Tây Hồ sẽ trở thành 'trung tâm văn hóa, du lịch' của Hà Nội
Tây Hồ được biết đến là vùng đất cổ phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, nơi lưu giữ hệ thống di sản văn hóa phong phú, các làng cổ, làng nghề truyền thống và cảnh sắc nên thơ gắn với nhiều huyền thoại. Trong bối cảnh Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, trong năm 2024 và những năm tới, Tây Hồ sẽ trở thành 'trung tâm văn hóa, du lịch' của Hà Nội.
Vùng đất “rồng thiêng hội tụ”
Trong tâm thức mỗi người dân Thủ đô, vùng đất Tây Hồ luôn gắn với những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc, được mệnh danh là vùng đất “rồng thiêng hội tụ” với thế đất “long phượng trình tường, phượng hoàng ẩm thủy”. Theo quan niệm phong thủy, xung quanh hồ là cả một vùng đất mang nhiều hình dáng các vật linh: phía đền Quan Thánh là đất hình Phượng, phía Yên Ninh là hình Rồng, phía Quảng Bá là hình Rùa, phía Quán La là hình Ngựa, phía Ngũ Xã là hình Lân. Những “linh vật” này đều chầu về hồ Tây. Hồ Tây là tâm điểm của một vùng “linh địa”.
Trải qua nhiều thế kỷ, Tây Hồ được bồi đắp bởi bề dày trầm tích văn hóa phong phú. Dưới màu non xanh nước biếc của hồ Tây, phủ Tây Hồ xuất hiện từ thời Lê - Trịnh, nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng linh thiêng, được coi là một trong những nôi khởi nguồn tín ngưỡng thờ Mẫu của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Quanh hồ Tây là nhiều di tích lịch sử mang dấu ấn đậm nét của Kinh thành Thăng Long xưa như: Chùa Trấn Quốc, đền Quan Thánh, phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ... Trong số 71 di tích ở vùng này đã có 40 di tích được xếp hạng và trở thành điểm đến nổi tiếng của các du khách trong và ngoài nước. Ở các di tích này có nhiều văn vật có giá trị: 102 bia đá, 165 câu đối, 140 bức hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá…
Quanh hồ còn có một dải làng nghề phục vụ cho sinh hoạt đô thành như: Giấy dó Yên Thái, hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trồng sen và ướp trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng… Nhiều nghề thủ công đã có tới nghìn năm tuổi là niềm tự hào của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Hồ Tây có một vùng văn hóa riêng biệt, là nguồn cảm hứng, nguồn thi tứ của bao thế hệ người Hà Nội, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước qua những lễ hội độc đáo. Lễ hội ở Tây Hồ chủ yếu vào mùa xuân tại các làng và đa dạng trong sắc thái biểu hiện, trong nghi thức lễ tiết, trong không gian văn hóa, trong diễn xướng... Các lễ hội đều hướng tới cầu nước, mừng mưa, cầu được mùa, dâng lễ vật tạ ơn trời đất, tổ tiên. Nhiều hội xuân còn ấp ủ cả triết lý phồn thực, giao duyên...
“Đánh thức” lợi thế để phát triển
Trong bối cảnh Thành phố Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, quận Tây Hồ đang tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện việc xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo sức hấp dẫn cho quận Tây Hồ, lan tỏa cảm hứng sáng tạo, ý thức bảo tồn văn hóa lịch sử trong mỗi người dân và du khách. Đây cũng là phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tăng khả năng thu hút khách du lịch nhằm đưa Tây Hồ trở thành “trung tâm văn hóa, du lịch” của Hà Nội trong thời gian tới đây.
Quận Tây Hồ đang tập trung xây dựng không gian văn hóa sáng tạo đặc trưng, không chỉ nhằm phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, mà hơn hết, những không gian đó sẽ “đánh thức” giá trị văn hóa lịch sử gắn với đặc trưng của khu vực hồ Tây.
Ví như, đêm Giao thừa năm Giáp Thìn 2024, “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” do UBND quận Tây Hồ phối hợp cùng các đối tác tổ chức đã thu hút hàng triệu người thưởng lãm. Màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 máy bay không người lái (drone) tái hiện hình ảnh Vua Lý Thái Tổ, cảnh rồng bay và những danh lam, thắng cảnh của vùng đất Thăng Long - Hà Nội trong thời khắc vượng khí giao thoa đất trời.
Theo ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, với chủ đề “Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử”, “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện ý nghĩa, văn minh, mang đậm các giá trị bản sắc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của Nhân dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Đồng thời, góp phần vào chiến lược “Thành phố sáng tạo”, khẳng định vị thế điểm đến quốc tế của Thành phố Hà Nội và trở thành niềm tự hào của người dân Thủ đô Hà Nội và Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Bùi Thị Lan Phương - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: “Trong năm 2024, để đưa Tây Hồ trở thành “trung tâm văn hóa - du lịch” của Hà Nội, quận Tây Hồ sẽ tập trung một số nội dung trong các hoạt động quản lý và phát triển văn hóa như: thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di tích, lễ hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án trong lĩnh vực văn hóa du lịch như: Đề án “Điểm du lịch, dịch vụ văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy dó, phường Bưởi”; Đề án “Phát triển trồng hoa sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh hồ Tây”; Đề án “Phát triển làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên gắn với dịch vụ du lịch”; nghiên cứu đầu tư tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa điểm nhấn, đặc trưng của Tây Hồ, gắn với hồ Tây, với các di tích lịch sử - văn hóa xung quanh hồ Tây.
Kết nối, tổ chức các tour du lịch văn hóa khám phá truyền thống văn hóa lịch sử địa phương. Tiếp tục đổi mới sáng tạo trong tổ chức hoạt động của Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ - phố đi bộ Trịnh Công Sơn, với sự tham gia tích cực của người dân, kết hợp với các nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, quận Tây Hồ cũng triển khai xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn gắn với di tích lịch sử văn hóa như không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó truyền thống của làng Yên Thái xưa gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia...
Và để thực hiện các hoạt động này, quận Tây Hồ sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, hỗ trợ sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa...”.
Tin rằng, với việc khai thác tiềm năng văn hóa lịch sử, cảnh quan để phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghìn năm văn hiến, quận Tây Hồ trong thời gian tới sẽ thu hút thêm hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến với vùng đất “rồng thiêng hội tụ”.