Tập trung tiêm phòng cho đàn vật nuôi
Để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn trong điều kiện thời tiết thường xuyên thay đổi bất thường, ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ xuân - hè bảo vệ đàn vật nuôi, phấn đấu tỷ lệ tiêm đạt trên 80%.
Năm 2021, gia đình ông Hà Công Toản, thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa) là một trong những hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề do dịch tụ huyết trùng. Ông Toản cho biết, sơ suất trong khâu vệ sinh chuồng trại, không thực hiện tiêm phòng cho đàn gia cầm khiến hơn 80 con gà chuẩn bị xuất chuồng bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy. Đây là bài học đắt giá trong chăn nuôi để gia đình ông tiếp tục tái đàn vật nuôi thời gian tới.
Trong khi đó, với gần 10 năm chăn nuôi, thế nhưng chưa năm nào, đàn gia cầm hơn 300 con của gia đình chị Triệu Thị Trinh, thôn Pá Tao bị dịch bệnh. Biện pháp chị thực hiện đều đặn là vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại thường xuyên, đảm bảo chăn nuôi thoáng mát, sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Ông Hà Công Dương, nhân viên Chăn nuôi và Thú y xã cho biết, hiện tổng đàn vật nuôi trên địa bàn xã là hơn 85.000 con. Thực hiện việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân - hè năm 2022, UBND xã chỉ đạo các thôn rà soát chặt chẽ số hộ chăn nuôi trên địa bàn, cán bộ thú y xã phối hợp với các thôn thực hiện tiêm phòng tập trung, đúng tiến độ, bảo đảm nhanh gọn, an toàn; việc quản lý, cấp phát và sử dụng vắc xin bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng; tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh và ý nghĩa của việc tiêm phòng để chủ động thực hiện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Đến nay, địa phương đã tiêm được hơn 70.000 liều vắc xin, phấn đấu đến ngày 15-4 tỷ lệ tiêm đạt trên 80%.
Toàn tỉnh hiện có trên 91 nghìn con trâu, trên 37 nghìn con bò, gần 600 nghìn con lợn và khoảng 7 triệu con gia cầm. Hiện nay, thời tiết giao mùa diễn biến phức tạp làm vật nuôi không kịp thích nghi nên dễ bị nhiễm một số bệnh về đường hô hấp và đường ruột. Đối với trâu, bò, lợn dễ nhiễm một số bệnh như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng và viêm da nổi cục, dịch tả lợn... Đối với gia cầm một số bệnh hay gặp là cúm, hội chứng tiêu chảy... Mặt khác, do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư dễ dẫn tới phát sinh, lây lan dịch bệnh. Do đó, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là đợt tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trong vụ xuân - hè được ưu tiên hàng đầu.
Ông Lại Văn Cường, thôn Cầu Trắng, xã Hợp Thành (Sơn Dương) cho biết, để chăn nuôi phát triển ổn định và hiệu quả, việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi được gia đình ông ưu tiên hàng đầu, kết hợp với các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Hàng năm, gia đình thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin cho gà như tụ huyết trùng, cúm… Nhờ vậy, hơn 1.000 con gà của ông luôn phát triển khỏe mạnh.
Tuy nhiên, việc triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm của các địa phương cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid -19 nên việc triển khai tiêm phòng bị chậm, chưa đồng bộ; cán bộ thú y ở một số địa phương chưa được củng cố… Đến ngày 10-4, các địa phương đã tiêm trên 24 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng; trên 420 nghìn liều vắc xin tụ huyết trùng; trên 100 nghìn liều vắc xin dịch tả lợn... Tỷ lệ tiêm phòng toàn tỉnh đạt trên 35%.
Để hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vụ xuân hè năm 2022 đạt kết quả cao, Ngành nông nghiệp đề nghị các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các hộ chăn nuôi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi; cơ chế hỗ trợ tiêm phòng của tỉnh và tự giác, chủ động chấp hành. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin; tổ chức hướng dẫn cho đội ngũ nhân viên thú y ở cơ sở và lực lượng tham gia tiêm phòng của các địa phương, các hộ chăn nuôi về các biện pháp kỹ thuật bảo quản vắc xin, kỹ thuật tiêm, phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo; chấp hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định đối với từng đối tượng vật nuôi…