Tắt sóng 2G vào cuối năm 2024: Người dân có được hỗ trợ?

Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, lộ trình tắt sóng 2G sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2024.

Mục tiêu của việc tắt hoàn toàn sóng 2G là để tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Tuy vậy, để đảm bảo người dân không bị mất liên lạc khi tắt sóng 2G, các nhà mạng sẽ phải có chính sách hỗ trợ các thuê bao điện thoại 2G chuyển sang dùng smartphone.

Theo thống kê của các nhà mạng, đầu năm 2023, Việt Nam có khoảng 26 triệu thuê bao di động 2G, chiếm 20% trong tổng số 126 triệu thuê bao di động trên toàn quốc. Đến tháng 8/2023, còn khoảng 23 triệu thuê bao di động 2G.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Được phát triển từ năm 1993, mạng 2G hiện đã lạc hậu, tốc độ, tính năng kỹ thuật đều không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, đồng thời không theo kịp sự phát triển của các dịch vụ.

Theo Cục Viễn thông, thời gian qua, các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam đã phát triển giải pháp kỹ thuật để có thể loại các thiết bị thuần 2G ra khỏi mạng. Mục tiêu của việc tắt hoàn toàn sóng 2G là để tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Nhờ đó hệ thống mạng 4G sẽ được cải thiện chất lượng, tối ưu chi phí vận hành và khai thác, phục vụ tốt hơn cho người dân.

Để chuẩn bị cho việc tắt hoàn toàn sóng 2G tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã định hướng các nhà mạng xây dựng lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G, triển khai các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi thuê bao sang sử dụng mạng di động 4G,5G. Mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G(tương đương khoảng 6 triệu thuê bao), tiến tới tắt hoàn toàn mạng 2G vào cuối năm 2024.

Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Thông tư 43/2020/TT-BTTTT về "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy nhập vô tuyến" quy định tất cả điện thoại di động được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng7/2021 phải tích hợp công nghệ 4G.

Mặc dù việc tắt sóng 2G, 3G là tất yếu song khi dừng công nghệ 2G, doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gây gián đoạn. Bên cạnh đó, do người dùng 2G hiện nay phần lớn thuộc các đối tượng yếu thế như là người già, người dân ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện tiếp cận công nghệ hiện đại nên việc hỗ trợ các đối tượng này chuyển sang 4G, 5G là câu chuyện cần đặt ra.

Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết: Giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng triển khai mạng 2G sẽ hết hạn vào tháng 9/2024. Bộ TT&TT sẽ quy hoạch lại, và các băng tần 1800MHz, 1900MHz tới đây sẽ không còn phục vụ cho máy 2G Only nữa.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, từ năm 2020, Bộ TT&TT đã có Thông tư quy định việc không nhập khẩu máy 2G Only vào Việt Nam. Hiện Bộ TT&TT đang đề nghị các Sở TT&TT địa phương triển khai thanh, kiểm tra xem trên thị trường còn tình trạng nhập không chính thức các máy 2G nhiều hay không? Nếu còn sẽ phải tiếp tục xử lý để đảm bảo đến tháng 9/2024, khi giấy phép tần số cấp cho mạng 2G hết hạn, sẽ không còn máy 2G trên thị trường.

Các nhà mạng viễn thông di động hiện đang xây dựng các chính sách hỗ trợ người dùng khi dừng sóng 2G, tập trung vào 2 hỗ trợ chính là hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước sử dụng để khách hàng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone.

Hùng Quân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/tat-song-2g-vao-cuoi-nam-2024-nguoi-dan-co-duoc-ho-tro--i707143/