Tập trung trí tuệ cao, chất vấn thẳng thắn, đúng trọng tâm
Chiều 7/11, Quốc hội khóa XV thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội; thu hút sự quan của đông đảo cử tri cả nước.
Đánh giá về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường, cử tri thành phố Hải Phòng và các tỉnh Yên Bái, Đồng Nai cho rằng, điều hành của chủ tọa kỳ họp rõ ràng, dân chủ, khoa học. Không khí chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, các ý kiến chất vấn của đại biểu thẳng thắn, đúng trọng tâm. Báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành chuẩn bị công phu, trình bày khá kỹ lưỡng; các thành viên Chính phủ đã tập trung trí tuệ cao, trao đổi, chất vấn thẳng thắn, ngắn gọn, không ngại va chạm, làm rõ vấn đề "nóng", bức xúc đại biểu, cử tri quan tâm.
Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, điều kiện đặc thù của từng địa phương
Trong nhiều nội dung đề cập tại phiên chất vấn, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Chính trị viên phó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng) quan tâm đến vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính bởi liên quan trực tiếp đến đời sống đội ngũ cán bộ, người dân. Việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ góp phần tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời giúp giảm chi ngân sách nhà nước.
Nằm trong số các địa phương phải thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch 222/KH-UBND thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, giai đoạn 2023 - 2025, nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức, các cấp, ngành; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Theo Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương liên quan sớm đưa ra các giải pháp chủ động linh hoạt..., đảm bảo tính thống nhất đồng bộ, toàn diện, thận trọng, bám sát các tiêu chí, điều kiện đặc thù của từng địa phương.
Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, cử tri Nguyễn Thị Hoa, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền (thành phố Hải Phòng) nhận định: Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa chú ý đến nguồn lực giáo viên nên khi triển khai, tại nhiều trường học xảy ra tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn học tích hợp. Để khắc phục tình trạng này, một số đơn vị cử giáo viên dạy môn Vật lý hoặc Hóa học, Sinh học đi học các lớp bồi dưỡng trong thời gian ngắn để được cấp Chứng chỉ dạy các môn không được đào tạo trong trường Sư phạm, dẫn đến chất lượng giảng dạy không đảm bảo... Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo khắc phục tình trạng bất cập này, để đảm bảo chất lượng giáo dục, cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đối với các trường thiếu giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, cử tri Nguyễn Thị Hoa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, cho phép tổ chức dạy song song kiến thức môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong môn Khoa học tự nhiên theo điều kiện của nhà trường thay cho việc dạy theo mạch kiến thức trong sách giáo khoa; chỉ đạo các trường Sư phạm trên toàn quốc cần đào tạo ngay giáo viên dạy tích hợp môn Khoa học tự nhiên để có nguồn giáo viên cho các nhà trường.
Đề cao văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp
Nhận định hiện nay một số giá trị truyền thống đang dần phai nhạt, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Việt Á (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) kiến nghị Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển cần đề cao hơn nữa văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp. Để phát triển văn hóa gia đình, cha mẹ, người lớn tuổi cần làm gương, thực hiện những thói quen tốt như: đọc sách, tập thể dục, dậy sớm vào mỗi sáng để con cháu noi theo. Việc nâng cao văn hóa, sống lành mạnh giúp mọi người có thể chất tốt, tâm hồn vui tươi, từ đó giảm bệnh tật, góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội.
Năm 2016, Chính phủ quyết định lấy ngày 10/11 là Ngày văn hóa doanh nghiệp, song hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn ít biết về ngày này. Cơ quan truyền thông, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền về Ngày văn hóa doanh nghiệp; chủ doanh nghiệp thực hành văn hóa, trong đó coi việc chấp hành chủ trương, pháp luật là nét đẹp.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nước ta có nhiều phong cảnh đẹp, tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Ngành chức năng cần có phương án liên kết, hình thành những vùng du lịch với những sản phẩm đặc trưng; phát triển hệ thống cao tốc, bởi việc đi du lịch bằng đường bộ có nhiều thuận lợi, mang đến những cảm giác khác biệt so với các loại hình giao thông khác. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tiên phong trong loại hình du lịch đường sông bởi hiện nay loại hình du lịch đường sông ở Việt Nam chưa được quan tâm đầu tư, trong khi đó, phát triển du lịch đường sông sẽ tận dụng được các lợi thế tự nhiên.
Trong lĩnh vực y tế, nhiều cử tri ở Yên Bái thể hiện sự quan tâm đến việc quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên không gian mạng.
Luật sư Hoàng Đức Dũng, Đoàn Luật sư tỉnh Yên Bái đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về trách nhiệm chính về quản lý nhà nước trên không gian mạng là của Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng cũng cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan chức năng đối với việc quản lý các nội dung quảng cáo sai sự thật.
Về chế tài xử lý vấn đề này, Luật sư Hoàng Đức Dũng cho biết: Hiện các văn bản pháp luật đã có quy định xử phạt về lĩnh vực quảng cáo. Cụ thể, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã quy định phạt tiền từ 60 triệu - 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố...; buộc khắc phục hậu quả tháo gỡ, xóa quảng cáo, cải chính thông tin... Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này vào thực tế có hiệu quả hay không phục thuộc vào công tác giám sát, quản lý của cơ quan chức năng.
Thúc đẩy đào tạo nghề, nâng cao năng suất lao động
Đánh giá cao câu trả lời của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp ở nước ta hiện nay là do chất lượng đào tạo nghề, ông Hà Văn Vẻ, Hiệu trưởng Trung cấp nghề Bách khoa Yên Bái cho rằng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thẳng thắn thừa nhận đây là một trong các chỉ tiêu không đạt trong 2 - 3 nhiệm kỳ qua. Đặc biệt, Bộ trưởng cũng khẳng định 1 trong 4 vấn đề quan trọng để nâng cao năng suất lao động có liên quan đến chất lượng đào tạo nghề, đó là phải tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và ý thức tổ chức của người lao động. Năm giải pháp căn bản nhằm khắc phục tình trạng này được Bộ trưởng đưa ra là thỏa đáng, hợp lý, cần thiết cho thời gian tới.
Quan tâm đến cơ chế đặt hàng của Nhà nước cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) nêu thực tế: Cơ chế này hiện chưa đầy đủ, chưa có đơn giá đặt hàng các cơ sở đào tạo nên không thể triển khai. Mức trần học phí giáo dục nghề nghiệp hệ cao đẳng theo quy định quá thấp, chỉ hơn 18 triệu đồng, trong khi thực tế chi phí đào tạo một nghề tiêu chuẩn trong nước khoảng 80 triệu đồng, tiêu chuẩn quốc tế khoảng 200 triệu đồng.
Những năm qua, việc phân luồng ở các bậc học đã được quan tâm, mang lại hiệu quả ban đầu. Phân luồng trong học tập là chủ trương đúng, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền vấn đề này, giúp phụ huynh, học sinh nhận thức đúng về vai trò, thế mạnh của việc học nghề sớm.
Để thúc đẩy giáo dục, đào tạo, cử tri Nguyễn Khánh Cường kiến nghị Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các chính sách như: đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cấp học; cải cách tiền lương đội ngũ giáo viên; có cơ chế để huy động xã hội tham gia vào đào tạo nghề, đào tạo lại, đào tạo nâng cao...