Tập tục trang phục và mật mã văn hóa trong tranh Phan Cẩm Thượng

Sử dụng hệ màu tự nhiên trên giấy dó, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đem đến cho người xem những cảm nhận về âm hưởng cung đình xưa trong triển lãm khai mạc chiều 14.4 tại The Muse Artspace, 47 Tràng Tiền, Hà Nội.

Giám tuyển nghệ thuật Vân Vi cho biết, tranh của Phan Cẩm Thượng đa số là một khổ giấy dó 60x120cm, từ những tờ giấy dó đã để 20 năm no độ ẩm khiến những nét bút mềm và màu quyện vào giấy.

Tác phẩm "Suy tư 2015" và "Cà sa 2015"

Tác phẩm "Suy tư 2015" và "Cà sa 2015"

Những bức tranh trong triển lãm mang cảm hứng từ những nhân vật thế kỷ thứ XVII, cùng các tập tục trang phục và mật mã văn hóa ẩn chứa bên trong. Bố cục tranh hầu hết là vô hướng và “ngẫu hứng trong có lý”. Đôi khi là những tà áo bay ngược xuôi, chân tay mọc ra từ trong tà áo ở những chỗ bất thường, trông có vẻ lạ lùng nhưng đều là sự tính toán về cân bằng thị giác…

Cũng theo giám tuyển Vân Vi, họa sĩ Phan Cẩm Thượng dùng hệ màu tự nhiên trên giấy dó, các hòa sắc ưa thích là màu của củ nâu, màu hồng gạch, vàng già, vàng nghệ, màu đen của mực tàu, đâu đó là xanh thái thanh lam, xanh ngọc phỉ thúy…

“Trong một bản hòa sắc mang tính thẩm mỹ dân tộc, làm hiển hiện lên trong mắt ta điều gì đó thân quen nhưng lại đã từ lâu không thấy, thành thử nó có vẻ ấm áp và dịu dàng. Điểm cuối cùng không thể không đề cập, tuy là nội dung có tính chất văn hóa cổ, sử dụng hệ màu tự nhiên, nhưng tổng hòa lại mang chiều hướng hiện đại, mới chứ không hề cũ”, giám tuyển Vân Vi cho hay.

Tác phẩm "Soi gương 2021"

Tác phẩm "Soi gương 2021"

Giới thiệu về tác phẩm “Soi gương (2021)”, giám tuyển chia sẻ: Ngày xưa người ta vẽ phụ nữ soi gương là để xem lại mình. Các cô gái soi gương trong tạo hình cổ là nói về đức hạnh. Trung Quốc cổ có tranh cố khải chi tên là "Nữ xử trâm" (cô gái cài trâm) có nội dung là đến tuổi lấy chồng thì phải chỉnh trang lại tính cách. Bức tranh "Soi gương" của Phan Cẩm Thượng cũng đề cập vấn đề này.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho biết thêm, ở tác phẩm này ông sử dụng màu nhân chỉ (màu huyết dụ non) là một màu nổi tiếng trong các màu tự nhiên. Nó đặc biệt vì được lấy từ một loại sâu. Bức tranh với hòa sắc màu nhân chỉ, vàng già và màu chu sa, nhịp điệu xiêu vẹo có phần sôi động.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng giới thiệu các tác phẩm tại triển lãm

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng giới thiệu các tác phẩm tại triển lãm

Bức tranh “Con rồng (2021)” đem đến cho người xem sự mơ mộng và ẩn giấu, cũng là một đặc trưng của tranh Phan Cẩm Thượng. Những tà áo phượng bay lên che bớt một phần thân thể cô gái, khiến bức tranh có cảm giác như đang lơ lửng trong không trung, không hiện thực.

Tác phẩm “Quận chúa áo xanh (2021)” được lấy cảm hứng từ hai nhân vật Quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên và Trịnh Thị Ngọc Cơ thuộc hoàng tộc Lê - Trịnh được thờ tại chùa Bút Tháp. Bức họa vẽ cảnh quận chúa Ngọc Cơ áo xanh thêu phượng, phía sau là quận chúa Ngọc Duyên đội mũ, thân trần. Tác phẩm toát ra ý niệm thân phận của quý tộc thế kỷ XVII - gửi thân tâm vào cửa Phật…

H.Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tap-tuc-trang-phuc-va-mat-ma-van-hoa-trong-tranh-phan-cam-thuong-lclrguzzxw-82204