Tàu ngầm Mỹ bất ngờ xuất hiện ở biển Ả Rập
Theo các chuyên gia quốc tế, đây có thể là thông điệp gửi đến Trung Quốc, Nga hoặc Iran.
Một tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân thường có thể ở dưới nước trong 70 ngày. Hầu như không thể bị phát hiện, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Ohio là tàu ngầm có khả năng tàng hình tốt nhất trong hạm đội Hải quân Mỹ.
Không giống như các tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles hoặc lớp Virginia mang vũ khí thông thường, và có thể cập cảng khắp thế giới, các SSBN trang bị tên lửa hạt nhân thường không xuất hiện trước công chúng, hoặc chỉ xuất hiện ở vùng biển của Mỹ và các cảng của đồng minh.
Nhưng vào sáng 20/10, theo giờ châu Á, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (USCENTCOM) cho biết chỉ huy của họ, Tướng Michael Kurilla, đã đến thăm tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio USS West Virginia tại một địa điểm không được tiết lộ trong vùng biển quốc tế ở biển Ả Rập.
Động thái chưa từng có ở khu vực Ấn Độ Dương, với khoảng cách gần như tương đương đến Moskva và Bắc Kinh, đã khiến các nhà phân tích phải suy tính xem tín hiệu này dành cho ai và thông điệp là gì.
West Virginia là một trong sáu SSBN đóng tại Căn cứ Tàu ngầm Hải quân Kings Bay, Georgia.
Hôm 19/10 ở Tây Virginia, ông Kurilla "đã được chứng kiến màn trình diễn thực tế về khả năng của con tàu, hoạt động trên toàn cầu dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (USSTRATCOM)", một bản tin đính kèm thông báo của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ cho biết. Trong số các hoạt động có thể bao gồm việc thử 20 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II với nhiều đầu đạn mà các SSBN như West Virginia có thể mang theo.
Joshua Kelsey, giám đốc hoạt động truyền thông của USSTRATCOM, nói với Nikkei Asia: "Hoạt động này là một minh chứng cho khả năng vô địch của lực lượng tàu ngầm chúng tôi, để hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Bộ Quốc phòng Mỹ "thường xuyên đánh giá khả năng sẵn sàng và vị trí chiến lược của chúng tôi, bao gồm cả SSBN, để đảm bảo duy trì cả khả năng hoạt động và hỗ trợ đáp ứng các nghĩa vụ, và cung cấp một biện pháp răn đe hiệu quả", ông nói thêm.
Cựu thủy thủ tàu ngầm Tom Shugart cho rằng động thái có thể thể hiện thông điệp Mỹ sẵn sàng và có thể gửi SSBN đến bất kỳ khu vực đại dương nào mà họ chọn, mà không bị phát hiện.
Tetsuo Kotani, một thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản và là giáo sư nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Meikai, cho biết đây có lẽ là lần đầu tiên sự hiện diện của một SSBN được công khai ở Ấn Độ Dương.
Ông nói, mục tiêu chính của thông điệp có thể là các hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Trung Quốc đang mở rộng ở sa mạc phía tây. Ông nói: “Mỹ muốn chứng tỏ rằng họ có lợi thế vượt trội về SSBN".
Ông Kotani cũng cho rằng Mỹ có thể đang gửi một thông điệp khác tới Nga và Iran.
Trong khi đó, Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho biết thông điệp có khả năng nhắm vào Nga hơn là Trung Quốc.
Ông cho rằng mục đích ở đây là "phát tín hiệu răn đe với Nga. Điều này dường như gắn liền với những diễn biến gần đây ở châu Âu và Trung Đông - cuộc diễn tập hạt nhân của NATO sau lời đe dọa của ông Putin và việc NATO đẩy mạnh hoạt động hải quân trong khu vực, đặc biệt là Địa Trung Hải”.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tau-ngam-my-bat-ngo-xuat-hien-o-bien-a-rap-ar708573.html