Taxi điện chào sân, taxi truyền thống dè chừng!
Sau gần một tháng hoạt động, nhiều dự báo cho rằng taxi điện sẽ tạo ra sự thay đổi trên thị trường taxi tại các thành phố lớn.
Khách hàng, tài xế đều vui
Ngày 14/4, Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM đã chính thức đưa dịch vụ taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam - Xanh SM - vào hoạt động tại Hà Nội.
Sau gần một tháng hòa vào mạng lưới taxi phục vụ nhu cầu của khách hàng, taxi điện đang lấy được nhiều thiện cảm của người dùng.
Tỏ ra hài lòng về chất lượng dịch vụ, chị Trần Phương Thảo, làm việc cho một công ty Nhật Bản chia sẻ: “Trên xe cơ bản không mùi, không tiếng ồn động cơ, khoang ghế ngồi rộng, êm. Lái xe nhã nhặn, chu đáo. Hơn nữa, có lần quên túi máy tính trên xe, được tài xế liên hệ trả lại khiến tôi càng có thiện cảm”.
Anh Nguyễn Hữu Nhật, một khách hàng thường xuyên đi taxi điện cho hay: “Lần đầu đi thử tôi khá ngạc nhiên. Do sảnh chung cư rộng, xe đỗ, tài xế xuống mở cửa đón khách lên, khi ngồi ổn định, tài xế xin phép cho xe di chuyển, thực sự rất khác lạ so với taxi truyền thống. Giá cả thì tương đương thậm chí giờ cao điểm rẻ hơn xe công nghệ”.
Không chỉ khách hàng khen mà chính tài xế taxi điện cũng phấn khởi khi đảm nhận công việc mới. Nhiều người cho rằng, công việc không quá vất vả, áp lực nhưng thu nhập được họ cho là ổn.
Anh Nguyễn Ngọc Đạt, các tài xế của Xanh SM chia sẻ: “Trước tôi làm sales bất động sản, nhưng từ khi thị trường ảm đạm, tôi chuyển sang làm tài xế taxi điện. Tháng đầu thu nhập sau khi trừ khoảng hơn 4 triệu đồng tiền sạc điện cho xe hàng ngày, tôi vẫn còn khoảng 17 triệu đồng. Trước đây lương của tôi chỉ khoảng 10 triệu đồng”.
Nói về cảm nhận của khách hàng, anh Đạt cho biết thêm: “Nhiều khách hàng đánh giá 5 sao. Hiện giờ tôi có nhiều khách quen, họ liên hệ bằng điện thoại sau khi dùng”.
Anh Nguyễn Văn Thắng, một tài xế khác cho biết, đã từng làm qua nhiều hãng taxi truyền thống, công nghệ. Lý do anh chuyển sang taxi điện vì nhàn hơn hẳn, nhất là sau khi xe điện E34 cập nhật, đi 300km mới phải sạc. Quan trọng là thu nhập cao hơn, được đào tạo bài bản.
Tuy nhiên, tài xế taxi điện cũng tiết lộ: Sau khi đi vào vận hành dịch vụ taxi LuxuryCar - taxi cao cấp đã điều chỉnh giá cước cho phù hợp hơn với nhu cầu khách hàng.
Tìm hiểu của PV, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 600 taxi điện, sau gần một tháng vận hành đã phục vụ 200.000 chuyến đi với hàng trăm nghìn lượt hành khách.
Bên cạnh lời khen ngợi thì vẫn còn một số ý kiến cho rằng, gọi xe điện hiện nay khó hơn Grab hoặc taxi truyền thống do lượng xe còn ít.
Xe không có mùi xăng nhưng mùi nhựa, mùi xe mới và việc tăng giảm ga không êm như xe chạy xăng cũng làm giảm đáng kể trải nghiệm của khách hàng.
Xu hướng tất yếu
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM cho biết, để đặt taxi điện, khách có thể đón xe trực tiếp, gọi điện qua số tổng đài toàn quốc như taxi truyền thống hoặc qua ứng dụng Taxi Xanh SM trên App Store và Google Play Store như các hãng xe công nghệ.
“
Hà Nội đang là một trong những đô thị dẫn đầu cả nước về xu thế xanh hóa phương tiện giao thông. Tàu điện, xe buýt điện, taxi điện, xe cá nhân chạy điện đang dần bao phủ toàn TP.
Điều đó cũng hình thành nên một quan điểm mới chi phối văn hóa giao thông, thói quen đi lại của người dân theo hướng chuộng xe điện. Vì vậy, các hãng taxi truyền thống cần có “cuộc chuyển mình” trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông đô thị
”
Trong thời gian tới, taxi Xanh SM sẽ bổ sung thêm mẫu VinFast VF 5 Plus vào đội xe GreenCar, đồng thời căn cứ trên nhu cầu thực tế của khách hàng để tăng số lượng xe. Cùng với Hà Nội, Taxi Xanh SM đã chính thức có mặt tại TP.HCM là một bước tiến đặc biệt quan trọng trong kế hoạch có mặt tại ít nhất 5 tỉnh, thành phố trong năm 2023, hướng tới mục tiêu đưa vào hoạt động 20.000 xe trên toàn quốc.
TS. Vũ Hoàng Chung, một chuyên gia giao thông nhìn nhận, những người góp tiền mua xe với doanh nghiệp hoặc góp xe mượn thương hiệu, thường có tâm lý cố gắng kiếm được càng nhiều càng tốt, chỉ tập trung vào doanh thu, xao nhãng chất lượng phục vụ.
“Taxi xăng vốn đã thua kém taxi điện ở chất lượng phương tiện, chi phí thường xuyên cho đầu vào là nhiên liệu cũng lớn hơn rất nhiều, chất lượng dịch vụ lại chưa thực sự tốt, nên việc mất dần thị phần trước taxi điện là khó tránh khỏi.
Muốn tồn tại và phát triển, taxi truyền thống cần bứt phá khỏi tư duy cũ, mạnh dạn đầu tư, cải thiện phương tiện cũng như chất lượng dịch vụ của mình”, ông Chung nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức nhận định, khi taxi điện tham gia thị trường sẽ tạo động lực cạnh tranh đáng kể, buộc các hãng khác phải tính toán thiệt hơn, từ đó chăm sóc khách chu đáo hơn, không dám tăng giá cước vô tội vạ.
Khi số lượng xe taxi điện gia tăng, đủ sức đáp ứng thị trường với chất lượng dịch vụ tốt hơn, taxi truyền thống dù rẻ hơn cũng sẽ ngày càng lép vế, trở thành lựa chọn thứ cấp đối với hành khách.
“Thị trường dịch vụ taxi có thêm thành viên mới sẽ tăng tính cạnh tranh, buộc các hãng xe phải đổi mới để giữ thị phần, qua đó người tiêu dùng được hưởng lợi”, ông Đức nói.