tướng Trần Duy Giang.

Trung tướng Trần Duy Giang.

PV: Đồng chí có thể làm rõ hơn nội dung tập trung xây dựng lực lượng hậu cần theo hướng tinh, gọn, mạnh?

Trung tướng Trần Duy Giang: Đây là nội dung quan trọng của kế hoạch. Vì vậy, TCHC và ngành hậu cần Quân đội tiếp tục triển khai thực hiện điều chỉnh tổ chức biên chế lực lượng hậu cần các cấp theo nghị quyết, kế hoạch của QUTƯ, Bộ Quốc phòng với số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, đồng bộ từ cấp chiến lược đến cơ sở. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần; thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ hậu cần các cấp. Đồng thời xây dựng lực lượng dự bị động viên chuyên ngành hậu cần bảo đảm chỉ tiêu và chất lượng; bố trí sắp xếp đúng chuyên nghiệp quân sự; duy trì thực hiện huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên quân nhân và phương tiện kỹ thuật dự bị hậu cần theo quy định...

PV: Nội dung đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ và đột xuất theo tinh thần Nghị quyết 1658 có điểm gì cần chú ý, thưa đồng chí?

Trung tướng Trần Duy Giang: Trước hết, ngành hậu cần sẽ điều chỉnh và từng bước bảo đảm đủ ngân sách để dự trữ đồng bộ vật chất, trang bị hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ, động viên, đột xuất theo quy định. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng và hoạt động hậu cần khu vực phòng thủ; chú trọng đầu tư xây dựng các công trình cần thiết trong căn cứ hậu cần-kỹ thuật khu vực phòng thủ tỉnh, quân khu gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên từng hướng, địa bàn, tạo thế liên hoàn, vững chắc. Ngoài ra, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng trong lĩnh vực hậu cần; chủ động tham mưu, đề xuất, nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận bảo đảm hậu cần cho các hình thái chiến tranh, loại hình, hình thức tác chiến phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị và môi trường tác chiến của các lực lượng; bảo đảm tốt hậu cần cho ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống.

 Khu tăng gia sản xuất tập trung của Cục Hậu cần (Tổng cục Hậu cần) bảo đảm tốt nguồn rau xanh, thực phẩm phục vụ bếp ăn khối cơ quan. Ảnh: THANH HIỀN

Khu tăng gia sản xuất tập trung của Cục Hậu cần (Tổng cục Hậu cần) bảo đảm tốt nguồn rau xanh, thực phẩm phục vụ bếp ăn khối cơ quan. Ảnh: THANH HIỀN

PV: Đối với công tác hậu cần thường xuyên thì sao, thưa đồng chí?

Trung tướng Trần Duy Giang: Về công tác hậu cần thường xuyên, kế hoạch xác định nhiều nội dung, trọng tâm là: Nghiên cứu, đề xuất tiêu chuẩn định lượng khẩu phần ăn cho các đối tượng đặc thù phù hợp với hoạt động quân sự; đổi mới, đồng bộ trang bị quân nhu hiện đại, bảo đảm gọn, nhẹ, đáp ứng yêu cầu cơ động cao. Đặc biệt, năm 2024, thực hiện bảo đảm đồng bộ lễ phục mới của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong toàn quân; tiếp tục triển khai hiệu quả đề án của ngành quân nhu.

Nghiên cứu bổ sung và phát triển lý luận về hệ thống tổ chức quân y, phương thức bảo đảm quân y trong điều kiện mới, tác chiến công nghệ cao. Tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống đột tử, tử vong nhanh do bệnh lý... Hoàn thành chương trình nâng cao năng lực hệ thống y học dự phòng Quân đội, sẵn sàng phòng, chống chiến tranh sinh học và các vấn đề an ninh phi truyền thống; thực hiện tốt kết hợp quân dân y trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân...

Công tác doanh trại tập trung bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn điện, nước, doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt cho các đối tượng; bảo đảm 100% cơ sở doanh trại được đầu tư xây dựng có trong kế hoạch đầu tư trung hạn được duyệt, được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại trước khi trình phê duyệt chủ trương đầu tư; 70% đơn vị được cải tạo, nâng cấp công trình nước sạch sinh hoạt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; đáp ứng khoảng 80% nhu cầu nhà ở công vụ trong toàn quân...

Công tác xăng dầu chú trọng bảo đảm đủ, kịp thời xăng dầu, phương tiện kỹ thuật, vật tư xăng dầu theo hạn mức hằng năm cho các nhiệm vụ; thực hiện tốt việc đổi mới, hoàn thiện phương thức bảo đảm xăng dầu và phương tiện kỹ thuật, vật tư xăng dầu, ưu tiên tạo nguồn trong nước, hạn chế tối đa nhập khẩu. Từng bước đầu tư đổi mới, đồng bộ các trang bị ngành vận tải quân sự, nâng cao chất lượng công tác vận tải; đầu tư đóng mới tàu theo Đề án “Đổi mới phương tiện vận tải thủy quân sự giai đoạn 2021-2030”, trang bị cho các đơn vị toàn quân...

PV: Thưa đồng chí, công tác xây dựng ngành và hợp tác quốc tế về hậu cần có những điểm gì cần chú trọng?

Trung tướng Trần Duy Giang: Để xây dựng ngành hậu cần Quân đội ngày càng vững mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, toàn ngành hậu cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi số công tác hậu cần đã được thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Tích cực nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện hậu cần; chú trọng nâng cao trình độ, năng lực chỉ huy, chỉ đạo, quản lý, tổ chức bảo đảm hậu cần, khả năng cơ động, SSCĐ. Đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo, triển khai thực hiện các đề tài, phát triển lý luận công tác hậu cần phù hợp với các chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...

Trong hợp tác quốc tế về công tác hậu cần, đẩy mạnh hợp tác với các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, nhất là quân đội các nước ASEAN, ưu tiên lĩnh vực quân y, xăng dầu, vận tải và những lĩnh vực phù hợp với điều kiện bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu trợ thảm họa, hỗ trợ nhân đạo và hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tap-trung-thuc-hien-thang-loi-nghi-quyet-ve-cong-tac-hau-can-trong-tinh-hinh-moi-734072