Tập trung tối đa nguồn lực phòng, chống bão lũ đi đôi với khôi phục sản xuất

Trước những thiệt hại to lớn về người và tài sản do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi, mưa lũ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão, đồng thời tiếp tục có giải pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong vùng có nguy cơ cao về mưa lũ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh. Ảnh VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh. Ảnh VGP

Thiệt hại nặng nề

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, ảnh hưởng của bão số 3 nằm ngoài sức tưởng tượng, chẳng khác gì "một bộ phim bom tấn thời chiến tranh".

Đây là cơn bão lịch sử đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, đã tạo ra nhiều kỷ lục: Có sức gió mạnh nhất trên thế giới ghi nhận đến thời điểm này trong năm 2024; cơn bão tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử các cơn bão ở Việt Nam (trong 8 tiếng tăng lên 4 cấp từ cấp 12 lên cấp 16); thời gian hoành hành khi đổ bộ vào đất liền dài nhất (bão gần như đứng im hơn 5 tiếng đồng hồ khi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng)...

Thống kê của Bộ NNPTNT - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 9/9, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn, làm nhiều người chết và mất tích, nhiều ngôi nhà bị ngập, sập đổ, hư hỏng; nhiều héc ta (ha) lúa, hoa màu bị ngập, vùi lấp, nhiều ha thủy sản bị thiệt hại; nhiều gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, nhiều con đường, cây cầu bị hỏng, xuống cấp; nhiều nơi đang bị chia cắt, nhiều khu vực dân cư bị cô lập…

Thông tin cụ thể về vấn đề này, Cục trưởng Cục Đê điều và phòng chống thiên tai – Bộ NNPTNT Phạm Đức Luận cho biết, thống kê sơ bộ cho thấy, diện tích lúa bị ngập úng, thiệt hại sau bão số 3 lên tới 113.593 ha, tập trung tại các tỉnh, thành phố: Thái Bình 18.000 ha, Hà Nội 15.563 ha, Hưng Yên 12.119 ha, Hải Dương 18.500 ha, Hà Nam 11.220 ha... Diện tích hoa màu bị ngập úng, thiệt hại lên tới 22.047 ha, chủ yếu ở Hòa Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội… Diện tích cây ăn quả bị hư hại lên tới 6.887ha; tập trung tại Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương…

Hưng Yên là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Ảnh: Quang Hùng

Hưng Yên là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Ảnh: Quang Hùng

Bên cạnh đó, có 121.668 cây xanh bị gãy đổ, riêng tại Hà Nội có 24.807 cây xanh bị gãy đổ. Số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển bị hư hỏng, cuốn trôi là trên 1.500 lồng bè. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại lớn nhất…

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã thành lập đoàn công tác đến các địa phương rà soát, áp dụng chính sách hỗ trợ người dân thiệt hại hoa màu, thủy sản do bão, khôi phục sản xuất... theo đúng tinh thần gọn nhẹ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả” – ông Luận cho biết.

Cũng theo ông Luận, Cục đã phối hợp với các địa phương có giải pháp đảm bảo an toàn các tuyến đê điều xung yếu, nhất là các tuyến sông đang trên mức báo động 3 tại Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội…; điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đảm bảo an toàn công trình và hạ du (hiện lưu lượng về lớn và hồ Hòa Bình mở 2 cửa xả đáy, Tuyên Quang mở 3 cửa xả đáy, Thác Bà mở 2 cửa xả mặt).

Vụ việc sập cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ gây hậu quả rất nghiêm trọng với nhiều nạn nhân hiện vẫn mất tích. Ảnh ST

Vụ việc sập cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ gây hậu quả rất nghiêm trọng với nhiều nạn nhân hiện vẫn mất tích. Ảnh ST

Còn theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), để đảm bảo giảm thiểu tối đa thiệt hại sản xuất, Cục đã hướng dẫn, vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; tiến hành thu hoạch nhanh gọn toàn bộ diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch; chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống để hỗ trợ các địa phương khôi phục sản xuất ngay sau bão.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện, tỉnh đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bão số 3.

Tuy nhiên, với cường độ mạnh, diễn biến phức tạp, tăng cấp không theo quy luật, bão số 3 đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tính đến ngày 9/9 trên địa bàn tỉnh có 9 người chết; thống kê sơ bộ có 20.245 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; trên 2.402 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 1.273ha lúa, màu bị đổ, ngập úng, ảnh hưởng; 17.223 ha rừng trồng bị ảnh hưởng tại 8 địa phương (các địa phương khác đang tiếp tục rà soát, thống kê số liệu)…

Chưa khắc phục xong bão, lũ dữ lại rình rập

Qua ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, sau cơn bão số 3, tình hình lũ trên sông tiếp tục dâng cao, gây ngập khu vực sản xuất, khu dân cư rất nghiêm trọng. Do đó, cùng với việc tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, nhiều địa phương đã phát đi cảnh báo về tình hình mưa lũ, gây ngập úng, chia cắt trên địa bàn.

Ngay sau khi xảy ra bão lũ, lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã kiểm tra địa bàn chịu ảnh hưởng nặng bởi bão lũ để kịp thời lắng nghe và có chỉ đạo khắc phục.

Trưa 10/9, ngay sau khi kiểm tra tình hình thực tế, tại trụ sở Thị ủy Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến, được kết nối trực tuyến với một số điểm cầu tại các tỉnh, thành phố về công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, khắc phục hậu quả bão số 3, bảo đảm tính mạng, sức khỏe, an toàn, đời sống nhân dân trên địa bàn các tỉnh.

Lực lượng chức năng nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão...

Lực lượng chức năng nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão...

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là hoàn lưu cơn bão bắt đầu gây mưa từ chiều ngày 8/9 ở các tỉnh miền núi phía Bắc, gây ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, chia cắt giao thông, liên lạc... Trong vòng 24 giờ, có nơi đo được lượng mưa trên 700mm. Một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên có lượng mưa cao gấp đôi bình quân tháng 9 của địa phương đó. Một vấn đề đáng lo ngại nữa là mực nước tại các sông suối phía Bắc đang tăng lên mức báo động 3, nguy cơ gây ngập lụt cho vùng hạ du, báo động sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống đê điều.

Lãnh đạo các địa phương Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội cho biết, đã và đang di dời người dân ra khỏi vùng ngập úng; huy động lực lượng sửa chữa, khôi phục các hạ tầng bị hư hỏng; đặc biệt tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ... Tuy nhiên, theo báo cáo gửi về Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho thấy, tình hình mưa lũ sau cơn bão số 3 còn diễn biến rất phức tạp.

Cơn bão số 3 gây hậu quả nghiêm trọng tại Thủ đô. Ảnh: N.Lộc

Cơn bão số 3 gây hậu quả nghiêm trọng tại Thủ đô. Ảnh: N.Lộc

Là một trong những địa phương có sông Hồng chảy qua, tình hình lũ dâng trên sông đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác ứng phó của tỉnh Hưng Yên. Trao đổi với Báo Kiểm toán, ông Đỗ Minh Tuân - Giám đốc Sở NNPTNT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hưng Yên cho biết, do mực nước trên sông Luộc lúc 12 giờ ngày 10/9/2024 tại Trạm thủy văn La Tiến là 4,25m (trên báo động I là 5cm) và vẫn đang tiếp tục lên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phát lệnh báo động I trên tuyến đê tả sông Luộc kể từ 13 giờ ngày 10/9/2024.

Trong khi hậu quả của cơn bão số 3 chưa thể khắc phục, nhiều tỉnh, thành phố như Hưng Yên, Hà Nội đang phải đối diện với báo động lũ lụt dâng cao của sông Hồng. Trong ảnh, lực lượng chức năng tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đang thực hiện phương án phòng lũ tràn

Trong khi hậu quả của cơn bão số 3 chưa thể khắc phục, nhiều tỉnh, thành phố như Hưng Yên, Hà Nội đang phải đối diện với báo động lũ lụt dâng cao của sông Hồng. Trong ảnh, lực lượng chức năng tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đang thực hiện phương án phòng lũ tràn

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện: Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên; các sở, ngành nêu trên thực hiện việc canh gác đê theo cấp báo động. Tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu. Kiểm tra, rà soát và chuẩn bị các loại vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương án hộ đê, phòng, chống thiên tai của địa phương và của ngành.

Triển khai các biện pháp phòng, tránh lũ. Trong đó, các cơ quan chức năng tập trung kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, nhất là các khu vực dân cư ngoài bãi sông phải có biện pháp chủ động để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; kiểm tra rà soát bảo đảm an toàn các tuyến đê bối. Thông báo cho người dân khẩn trương, kịp thời thu hoạch hoa màu, thủy sản ở ven sông những nơi có khả năng ngập lụt.

Lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các bến đò dọc, ngang để đảm bảo các phương đủ điều kiện mới được lưu thông, đảm bảo an toàn cho người dân.

Lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các bến đò dọc, ngang để đảm bảo các phương đủ điều kiện mới được lưu thông, đảm bảo an toàn cho người dân.

Đồng thời, lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các bến đò dọc, ngang. Yêu cầu chủ các phương tiện phải chấp hành các điều kiện bảo đảm an toàn cho hành khách, kiên quyết đình chỉ hoạt động của những phương tiện không đủ điều kiện về an toàn theo quy định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NNPTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP. Hà Nội cho biết, trưa 10/9, căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (qua Long Biên) hồi 11 giờ 10 phút ngày 10/9/2024 là 9,50 m (mực nước báo động I là 9,50 m), Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP. Hà Nội vừa ra Lệnh báo động lũ cấp độ I trên sông Hồng.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh báo động.

Theo dự báo, khu vực nội thành Hà Nội có khả năng mưa to đến rất to. Dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 40-70mm, có nơi trên 80mm.

Chia sẻ sâu sắc với những người dân Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng của bão Yagi, tại buổi làm việc với Bộ NNPTNT mới đây, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (UN) tại Việt Nam cho biết, UN sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các cộng đồng bị ảnh hưởng trong thời điểm đầy thách thức này. Đồng thời cam kết sẽ phối hợp với các đối tác để cung cấp hỗ trợ cho các địa phương đang có nhu cầu cấp thiết nhất.

Đại diện các tổ chức quốc tế đều cho rằng, bão số 3 có sức tàn phá khủng khiếp, để lại hậu quả quá lớn đối với người dân. Qua đó, các tổ chức quốc tế bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh, thành phố với các hình thức khác nhau, góp phần giúp đỡ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tap-trung-toi-da-nguon-luc-phong-chong-bao-lu-di-doi-voi-khoi-phuc-san-xuat-34459.html