Tây Nguyên ngày ấy

Một khổ sách loại nhỏ, bỏ vừa túi áo, có 6 truyện: Mặt trời xanh lá cây, Ở nơi buồn muôn thuở, Trong căn nhà sàn bé nhỏ, Dòng sông thời gian, Người đi tìm nguồn nước và Xóm núi. Sách dày 242 trang. Riêng tên cuốn sách, cũng cho người đọc hình dung được những hàm xúc trong 6 truyện. Đó là tác giả đã dành bút lực để chỉ viết riêng về một vùng, vùng này những năm 1976 - 1985, đã cực kỳ sôi động với rất nhiều đổi thay mang tầm quốc gia, đó là Tây Nguyên mà trung tâm là tỉnh Đăk Lăk - Buôn Ma Thuột.

Diện mạo Tây Nguyên vào cái thời bấy giờ, cũng giống như ở khắp nước ta, công trường mở ra nơi nơi. Ở đây đất ba zan hoang hóa, khát nước. Vì thế cần gấp rút lập những công trường thủy lợi để tạo hồ chứa, xây kênh mương. Có nước, hàng ngàn hécta xanh lúa xanh cây trái. Tham gia lao động ở công trường là dân chúng từ rất nhiều nơi những tỉnh miền Trung ven biển, Nam Bộ, miền Bắc. Đấy là một đặc điểm rất đáng nhớ của những năm kề ngay sau chiến tranh - những năm cực kỳ khó khăn.

Trong lớp lớp người lao động ở công trường thủy lợi, ta thấy có bộ đội, trí thức; trí thức đến từ miền Bắc như Trưởng ty Thủy lợi Tuấn; Quang Anh kỹ sư gốc là bộ đội quê Hà Nội; Lâm trí thức vùng tạm chiến cũ; và Khảng lính trinh sát quân giải phóng; ông Ma Gầm thường vụ huyện ủy; Thương - người đàn bà tội nghiệp quê ở Huế.

Trên đây là cảnh trạng và con người trong Mặt trời xanh lá cây. Chất hiện thực của truyện đã đạt ở mức cao nhất. Đó là tác giả đã miêu tả ghi lại tất cả những khó khăn của một công trường thời ấy, người lao động, người quản lý đều bỡ ngỡ. Đâu đâu cũng thiếu và đói, do vậy ngay tại nơi sục sôi công việc, nhưng người làm vẫn phải ăn đói và phải ăn cả những thức ăn kém phẩm chất nhất. Trong một núi gian khổ đó, kỹ sư Trưởng ty Thủy lợi Tuấn, đi từ Trường Đại học Thủy lợi đến đây, chưa vợ con và làm việc đến quên mình, anh lặn lội, khám phá, xem xét và táo bạo có trách nhiệm trong mọi quyết định. Tuấn sống hòa đồng, nhiệt tình cách mạng cộng với tri thức mà cách mạng bồi đắp cho anh, đã tạo nên trong anh một sức trẻ bền chắc. Cán bộ thuộc cấp của Tuấn là Quang, cuộc đời đã làm được hai việc lớn, học xong Đại học Thủy lợi và vào bộ đội giải phóng chiến thắng trở về, tuy quê ở Hà Nội, đau đáu một mối tình đơn phương, nhưng Quang vẫn gắn bó với Tây Nguyên, lý do thật giản dị, anh không thể rời đây vì anh đã chiến đấu tại nơi này. Và, Lâm một trí thức nữa của vùng tạm chiến, trong lòng ngổn ngang, nhưng sống trong sục sôi của đổi thay, Lâm vẫn muốn được là người có ích, Lâm noi gương Tuấn, một trí thức của thời đại, cũng qua Tuấn, Lâm hiểu rằng người trí thức mới điều hết sức quan trọng là sao cho kiến thức của mình có ích với nhân dân. Tác giả đã xây dựng thành công hệ thống nhân vật trong truyện này, chẳng những vậy tác giả còn có tài miêu tả về phụ nữ, người mẹ, những cô gái. Nhất là người mẹ Hà Nội: “Mẹ tôi là người đàn bà hơi cổ, thương chồng thương con chỉ bằng những chăm sóc chu đáo, nhỏ nhặt, chứ không bao giờ nói lời âu yếm...”. Cực chính xác về người mẹ Hà Nội.

Hơi thở cuộc sống của đại ngàn Tây Nguyên được tái hiện trong tập sách của nhà văn Lê Thấu.

Hơi thở cuộc sống của đại ngàn Tây Nguyên được tái hiện trong tập sách của nhà văn Lê Thấu.

Viết về công trường là rất khó đối với bất cứ cây bút nào. Ở truyện này đạt hai điều lớn: Tư liệu xác thực một cách nghiêm ngặt vì vậy mà rất thuyết phục. Nhân vật được vun đắp trong nền cảm xúc chân thành, sôi nổi, với cái nhìn mẫn cảm và hóm hỉnh. Cũng như 5 truyện sau, đây là một truyện thành công về bút pháp và khuynh hướng hiện thực.

Trong căn nhà sàn bé nhỏ - vốn tính khiêm cung nên Lê Thấu đặt tên như vậy thôi, thực ra đây là một truyện nói về đổi thay cả một buôn làng thông qua đổi thay của một người đàn bà dân tộc Ê-đê tên là Hờ Yên. Dân tộc Ê-đê theo mẫu hệ, vì vậy số phận phụ nữ trong bước ngoặt lớn của thời đại này thật là khó khăn. Cách mạng về, chồng Hờ Yên là thiếu tá Phun rô, nhưng kẻ này đâu phải là kẻ Hờ Yên định chọn, mà là Y Đoai. Y Đoai vào quân giải phóng, trong con mắt Hờ Yên, thì Y Đoai đã mất tăm, rồi Y Đoai trở về, anh trở nên một người chủ buôn làng, dồn sức xây dựng quê hương, gặp lại Hơ Yên, mối tình xưa vẫn đấy. Còn Y Đăm tên thiếu tá Phun rô, đã phá hoại buôn làng quyết liệt; Hơ Yên, chập chững đi với cách mạng nhưng vẫn lo sợ vì Y Đăm vẫn về và phá phách, cô không yêu Y Đăm, nhưng cũng không dứt bỏ. Với Y Đoai, xưa Y Đăm còn là bạn học cùng lớp. Còn bây giờ, nếu để Y Đăm hoành hành, thì không những cách mạng bị đe dọa mà ngay bản thân Y Đoai cũng không thể tồn tại. Cuộc chiến trở nên khốc liệt, một mất một còn. Thế nhưng khi Y Đăm bị bắn chết thì Y Đoai lại thấy buồn. Đây là một phát hiện độc đáo của Lê Thấu về tính cách người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên - quyết liệt nhưng không hận thù - “Lá rơi về gốc, cành gẫy vào thân”. Tuy vậy, Y Đoai cũng vẫn bị trả thù do mưu mô của bố Y Đăm. Trước sự kiện nghiệt ngã này, Hơ Yên nhận ra con đường mới của đời cô và của toàn thể buôn làng Ê-đê. Chọn cuộc sống mới, Hơ Yên cũng chọn Y Đoai. Thâm nhập vào đời sống người dân tộc Lê Thấu thật quả đã hiểu sâu sắc được tính cách và tâm hồn người dân Ê-đê, nên ở truyện này, anh đã ghi lại tính kịch cao nhất của đời sống bấy giờ ở nơi này. Có thể nói, đây chính là điển hình của khuynh hướng hiện thực nghiêm ngặt. Ghi lại, miêu tả lại sự dữ dội nhất của đời sống và không một lời bình luận. Bởi vì, thường thì cái gì bình luận sẽ phôi phai, chỉ có trung thực với hiện thực là còn mãi. Trong truyện này, Lê Thấu cũng lại một lần nữa thành công trong miêu tả về phụ nữ. Xóm núi 19 căn nhà, 19 gia cảnh, những người từ tứ xứ đến đây trong nhiều năm họ sống bằng cơm thừa canh cặn của chiến tranh, bây giờ họ quây quần với nhau trên vùng đất màu mỡ, nhưng có vô vàn khó khăn, để bằng lao động chân chính họ trở nên những con người mới của xã hội mới. Hệ thống nhân vật ở đây là những số phận hẩm hiu, dang dở. Hoàng và bà mẹ từ Quảng Nam đến và Trâm, qua những bức thư, như những chương truyện. Ở đây, đối lập với Tuấn (trong truyện đầu) là một bộ phận tri thức tha hóa, dối trá và hưởng thụ. Rồi vợ chồng Chín Hoa, vợ chồng Đỗ Tư, bố con ông Mười. Truyện có 27.000 chữ, tầm một truyện vừa. Các nhân vật cũng được tả kỹ lưỡng nhưng lại chỉ vài dòng là ta có ngay những số phận khó quên. Tư tưởng của truyện cũng là tinh thần lớn của thời bấy giờ: Rằng mỗi con người hãy trông cậy vào chính bản thân mình. Dẫu cái thực tại này còn nhiều chông gai, nhưng người tốt quanh ta thật là nhiều.

Tập sách quả thật đã được viết dưới một cái nhìn mẫn cảm, tinh tế rất nghiêm khắc trong khuynh hướng hiện thực. Và, với độ chín của tay nghề, độ thuần thục của bút pháp.

Từ bấy đến nay, văn học cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết đã xuất hiện những khuynh hướng khó chấp nhận, đã không những nhai lại một cách thỏa mãn cái tàn dư của văn học thời cũ mà còn thóa mạ con người, xuyên tạc, làm méo mó tâm hồn con người, ca ngợi sự hưởng lạc gấp gáp, các nhân vật chỉ quẩn quanh tại mấy địa điểm: Quán rượu, khách sạn, nhà hàng, bãi biển và giường, thì việc có mặt của tập sách Trong căn nhà sàn bé nhỏ thật đáng quý, hiện thực của tập sách vẫn hôi hổi và vì thế nó nguyên vẹn tính lịch đại.

Nhà văn Bùi Bình Thi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tay-nguyen-ngay-ay-n183089.html