Tàu chiến Mỹ trị giá khoảng 10.000 tỉ đồng 'nghỉ hưu non' sau chưa đầy 5 năm phục vụ
Chiến hạm tác chiến ven biển (LCS) lớp Freedom USS Sioux City được đưa vào hoạt động tháng 11/2018, dự định phục vụ trong 25 năm, nhưng đã hạ cờ vào ngày 14/8, tại căn cứ Hải quân Mayport ở Florida.
Hải quân đã chính thức cho ngừng hoạt động chiến hạm USS Sioux City, tàu tác chiến ven biển (LCS) lớp Freedom, sau chưa đầy 5 năm phục vụ.
USS Sioux City được đưa vào hoạt động vào ngày 17/11/2018, dự định phục vụ trong 25 năm, nhưng đã được cho “nghỉ hưu non” sau một lễ hạ cờ long trọng tại căn cứ Hải quân Mayport ở Florida hôm 14/8.
Việc ngừng hoạt động của tàu USS Sioux City diễn ra sau hàng loạt vấn đề gặp phải xung quanh chương trình LCS.
Kể từ tháng 12/2015, bốn trong số sáu tàu LCS được đưa vào sử dụng đã gặp sự cố nghiêm trọng, khiến Hải quân Mỹ phải dừng mọi hoạt động của tàu LCS và rút toàn bộ 6 tàu khỏi nhiệm vụ để xem xét kỹ lưỡng.
Vào đầu năm 2021, Hải quân Mỹ đã có kế hoạch cắt giảm 4 trong số các tàu khỏi hạm đội tác chiến ven biển, cho chúng "nghỉ hưu"trước thời hạn đến vài thập kỉ, do những “phiền toái” trong quá trình sử dụng.
Vấn đề của các tàu xuất hiện từ cả hai biến thể, được thiết kế bởi Lockheed Martin và General Dynamics, bao gồm một chiếc từ biến thể lớp Independence USS Coronado (LCS-4) và 3 chiếc từ biến thể lớp Freedom là USS Fort Worth (LCS-3), USS Detroit (LCS-7) và USS Little Rock (LCS-9).
Mặc dù LCS được phát triển với kì vọng là tàu tàng hình cỡ nhỏ chi phí thấp, linh hoạt và tối ưu cho nhiệm vụ tuần tra các vùng biển nông gần bờ, có khả năng đánh bại các mối đe dọa chống tiếp cận và bất đối xứng, nhưng thực tế chi phí chế tạo cũng như chi phí vận hành của nó cao bất ngờ so với dự định ban đầu, thậm chí tương đương với chi phí vận hành của một tàu khu trục hạng nặng.
Trước đó vào tháng 4/2021, tờ The Drive dẫn nguồn từ Hải quân Mỹ cho biết, chi phí vận hành một tàu LCS, lượng choán nước hơn 3.000 tấn tiêu tốn khoảng hơn 70 triệu USD/năm, so với 81 triệu USD của một tàu khu trục lớp Arleigh Burke, lượng choán nước 9.500 tấn.
Trong khi khả năng chiến đấu của tàu LCS khá hạn chế với hỏa lực yếu, không có bệ phóng thẳng đứng, chỉ có tàu USS Gabrielle Giffords được trang bị tên lửa chống hạm RGM-184A NSM.
Các phương tiện có khả năng nhất trên những con tàu này hiện nay là trực thăng MH-60R Seahawk và trong một số chiếc biên chế máy bay không người lái MQ-8.
Hải quân Mỹ cho rằng, việc cắt giảm LCS là khả thi vì nó tránh được việc phải nâng cấp cấu hình 4 tàu, mà theo đô đốc Mike Gilday, Tư lệnh Hải quân Mỹ khi đó, phải tiêu tốn khoảng 2,5 tỉ USD, dành kinh phí để đầu tư vào những lĩnh vực cần ưu tiên cao hơn.
Thời gian qua, truyền thông Mỹ có nhiều tin tức về những trục trặc trong quá trình vận hành các tàu LCS, trong đó có vấn đề về động cơ mà hải quân Mỹ từng than phiền.
Một báo cáo của Học viện Hải quân Mỹ nói, Hải quân đã hết kiên nhẫn đối với tàu LCS, vốn đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng về hiệu suất của tàu. Báo cáo được đưa ra sau nhiều năm bội chi đáng kể và các lỗi cơ học thường xuyên xảy ra.
Tàu chiến vừa thiếu khả năng phòng thủ, vừa dễ bị tấn công bằng tên lửa chống hạm, dộ tin cậy hạn chế, khả năng sống sót thấp, những lỗi chết người khiến Hải quân Mỹ “chốt” lại, tàu không thích hợp để chiến đấu.
USS Sioux City, được đặt theo tên một thành phố ở bang Iowa, đã hoàn thành 4 đợt triển khai ở nhiều khu vực khác nhau, bao gồm các khu vực hoạt động của Hạm đội 4, 5 và 6.
Đáng chú ý, nó đã đánh dấu một cột mốc quan trọng vào năm ngoái với việc triển khai tới vùng biển châu Âu, lần đầu tiên trong chương trình LCS.
Con tàu cũng góp phần vào các nhiệm vụ ngăn chặn ma túy khi hợp tác với Cảnh sát biển.
Tàu LCS đã được phát triển từ năm 2004 và tiêu tốn của quân đội Mỹ hàng chục tỉ USD.
Theo Sputnik, tàu chiến USS Sioux City trị giá 362 triệu đô la (khoảng hơn 8.600 tỉ đồng), trong khi Militarywatch cho biết, các chiến hạm LSC trị giá hơn nửa tỉ đô la mỗi chiếc (637 triệu đô la cho phiên bản Freedom và 704 triệu đô la cho biến thể Independence), tương đương hơn 15.000 tỉ đồng và 16.750 tỉ đồng.