Tàu ngầm Mỹ gặp nạn tại Biển Đông phải nằm bờ chờ sửa chữa nhiều năm
Trang Bloomberg đưa tin USS Connecticut - tàu ngầm hạt nhân Mỹ đâm phải núi ngầm khi di chuyển qua Biển Đông năm 2021 - đang đậu trong một xưởng tàu ở bang Washington chờ được bảo dưỡng.
Theo Bloomberg, sửa chữa phần mũi cùng cánh đuôi sẽ tiêu tốn khoảng 80 triệu USD và khiến tàu phải ngừng hoạt động ít nhất đến năm 2026.
Quá trình sửa chữa USS Connecticut kéo dài phô bày tình trạng tồn đọng tàu chờ bảo dưỡng và năng lực sửa tàu rất có vấn đề của hải quân Mỹ. Dữ liệu hải quân cho thấy 18 trên 49 tàu ngầm tấn công không sẵn sàng hoạt động vì lý do bảo dưỡng.
Thành viên Ủy ban Quân vụ thuộc Thượng viện Mỹ Roger Wicker bình luận về thông tin Bloomberg đưa ra: “Sẽ phải mất ít nhất 5 năm sửa chữa USS Connecticut - một trong số tàu ngầm đáng sợ nhất của chúng ta - trở lại hạm đội. Sự chậm trễ này là lời nhắc nhở chúng ta phải đầu tư nhiều cho hạ tầng hàng hải”.
Hải quân Mỹ giải thích nguyên nhân gây chậm trễ nằm ở công tác lập kế hoạch, nguồn linh kiện sẵn có và hoạt động của xưởng tàu.
Được đóng khi Chiến tranh lạnh dần đến hồi kết, USS Connecticut nổi tiếng với khả năng di chuyển một cách im lặng trong thời gian dài dưới biển, đủ sức thực hiện nhiệm vụ tấn công lẫn nhiệm vụ thu thập tin tình báo.
Lò phản ứng hạt nhân giúp tàu có thể đạt vận tốc lên đến trên 25 hải lý/giờ (46,3 km/giờ). Tàu được trang bị 8 ống phóng bắn được tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, tên lửa chống hạm Harpoon, ngư lôi chống hạm MK-48.
Sau khi xảy ra vụ va chạm, hải quân Mỹ sa thải đội ngũ chỉ huy USS Connecticut. Một báo cáo giải mật vào tháng 4.2022 xác định tai nạn hoàn toàn có thể tránh được.
Đây không phải lần đầu USS Connecticut đụng vật thể khác. Tàu từng va chạm với một cầu tàu ở San Diego vài tháng trước khi gặp nạn tại Biển Đông.