Tất bật chăm sóc ruộng lúa đầu năm
Mùa mưa lũ vừa qua, các cánh đồng ven sông, suối không bị ngập lụt. Ruộng đồng 'đói' lụt, không có phù sa dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao; cùng với đó, chuột, ốc bươu vàng sinh sôi hại lúa. Đầu năm nông dân ra đồng vãi phân, phòng trừ chuột, ốc bươu vàng.
![Cánh đồng cạnh đường sắt, chuột ẩn nấp cắn phá lúa, nông dân thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) vừa bơm nước vừa dùng cây ba chia cấy dặm. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_445_51431768/38f8b0e68aa863f63ab9.jpg)
Cánh đồng cạnh đường sắt, chuột ẩn nấp cắn phá lúa, nông dân thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) vừa bơm nước vừa dùng cây ba chia cấy dặm. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Ruộng không có phù sa, lúa “ăn” phân
Cánh đồng trải dài từ xã Xuân Quang 3, thị trấn La Hai, xuống xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) nằm hai bên bờ sông Kỳ Lộ, mùa mưa năm rồi “đói” lụt, dẫn đến chi phí đầu vụ gieo sạ lúa đông xuân tăng cao. Đầu năm đi thăm đồng, ông Nguyễn Văn Bình ở xã Xuân Quang 3 cho hay: Mùa mưa lũ mấy năm trước nước tràn đồng. Năm rồi đến tháng 12 mới có đợt mưa, nhưng chỗ thấp nhất của cánh đồng nước ngập chỉ nửa bờ. Ruộng cao thì cỏ, lúa chét mọc xanh đồng, đến vụ cày vùi gốc rạ rồi sạ lúa đông xuân. Ruộng đồng ngập lụt, được phù sa bồi lấp, khi sạ lúa chỉ vãi ít phân lúa lên xanh; còn vụ này vãi cả thúng phân lúa mới lên xanh.
Ông Bình cho biết thêm, gia đình ông có 6 sào ruộng, làm lúa vụ đông xuân thường chờ nước lụt vào làm sạch đồng mới bắt đầu vụ mới, nay thì ông phải bỏ công cuốc cỏ dại, be bờ, dọn lúa chét. Kinh nghiệm làm nông nhiều năm, ông Bình nhìn cánh đồng “đói” lụt, đoán: “Làm lúa chỉ trông chờ vào vụ đông xuân; nếu sâu bệnh, cỏ dại nhiều thì vừa tốn công chăm sóc, vừa dùng nhiều phân bón dẫn đến chi phí cao”.
Anh Trần Văn Lợi ở xã Xuân Sơn Bắc chia sẻ, mấy năm trước còn có lụt nhỏ làm nước phả bờ ruộng đuổi lũ chuột, còn vụ đông xuân này ruộng đồng “đói” lụt, thiếu phù sa và có nguy cơ bị thiên địch phá hoại. Năm nào nước lụt ngâm lâu ngày thối gốc rạ, cỏ dại ngã rạp, chỉ cày một lần rồi bừa sạ. Năm nay ruộng đồng nhiều gốc rạ, cỏ dại mọc dày phải cày đi cày lại rồi bừa kéo láng mới sạ lúa. Do cỏ gốc nhiều nên khi sạ cây lúa nghẹt cổ rễ phát triển chậm. Trước đây ruộng chỉ bón phân NPK, nay bón thêm phân ĐAP.
![Nông dân xã Hòa Thành (TX Đông Hòa) dựng hàng rào ni lông ngăn chuột cắn phá lúa. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_445_51431768/22deacc0968e7fd0269f.jpg)
Nông dân xã Hòa Thành (TX Đông Hòa) dựng hàng rào ni lông ngăn chuột cắn phá lúa. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Bàu Vườn thuộc xã Xuân Sơn Nam là vùng trũng thấp ở huyện Đồng Xuân, mấy năm trước mùa mưa có đến 3-5 đợt lụt tràn đồng, khi nước rút ruộng bám đầy bùn, còn năm nay ruộng đồng xanh cỏ. Đang vãi phân đám ruộng ở cánh đồng Bàu Vườn, ông Bùi Văn Tiến cho biết: Ruộng đồng không ngập lụt, người dân sản xuất lúa sẽ gặp khó khăn và tốn chi phí nhiều hơn, do phải phun xịt thuốc diệt cỏ đầu vụ để diệt cỏ gốc và nhiều phí khác mới xuống giống được. “Trước tết tôi vãi đợt phân, sau tết vãi tiếp thúng phân nữa. Lúa năm nay “ăn” phân nhiều hơn mấy năm trước”, ông Tiến nói.
Phó Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Sơn Nam Nguyễn Xuân Thảo cho biết: Những năm trước đây, không lụt lớn thì cũng có đợt lụt nhỏ, nhưng năm rồi thời tiết trở nên thất thường. Vụ lúa đông xuân này chi phí phân bón tăng cao, bên cạnh đó sẽ khó tránh khỏi bị ốc bươu vàng, chuột phá hoại.
Ốc bươu vàng, chuột cắn phá lúa
Trên cánh đồng xã An Định (huyện Tuy An), nhìn cây lúa ra lá non vụ lúa mới, nông dân Phan Văn Hùng nói: Mùa mưa năm rồi không có lụt, nên mầm bệnh, cỏ dại không được rửa trôi, ốc bươu vàng, chuột sinh sôi, người dân tốn thêm chi phí phân thuốc. Mấy năm trước 1 sào ruộng chỉ bỏ 1 ngày công dặm xong chỗ lúa chết do ngập úng khi sạ, còn năm nay chuột cắn phá lúc mới vãi giống, phải thuê công nhổ mạ cấy cả chòm đất bị chuột cắn.
![Chuột cắn phá lúa, nông dân xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) thuê công cấy ruộng. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_445_51431768/0500881eb2505b0e0241.jpg)
Chuột cắn phá lúa, nông dân xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) thuê công cấy ruộng. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Trên các cánh đồng từ xã Hòa An, Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) qua xã Hòa Thành, Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa), nông dân dùng hàng rào ni lông ngăn chuột từ bờ vào ruộng cắn phá lúa. Xuất hành đầu năm ra đồng, ông Bùi Văn Lý ở xã Hòa Thành, cho biết: Tôi có 1 sào lúa khi sạ 3 ngày ra thăm thì phát hiện chuột cắn phá hết 2/3 đám, nên phải ngâm ủ giống sạ lại. Mấy năm trước cấy dặm xong trong năm, nay ăn tết xong còn ra đồng cấy dặm lúa chết do chuột cắn phá phải sạ đi sạ lại. Khắp các bờ vùng, chuột đùn hang sâu nên khó đào bắt. Để cứu lúa, tôi dựng hàng rào ni lông ngăn chuột từ bờ bò vào cắn phá.
Không chỉ chuột cắn phá lúa, trên cánh đồng, ốc bươu vàng cũng cắn phá lúa non. Theo kinh nghiệm diệt ốc bươu vàng của nhiều nông dân, ốc bươu đen đẻ trứng ngay mặt nước nên bị các loại cá ăn mồi, ốc bươu vàng đẻ trứng trên cao, cách mặt nước gang tay. Năm nay không có lụt nên chúng đẻ trăm trứng còn nguyên trăm trứng. Đầu vụ gieo sạ là nông dân phải phun thuốc diệt trừ ốc non.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ốc bươu vàng sẽ gây hại nặng trên lúa vào thời kỳ mạ đến đẻ nhánh. Khi ốc bươu vàng phát triển ở mật độ cao có thể làm ruộng mất trắng, làm thiệt hại về giống, phải sạ lại nhiều lần; ruộng lúa sinh trưởng không đồng đều khó khăn cho việc chăm sóc và thu hoạch, ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Để phòng trừ ốc bươu vàng hiệu quả, bà con nông dân nên kết hợp giữa biện pháp thủ công và hóa học. Khi sử dụng thuốc hóa học, cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”. Cụ thể, trước khi sạ lúa cần làm đất kỹ bằng phẳng, tránh để những khu vực trũng nước trên ruộng. Cho nước vào ruộng sớm để nhử ốc trồi lên, sau đó tiến hành cày diệt ốc. Có thể xử lý vôi kết hợp với bón lót lân vào giai đoạn chuẩn bị ruộng. Bắt ốc và ổ trứng bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều mát. Khi ốc bươu vàng xuất hiện, nên bắt ốc sớm và liên tục từ lúc sạ đến 2, 3 tuần sau. Có thể sử dụng thức ăn như lá khoai, rau muống... dẫn dụ ốc tập trung đến ăn để dễ thu gom. Đặt lưới, phên tre chặn mương nước vào ruộng, ngăn ốc xâm nhập và bắt ốc dễ dàng.
Đối với phòng trừ chuột, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: Trước khi vào vụ đông xuân, số chuột còn lại trên đồng rất nhiều và chúng cắn phá mạnh trong giai đoạn đầu nên tập trung diệt bằng cách đánh bã, đặt bẫy. Các địa phương cần tiếp tục triển khai, đẩy mạnh phong trào diệt chuột suốt vụ lúa để bảo vệ mùa màng.
Những năm trước đây, không lụt lớn thì cũng có đợt lụt nhỏ, nhưng mùa mưa năm rồi thời tiết trở nên thất thường, không lụt. Vụ lúa đông xuân sẽ khó tránh khỏi bị ốc bươu vàng, chuột phá hoại.
Ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân)
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/325709/tat-bat-cham-soc-ruong-lua-dau-nam.html