Tàu hỏa đâm nát đầu ô tô dừng đỗ cạnh đường ray, ai phải bồi thường?

Trong lúc đỗ ô tô sát đường tàu ở khu vực Cổ Nhuế (Hà Nội), anh N không để ý tàu hỏa đang đến nên đã xảy ra va chạm khiến phần đầu ô tô hư hỏng nặng, trường hợp này ai phải bồi thường?

Khoảng 17h30 ngày 5/6, tại đoạn đường sắt trước số 5, ngõ 104, đường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, anh Đ.T.N (SN 1985, ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dừng đỗ ô tô biển kiểm soát 30K – 200.xx ở khu vực trước ngõ 104, ngay sát tuyến đường sắt.

Khi đoàn tàu đi tới, anh N chạy ra định điều khiển ô tô khỏi khu vực nhưng không kịp. Cú đâm mạnh khiến toàn bộ phần đầu xe ô tô bị biến dạng, hư hỏng nặng.

Hiện trường vụ tai nạn.

Hiện trường vụ tai nạn.

Theo dõi diễn biến vụ việc qua video được người dân quay lại, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, lỗi trong vụ việc này thuộc về tài xế ô tô do có hành vi đỗ xe gần vị trí đường ray, khi tàu chạy xảy ra va chạm giữa hai phương tiện.

Chiếc xe ô tô bị hỏng phần đầu khá nghiêm trọng, thiêt hại về tài sản đã rõ. Trong quá trình giải quyết vụ việc, cơ quan công an cần tiến hành thủ tục giám định phần thiệt hại tài sản (phần bị hỏng của chiếc xe ô tô và tàu hỏa nếu có) trị giá bao nhiêu tiền?

Trường hợp một trong 2 phương tiện hoặc cả 2 phương tiện giao thông bị thiệt hại 100.000.000 đồng trở lên thì hành vi của người tài xế lái xe ô tô có dấu hiệu phạm tội Cản trở giao thông đường sắt theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 268 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, luật sư Nguyễn Văn Nam cho biết, theo khoản 1 điều 584 Bộ luật dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Luật sư Nguyễn Văn Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Nam.

Nếu theo quy định này, có thể đơn vị là chủ sở hữu chiếc tàu hỏa có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ sở hữu chiếc xe. Tuy nhiên, theo clip ghi nhận lại sự việc có thể khẳng định lỗi phần lớn thuộc về tài xế lái xe ô tô đậu xe không đúng vị trí nên xảy ra tai nạn và quá trình điều tra cơ quan công an cũng cần phải làm rõ người lái tàu hỏa có lỗi dẫn đến va chạm không?

Tại sao khi nhìn thấy xe tô tô đỗ gần đường ray nhưng không cho tàu dừng hoàn toàn trước khi xảy ra va chạm, quy trình xử lý, điều khiển tàu khi nhìn thấy chướng ngại vật thế nào? Tài xế lái tàu hỏa có lỗi để xảy ra va chạm không? Nếu việc xảy ra tai nạn do lỗi cộng hưởng tức là cả 2 bên đều có lỗi thì bồi thường thiệt hại được xác định theo tỷ lệ lỗi của các bên theo quy định tại điều 585 Bộ luật dân sự 2015.

Đồng thời, tại khoản 2 điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Như vậy, trong trường hợp này có thể công ty là chủ sở hữu chiếc tàu hỏa không phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho chủ sở hữu chiếc xe ô tô vì thiệt hại do lỗi của bên bị thiệt hại (đậu xe không đúng nơi quy định).

Theo luật sư Nam, chiếc Hyundai Creta trong vụ việc được chủ xe mua bảo hiểm thân vỏ của Công ty bảo hiểm hàng không (VNI Kinh Đô). Nhưng, việc hãng bảo hiểm có thực hiện việc bồi thường trong trường hợp này hay không phụ thuộc vào thỏa thuận tại Hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa các Bên.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tau-hoa-dam-nat-dau-o-to-dung-do-canh-duong-ray-ai-phai-boi-thuong-16924060611483602.htm