Tàu ngầm USS Halibut và sứ mạng gián điệp khét tiếng của Mỹ - Kỳ 1

Chiến dịch Ivy Bells, một trong những sứ mạng gián điệp khét tiếng và quan trọng hàng đầu trong lịch sử quân sự Mỹ, cho thấy hoạt động do thám là một phần quan trọng của Chiến tranh Lạnh.

SỨ MẠNG TUYỆT MẬT Ở BIỂN OKHOTSK

Tàu ngầm USS Halibut được cử thực hiện sứ mạng đầy kịch tính, nghe lén một đường cáp điện thoại nối trụ sở hạm đội tàu ngầm Liên Xô tại Vladivostok với căn cứ Hạm đội Thái Bình Dương tại Petropavlovsk. Ảnh: El Pais

Tàu ngầm USS Halibut được cử thực hiện sứ mạng đầy kịch tính, nghe lén một đường cáp điện thoại nối trụ sở hạm đội tàu ngầm Liên Xô tại Vladivostok với căn cứ Hạm đội Thái Bình Dương tại Petropavlovsk. Ảnh: El Pais

Năm 1972, một sứ mạng chung của CIA (Cục Tình báo trung ương Mỹ), Hải quân Hoa Kỳ và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) nhằm tìm hiểu về khả năng hạt nhân của Nga đã bắt đầu, với việc cử tàu ngầm USS Halibut đưa các thợ lặn hoạt động do thám ở vùng biển Okhotsk hoang vắng. Mục tiêu của sứ mạng là nghe lén liên lạc giữa căn cứ tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Liên Xô tại Petropavlovsk trên Bán đảo Kamchatka với trụ sở Hạm đội Thái Bình Dương của Moskva tại Vladivostok, cách nhau khoảng 2.260 km.

USS 'Halibut', dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Jack McNish, là một tàu có kinh nghiệm trong các hoạt động bí mật và mang theo thiết bị rất tiên tiến vào những năm 1970.

Trong Chiến tranh Lạnh, nhiều nhiệm vụ gián điệp đã được thực hiện bằng tàu ngầm. Một số sứ mạng trong đó có thể là cảm hứng cho cốt truyện của serie James Bond, nhưng trên thực tế các chi tiết xung quanh chúng vẫn được giữ bí mật quân sự. Chỉ một số ít được đưa ra ánh sáng, trong đó có Chiến dịch Ivy Bells vào những năm 1970.

Nói một cách ngắn gọn, ý tưởng về sứ mạng này không gì khác ngoài việc nghe lén một đường cáp điện thoại nối trụ sở hạm đội tàu ngầm Liên Xô tại Vladivostok với căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương tại Petropavlovsk.

Lịch sử ghi nhận ý tưởng ban đầu là của Đại úy James Bradley, người khi đó đang giữ chức giám đốc tác chiến dưới nước tại Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ.

Bradley đã nảy ra ý tưởng này vào một đêm mất ngủ trong văn phòng của mình tại Lầu Năm Góc, khi ông nhận ra rằng chắn chắn phải có một kênh liên lạc nhanh giữa bộ chỉ huy và các căn cứ tác chiến của Liên Xô. Mặc dù các truyền dẫn vô tuyến chắc chắn đã được sử dụng, nhưng kiểu truyền tin này nhạy cảm hơn trước sự xâm nhập từ bên ngoài (các vệ tinh có khả năng thu được chúng đã bắt đầu được sử dụng), do đó một sợi cáp đơn giản có vẻ an toàn hơn nhiều.

Bản đồ vùng biển Okhotsk. Ảnh: Defense Post

Bản đồ vùng biển Okhotsk. Ảnh: Defense Post

Khu vực Petropavlovsk nằm gần mũi Kamchatka, nơi nó nhìn ra biển Okhotsk vắng vẻ. Đây là một vùng nước rộng lớn, gấp ba lần diện tích Tây Ban Nha, nằm giữa bán đảo và bờ biển của đại lục, và đóng băng hầu hết thời gian trong năm. Do đó có rất ít hoạt động giao thông thương mại qua đây ngoại trừ những tháng mùa hè. Xa hơn về phía Bắc, trong một vịnh thậm chí còn khó tiếp cận hơn, là nơi đặt một căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Nga. Nó đã bị bỏ hoang từ nhiều năm trước, nhưng trong Chiến tranh Lạnh, nơi đây có thể chứa 12 chiếc tàu ngầm.

Cáp thông tin sẽ dẫn đến được bộ chỉ huy hạm đội tàu ngầm Thái Bình Dương ở Vladivostok, đó là một ống dây đồng uốn lượn 2.500 km dọc theo đáy biển Okhotsk. Vấn đề là xác định vị trí của nó.

Ông Bradley đoán rằng tại địa điểm trên bờ biển nơi cáp bắt đầu chạy xuống biển sẽ có một số lệnh cấm neo đậu để đảm bảo nó không bị hư hỏng. Chỉ cần tìm thấy biển báo cảnh báo tàu không được thả neo là đủ.

Để làm được điều đó, lực lượng của Mỹ phải xâm nhập vào vùng biển chủ quyền của Nga, một hoạt động rất rủi ro về mặt chính trị vào thời điểm Tổng thống Richard Nixon đang cố gắng đạt được các thỏa thuận giải trừ vũ khí. Nhưng viễn cảnh nghe lén được các cuộc trò chuyện giữa các đô đốc Liên Xô hấp dẫn đến mức chính Henry Kissinger đã bật đèn xanh để thực hiện nó với sự bí mật tối đa.

Sứ mạng nghe lén được giao cho tàu ngầm USS Halibut dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Jack McNish. Đây là một con tàu có kinh nghiệm trong các hoạt động bí mật; nó đã từng tham gia tìm kiếm và xác định vị trí một tàu ngầm Liên Xô bị chìm ở Thái Bình Dương và có thiết bị theo dõi rất tiên tiến vào thời điểm đó - một loại ngư lôi dẫn đường bằng dây được trang bị sonar và camera. Trên tàu, một nhóm các chuyên gia, được cung cấp đầy đủ các thông tin xác thực về an ninh cần thiết, chịu trách nhiệm vận hành thiết bị. Phần còn lại của thủy thủ đoàn không hay biết gì về nhiệm vụ thực sự của họ.

Ở phía đuôi, Halibut mang theo một thiết bị trông giống như một tàu ngầm mini cứu hộ. Trên thực tế, nó được hàn vào boong tàu; đó là một buồng tăng áp được trang bị để sử dụng hỗn hợp oxy và heli mới. Đây là một sự phát triển gần đó, giúp chống lại độc tính của oxy ở áp suất cao và nguy cơ thuyên tắc nitơ. Với thiết bị thở này, thợ lặn có thể di chuyển dọc theo đáy biển, ở độ sâu khoảng 120 mét, mặc dù quá trình chuẩn bị để loại bỏ toàn bộ nitơ khỏi máu của họ rất mệt mỏi; mất nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày bị giam trong buồng tăng áp.

Tàu ngầm tên lửa dẫn đường USS Halibut. Tàu được trang bị một buồng tăng áp để chống lại độc tính của oxy ở áp suất cao và nguy cơ tắc nitơ. Ảnh: Bảo tàng Hải quân Hoa Kỳ

Tàu ngầm tên lửa dẫn đường USS Halibut. Tàu được trang bị một buồng tăng áp để chống lại độc tính của oxy ở áp suất cao và nguy cơ tắc nitơ. Ảnh: Bảo tàng Hải quân Hoa Kỳ

Được trang bị lò phản ứng cũ, Halibut không phải là tàu ngầm nhanh nhẹn và thậm chí còn chậm hơn khi có thêm tàu lặn khổng lồ ở đuôi. Di chuyển với tốc độ chỉ 10 hải lý/giờ, con tàu mất gần một tháng mới đến được biển Okhotsk, nơi nó lén lút đi vào vùng nước động và bắt đầu rà quét bờ biển, kiểm tra từng mét bằng kính tiềm vọng, đảm bảo rằng không có phản xạ vô tình nào trên kính sẽ tiết lộ sự hiện diện của nó, cho dù khu vực này rất hoang vắng đến nỗi hầu như không ai có thể phát hiện ra tàu.

USS Halibut mất một tuần để tìm ra điểm mà cáp truyền dẫn của Nga đi xuống biển. Ngay lập tức, một trong những ngư lôi trinh sát được phóng ra, thu được hình ảnh của ống cáp bị chôn một nửa trong cát. Sau khi vạch ra lộ trình, Halibut trượt ra đại dương, tránh xa vùng biển Nga.

Khi máy dò âm thanh ở độ sâu khoảng 120 mét, Halibut thả hai mỏ neo nặng để giữ cho nó đứng yên. Đến lượt thợ lặn, được trang bị bộ đồ giữ nhiệt để bảo vệ họ khỏi nhiệt độ đóng băng, ống cung cấp không khí, đèn, và quan trọng là dây cáp an toàn để có thể kéo họ trở lại nếu họ bị dòng nước cuốn trôi.

Sử dụng máy thổi khí nén, các “người nhái” loại bỏ cát che giấu cáp và lắp đặt một thiết bị điện tử xung quanh nó để nghe các cuộc trò chuyện lưu thông bên trong. Hoặc ít nhất là từ một số đường dây mà ống cáp bao chứa.

Xem tiếp Kỳ cuối: LỘ TẤY SAU HÀNG THẬP KỶ

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo El Pais)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-mat/tau-ngam-uss-halibut-va-su-mang-gian-diep-khet-tieng-cua-my-ky-1-20240829165526540.htm